Sắc màu các dân tộc ở Trường Sa

17:25 23-06-2024

VBĐVN.vn - Chương trình giao lưu-trình diễn “Sắc màu Việt Nam” được tổ chức trong hải trình của đoàn công tác số 13 ra thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) năm 2024. Tại đây, lần đầu tiên, những bộ trang phục đặc trưng đại diện cho cộng đồng 54 dân tộc trên dải đất hình chữ S được các thành viên trình diễn, thể hiện tinh thần đoàn kết, sự gắn bó và hiện hữu của đồng bào các dân tộc Việt Nam đối với Trường Sa.

Trong không khí vui tươi, sôi nổi trên Tàu KN 390, đoàn công tác chia thành 6 trung đội (6 tổ) đem đến những phần trình diễn thu hút, ấn tượng với nhiều sắc màu và điểm nhấn thú vị, được người xem cổ vũ nhiệt tình. Tham gia chương trình, Trung đội 2 mở đầu phần trình diễn với lời dẫn: “Mỗi dân tộc đều mang những nét riêng về trang phục, phong tục, tập quán, nếp sống hàng ngày. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc về văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Tiếp đó, trong giai điệu của đàn tính và làn điệu then rộn ràng chuyển tiếp âm nhạc du dương của người Chăm rồi âm hưởng sôi động, khoẻ khoắn của tiếng cồng, chiêng từng đôi nam, nữ thuộc Trung đội 2 lần lượt thể hiện nét đặc trưng của trang phục các dân tộc Tày, Chăm và Raglai. Khép lại phần trình diễn trong lời hát “Một vòng Việt Nam”, trong màu áo cờ đỏ sao vàng và trang phục nhiều dân tộc, các thành viên đồng loạt biểu diễn các động tác như: Đặt tay lên ngực trái, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, đan tay kết thành vòng tròn… thể hiện tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em.

Tinh thần đoàn kết cũng được thể hiện rõ nét trong “Hành trình mang tên: Tự hào một dải non sông Việt Nam” của Trung đội 3. Xuyên suốt phần trình diễn áo dài truyền thống và trang phục các dân tộc là lời giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của các trang phục gắn với chiều dài lịch sử của đất nước và mỗi vùng miền. Sự xuất hiện của vai diễn Vua Hùng ngay màn mở đầu đã tạo ấn tượng thú vị cho người xem. Phần trình diễn còn gây ấn tượng khi Hoa hậu Hoàn vũ 2022 Ngọc Châu, Á khôi 1-Hoa khôi Sinh viên Việt Nam năm 2023 Minh Phương; ca sĩ Phương Thanh, MC, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, đại sứ áo dài Quỳnh Hoa… cùng tham gia trình diễn bộ sưu tập đặc biệt của nhà thiết kế Việt Hùng được sáng tạo với những hình tượng liên quan đến biển, đảo của Trung đội 3.

Sắc màu trang phục dân tộc trong đêm giao lưu văn nghệ ở Trường Sa

Các trung đội còn lại cũng đem đến những màu sắc tươi vui, mới lạ và thú vị trong phần trình diễn của mình. Chương trình đã cho các đại biểu được hòa chung vào không khí sôi nổi, sum vầy, kết nối với những kỷ niệm đẹp trong một hải trình đầy ý nghĩa. Bạn Nguyễn Minh Uyên, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Các thành viên Trung đội 2 đều rất hào hứng với sân chơi đậm bản sắc dân tộc. Vì thế, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi đã cùng nhau lên ý tưởng, tích cực luyện tập để có thể tự tin trình diễn những bộ trang phục ấn tượng, đẹp mắt và những điệu múa, điệu nhảy mang nét đặc trưng của mỗi dân tộc.

Tham gia hoạt động trình diễn trong trang phục truyền thống của đồng bào Ê-đê, bạn Trương Đỗ Thùy Vy, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam-Phân viện Hà Nội chia sẻ: Bản thân rất vinh dự khi có cơ hội tham gia đoàn công tác đến với Trường Sa và cùng hòa mình vào các tiết mục văn nghệ, trình diễn trang phục trên tàu. Cô gái lớn lên tại mảnh đất phố núi Pleiku (Gia Lai) cũng cho biết: Các đội đã đầu tư rất nghiêm túc và thể hiện tinh thần nhiệt huyết, cố gắng mang đến những màn trình diễn tuyệt vời, ghi lại nhiều ấn tượng đẹp khó quên với đoàn công tác.

Đêm văn nghệ tại đảo Trường Sa cùng với màn trình diễn áo dài trong bộ sưu tập được nhà thiết kế Việt Hùng dành tặng hành trình, các thành viên cũng trình diễn các trang phục dân tộc ấn tượng trước sự theo dõi của quân, dân trên đảo.

Những sắc màu của dân tộc hội tụ về vùng biển, đảo đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân... tiếp thêm động lực tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chiến sĩ Ngân Anh Tài, đảo Trường Sa người dân tộc Tày chia sẻ: Trong buổi tối đoàn giao lưu trên đảo, tôi được nhìn thấy những trang phục rực rỡ của đồng bào, trong đó có trang phục của dân tộc mình, tôi cảm thấy nhớ quê hương và cảm nhận được hơi ấm từ quê nhà như đang bên mình.

Trình diễn trang phục của 54 dân tộc anh em ở biển, đảo Trường Sa là nét mới trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2024 với chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; góp phần khẳng định Trường Sa luôn ở trong trái tim mỗi người dân đất Việt và được tiếp thêm sức mạnh từ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Mai Liên (baohaiquanvienam)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang