Ấn tượng về tầm nhìn biển, đảo của Võ Nguyên Giáp
VBĐVN.vn - Trong lịch sử Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tên tuổi một số vĩ nhân đôi khi gắn liền với một sự kiện nhất định nào đó. Chẳng hạn, nhiều người ở trong và ngoài nước biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến thắng Điện Biên Phủ. Tên của ông với chiến thắng vĩ đại - “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã bao trùm, lấn át nhiều đóng góp nổi trội khác. Nhưng qua đọc cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời”, chúng ta lại có một “thu hoạch” đặc biệt của ông về tầm nhìn biển, đảo.
Sách “Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời” được xuất bản từ năm 2015 do nhóm biên soạn Nhà xuất bản Trẻ (Mai Ly, Kim Tuyến, Quang Khải, Vĩnh Thắng, An Vy) chọn lọc giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng qua 103 sự kiện (phải chăng nhóm biên soạn muốn ghi nhận số tuổi của Đại tướng!). Đây là “Biên niên” về các cột mốc lớn nhưng tổng quát về cuộc đời ông từ khi là học sinh trường Quốc học Huế, hành trình tham gia hoạt động cách mạng, thành vị tướng, các hoạt động tiếp khách một số nguyên thủ quốc gia khi đã nghỉ hưu, đến “Ra đi và sống mãi” và cuối cùng trở về quê hương Quảng Bình để “Nhìn ra Biển Đông”. Nếu chưa có dịp đọc sách này, phần lớn chúng ta chỉ biết Đại tướng một cách chung nhất. Chẳng hạn như là Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam (vì ông là người trực tiếp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 thành viên ban đầu) và nhất là Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ.
Ngoại trừ một số người có nghiên cứu sâu về Đại tướng, chúng ta thường được nghe kể việc Đại tướng gặp khó khăn nhất trong cuộc đời của mình khi lựa chọn cách đánh của trận Điện Biên Phủ. Đó là chuyển từ cách: “đánh nhanh thắng nhanh” (theo Nghị quyết của Quân ủy) sang “đánh chắc tiến chắc” khi ông khảo sát thực địa. Cần lưu ý bối cảnh lúc bấy giờ trong việc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhưng là người chỉ huy trực tiếp các trận đánh trước đó mà nhất là trận Đông Khê (1950), ông đã rút ra phương châm rằng: “Chiến thắng đòi hỏi sự táo bạo, nhưng nó không chấp nhận bất cứ hành động phiêu lưu nào”.
Điều đáng quý qua cuốn sách này, một chi tiết rất ấn tượng mà chúng ta có thể ghi nhận thêm ở Đại tướng là sớm nhận thức về chủ quyền biển, đảo của nước ta. Vào thời điểm dồn sức cho giải phóng Sài Gòn (miền Nam), Đại tướng đã đề xuất với Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết về chủ quyền biển, đảo (ngày 25-3-1975). Và với tư cách là người chỉ huy Chiến dịch, ông đã kịp thời chỉ đạo giải phóng Trường Sa ngay ngày 2-4-1975. Sau này, trong các năm 1981, 1985 và 1988, Đại tướng đã có những ý kiến về chủ quyền biển, đảo và về Trường Sa. Vào năm 1985, Đại tướng đã đề xuất một chiến lược kinh tế biển và khoa học kỹ thuật về biển, trong đó việc mở đường ra biển, kinh tế biển được kết hợp chặt chẽ với quốc phòng mà mục đích lâu dài là chuyển đổi cơ cấu kinh tế ven biển thành nền công nghiệp thủy sản trù phú.
Khi dự cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương khóa VI về tình hình Trường Sa, ông cho rằng: “Khu vực này cực kỳ quan trọng về chiến lược, ta phải có biện pháp bảo vệ các bãi ngầm này”. Chỉ vài tháng sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký văn bản số 19/NQ-TW ngày 17-10-1988 về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam. Có sự chỉ dẫn về địa chiến lược của Đại tướng, Việt Nam đã có mặt thật sự, thường xuyên trên các bãi ngầm để bảo vệ khu vực khai thác dầu khí và mở ra triển vọng phát triển biển trong hiện tại và tương lai. Ở đây, chúng ta có được bài học về tầm nhìn. Nhìn chiến lược (nhìn xa, trông rộng). Bài học này càng có ý nghĩa trong giai đoạn mới. Không có tầm nhìn xa, đất nước nói chung, mỗi người nói riêng bị thiệt, bị mất mà không thể cứu chữa được.
Trong công tác hay cuộc sống, chúng ta cố suy xét để nhìn rõ, nhìn toàn diện và nhìn xa vấn đề. Tiền nhân cũng đã nói: “Người không biết lo xa, ắt có buồn (họa) gần” (Nhân bất viễn lự, tất hữu cận ưu). Cần phải ghi nhận thêm qua đọc sách này, chúng ta có được nhiều bài học quý. Câu hỏi mà chúng ta “truy vấn” họ là vì sao họ phi thường. Câu trả lời của họ lại đơn giản: Vì lợi ích chung. Độc giả bắt gặp ở Đại tướng trong Sách khi trả lời câu hỏi về chọn lựa nghề nghiệp đối với cháu nội mình (Võ Hoài Nam), ông nói: “Con làm gì cũng được, miễn làm giỏi, làm tốt và giúp ích được cho nhiều người”. Hay khi nói chuyện với tuổi trẻ, ông nhắn gửi: “Thế hệ cha anh đã rửa được cái nhục mất nước, tôi mong thế hệ trẻ các bạn phải rửa được cái nhục nghèo hèn”.
Tương tự như: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, việc dành thời gian để đọc một cuốn sách cho chúng ta thêm nhiều tư liệu và bài học quý. Sách “Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời” giúp chúng ta hiểu thêm về các cột mốc lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của ông. Và trong đó, sự “lừng lẫy” của ông không chỉ ở Điện Biên Phủ, mà là “hạt ngọc” về tầm nhìn chủ quyền biển, đảo. Phải chăng vì điều ấy, ông lựa chọn nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở Vũng Chùa (Quảng Bình) để nhìn ra biển Đông.
Dân Biện (baodongthap.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận