Bài 1: Hình thành “quả đấm thép” kinh tế
VBĐVN.vn - Dọc bờ biển tỉnh Khánh Hòa, tôi gặp nhiều nhà máy công nghiệp, năng lượng điện, khu du lịch 5 sao, những tuyến đường sát biển tuyệt đẹp… Đây là kết quả rõ nét nhất sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa về phát triển kinh tế biển. Những vấn đề thực tiễn sinh động đã khẳng định đường lối, hoạch định chính sách đang đi đúng hướng, đồng thời có giá trị phát triển bền vững lâu dài.
Bài 1: Hình thành“quả đấm thép” kinh tế
Thay đổi tư duy
Vân Phong là một trong những vịnh đẹp và nước sâu của thế giới, nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Phú Yên. Khu kinh tế Vân Phong được ví như “quả đấm thép” kinh tế của tỉnh Khánh Hòa, có hơn 4 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư, đã giải ngân được 1,2 tỉ USD. Những ngày này, cảng quốc tế Nam Vân Phong đón nhiều tàu vận tải nước ngoài chở thiết bị làm điện gió của tỉnh Đắk Lắk. Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng số vốn 2,58 tỷ USD. Tại công trường có hàng nghìn lao động làm việc khẩn trương để sớm hoàn thành cảng biển và những tổ máy phát điện, tổng công suất 1.320MW, dự kiến đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.
“Theo kế hoạch, đến năm 2030, khu vực Nam Vân Phong sẽ có 4 dự án điện lớn, tổng công suất lên đến 13.800MW. Trước mắt, sẽ xây dựng đường dây truyền tải 500KV, từ Vân Phong - Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận). Đã có mấy nhà đầu tư muốn xây dựng kho chứa khí GLN tại Vân Phong phục vụ các nhà máy điện trong nước và khu vực Đông Nam Á” – ông Hoàng Đình Phi, nguyên Trưởng ban Khu kinh tế Vân Phong, cung cấp thêm thông tin.
Ngược dòng thời gian, bắt đầu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIII, nhiệm kỳ 1996-2000, đã đề cập đến phát triển kinh tế biển. Đến Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2001-2005, đề ra 10 chương trình và dự án lớn phát triển của tỉnh, trong đó có chương trình kinh tế biển tổng thể.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2001-2005 khẳng định: “Khánh Hòa là một trong những tỉnh sớm có nghị quyết về phát triển kinh tế biển, trước cả Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Lúc đầu triển khai có rất nhiều cái mới, đụng vào lĩnh vực nào cũng thấy khó. Cái khó thứ nhất, tỉnh không có vốn; khó thứ hai, tỉnh chưa làm công nghiệp biển, ven biển bao giờ. Công ty đóng tàu biển Hyundai (Hàn Quốc) muốn tỉnh Khánh Hòa góp vốn xây dựng nhà máy tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh không có tiền để đóng góp. Phía Việt Nam quyết định góp cổ phần 30% vốn bằng đất và mặt nước biển. Phía Hàn Quốc góp 70%, làm nên nhà máy đóng mới tàu biển lớn nhất nước ta. Các hãng tàu lớn ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ... đến đây sửa chữa, đóng mới, giải quyết hàng nghìn lao động. Doanh thu năm 2020 gần 500 triệu USD, nếu như 25 năm trước, chúng tôi không thay đổi tư duy, không có quyết tâm làm, thì chưa chắc khu vực Nam Vân Phong nó có nhịp độ phát triển như bây giờ”.
Ý tưởng “chợ đầu mối” bán xăng dầu trên biển
Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam đi vào hoạt động đã làm bừng sáng cả vùng đất cằn sỏi đá bán đảo Hòn Hèo. “Bắt đầu năm 2001, Tỉnh ủy Khánh Hòa đồng ý chủ trương phối hợp với Tập đoàn xăng dầu Việt Nam làm thí điểm mua xăng dầu từ Trung Đông, chở thẳng về vịnh Vân Phong chuyển tải, sang mạn các tàu nhỏ đưa về kho xăng dầu Nhà Bè, Hải Phòng, Đà Nẵng... phân phối bán lẻ. Cách làm này giống như “mua gốc bán ngọn”, bên nào cũng có lợi” – ông Phạm Văn Chi chia sẻ thông tin thú vị.
- Trước khi tuyển tải xăng dầu ở vịnh Vân Phong, nước ta mua xăng dầu từ đâu về? - Tôi hỏi.
- Đại bộ phận nước ta sang mua xăng dầu ở Singapore, giá thành cao. Dùng tàu lớn mua trực tiếp từ các hãng dầu mỏ ở Trung Đông, làm lợi cho quốc gia hàng tỷ USD. Tôi tính riêng tỉnh Khánh Hòa, một chiếc tàu chở dầu có trọng tải 100.000 tấn đến Vân Phong thả neo xuống, chuyển tải sang tàu nhỏ, thời gian 7-8 ngày, tiền thuế nhập khẩu đóng cho tỉnh gần 100 tỷ đồng/chuyến, mỗi năm có 10-13 chuyến tàu, tổng tiền thuế trên dưới 10.000 tỷ đồng. Thời điểm năm 2001-2003, một tỉnh miền Trung có nguồn thu như vậy là rất lớn.
Năm 2006, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam đầu tư 125 triệu USD xây dựng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong tại xã Ninh Phước, với dung tích trên 500.000 mét khối, trở thành kho chứa xăng dầu lớn nhất Việt Nam. Chức năng chính của kho ngoại quan là cho các công ty nước ngoài thuê chứa xăng dầu, dự trữ xăng dầu đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia trong mọi tình huống.
Bài 2: Vay “tiền nóng” làm đường du lịch
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận