Bão số 6: Không để "thiệt hại kép" trong bối cảnh dịch bệnh
VBĐVN.vn - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh lực lượng chức năng ứng trực 24/24h, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra; các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là...
Chiều 23-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp khẩn về phòng, chống bão số 6.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 23-9, bão cách bờ biển Bình Định khoảng 130km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 140km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 160km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 220km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia, đến 15 giờ ngày 23-9, số lượng tàu trong vùng nguy hiểm là 28 tàu. Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết hầu hết đã kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn; chuẩn bị sẵn phương án di dân đến nơi an toàn.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác chuẩn bị của các bộ, địa phương ứng phó bão số 6, cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông. Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ đã kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai trong thời gian ngắn, cũng như có những báo cáo, tham mưu kịp thời cho Chính phủ.
Mặc dù trong thời gian ngắn chuyển trạng thái từ áp thấp nhiệt đới sang bão, song các địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, từ việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, thu hoạch hoa màu để hạn chế thiệt hại, rà soát công trình hồ đập, chuẩn bị phương án di dân khi cần thiết. Các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển vào đất liền nhanh, do đó, phải có sự ứng phó, có dự báo chính xác, kịp thời; đồng thời triển khai khẩn trương tới các địa phương, bám sát diễn biến cơn bão trong bối cảnh đang có dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải kết hợp công tác phòng, chống thiên tai với phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm thiệt hại do thiên tai ở mức thấp nhất và không để vì bão mà mất kiểm soát dịch bệnh.
Thời gian từ giờ đến khi bão ảnh hưởng trực tiếp, mưa lớn không còn nhiều, Phó Thủ tướng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia phải bám sát từng giờ, từng phút để dự báo chính xác, thông tin kịp thời và các cơ quan thông tin, truyền thông cần tích cực phối hợp.
Phó Thủ tướng lưu ý, từ giờ đến đêm 23-9, cần kêu gọi toàn bộ số tàu thuyền trên biển di chuyển về bờ tránh trú và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Các địa phương phải kết hợp thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp nơi trú tránh cho ngư dân và kiểm tra, xét nghiệm SARS-CoV-2.
Các địa phương rà soát, tổ chức sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm ven biển, cửa sông sóng lớn, sạt lở; rà soát lại phương án sơ tán phù hợp với tình hình để bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương bảo đảm an toàn công trình xây dựng, đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động tiêu úng chống ngập.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh lực lượng chức năng phải ứng trực 24/24 giờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Giải pháp phòng, chống bão trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là...
Chiều tối 23-9, có 71 tàu cá của Bình Định vẫn còn hoạt động trên biển, trong đó có 5 tàu đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 6. Thị xã Hoài Nhơn có số lượng nhiều nhất với 42 tàu, huyện Phù Cát 11 tàu, huyện Phù Mỹ 12 tàu và thành phố Quy Nhơn 6 tàu.
Tỉnh Bình Định đã tăng cường triển khai các hoạt động phòng tránh bão số 6. Tuy nhiên đã có 1 người tử vong là ngư dân Nguyễn Thành Tuân (sinh năm 2004, trú tại thị xã Hoài Nhơn) là thuyền viên tàu BĐ 95201 TS tàu xuất bến ngày 20-8 tại Mũi Tấn, Quy Nhơn để hành nghề câu cá ngừ đại dương.
Lúc 6 giờ 30 phút ngày 23-9, tàu BĐ 95201 TS vào đảo Đá Tây A (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để mua đá; đến 7 giờ 20 phút người trên tàu phát hiện Tuân bị ngã ở khe giữa tàu cá và thành cầu cảng (nghi bị điện giật), thuyền viên Tuân được đưa đi cấp cứu nhưng đến 8 giờ 30 ngày 23-9 thì tử vong. Thi thể Tuân đang được tàu đưa về địa phương.
Vào lúc 17 giờ ngày 23-9, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký ban hành công điện yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện ven biển, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn tiếp tục phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 để chủ động phòng tránh; đặc biệt là đối với 5 tàu thuyền đang di chuyển trong vùng ảnh hưởng của bão; giữ thông tin liên lạc thường xuyên để có thể xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Đơn vị chức năng đảm bảo an toàn cho các phương tiện hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy sản; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó khi mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt; sẵn sàng phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm…; kiểm tra, rà soát các hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các công trình đang thi công, xây dựng...
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận