Giữ bình yên tuyến sông biên giới Tây Nam
VBĐVN.vn - Chứng kiến biên đội tàu của Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) tham gia làm nhiệm vụ ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Tây Nam trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi hiểu phần nào sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Không chỉ thời tiết thay đổi thất thường, làm việc trên địa bàn sông nước, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 luôn hiện hữu mà nguy hiểm hơn là các đối tượng vi phạm pháp luật rất manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí chống trả lực lượng chức năng.
Chiếc ca nô đưa chúng tôi cập vào mạn Tàu 18-31-04 đang neo đậu trên dòng Mê Công, ngang với phao số 0 phân chia biên giới Việt Nam-Campuchia. Tranh thủ lúc ít phương tiện lưu thông qua lại, cán bộ, chiến sĩ tiến hành tổng vệ sinh con tàu để chuẩn bị đón Tết.
Thiếu tá QNCN Nguyễn Đình Xuân, Thuyền trưởng Tàu 18-31-04 cho biết: "Nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh trật tự và phòng, chống dịch Covid-19 là trên hết nên năm nay anh em chúng tôi đã sẵn sàng đón Tết trên tàu ở tuyến sông này".
Được biết, gần 8 tháng nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, nhiều cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 chưa về thăm nhà mà vẫn yên tâm làm nhiệm vụ với tinh thần “vì nhân dân quên mình”.
Riêng biên đội tàu trực trên dòng Mê Công đã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, tham gia ngăn chặn hơn 23 nhà nổi, bè cá và 120 lượt phương tiện xuồng, ghe các loại vượt biên giới sang Việt Nam; chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc địa bàn, kịp thời tham mưu, xử lý tốt các tình huống xảy ra, được thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu 9 và lãnh đạo tỉnh An Giang, tỉnh Đồng Tháp biểu dương, khen thưởng.
Nhiều ngày bám trụ nơi biên giới, trên sông nước, nắng gió càng làm cho màu da bộ đội sạm đen, không ít đồng chí mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Những ngày cận Tết, lực lượng canh trực càng phải tập trung cao độ bởi đây là thời điểm các đối tượng vượt biên, buôn lậu hoạt động nhiều. Dù vất vả nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ đều gắng sức.
Có những đồng chí hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vẫn nỗ lực khắc phục, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ như Đại úy Trần Hoàng Em, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, phải nhờ hai bên gia đình chăm sóc vợ sinh con thiếu tháng. Đại úy Trần Hoàng Em cho biết: “Từ trước lúc vợ sinh con đến giờ, tôi chưa về thăm nhà. Nhưng ở đơn vị còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng gác lại việc gia đình để cùng thực hiện nhiệm vụ chung nơi tuyến đầu biên giới. Anh em chúng tôi ngày nào cũng gọi điện về động viên, an ủi cha mẹ, vợ con”...
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận