Bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản vì một đại dương xanh

09:04 08-07-2020

Hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Việt Nam tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam với nhiều chương trình, hành động tại các địa phương trên cả nước.

Đây cũng là dịp để thúc đẩy tuyên truyền, đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, một trong 6 chủ trương lớn là nuôi trồng và khai thác hải sản với công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản được các cấp, các ngành, các địa phương trên cả nước chú trọng, góp phần quan trọng để nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển; có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giải quyết những vấn đề về biển và hải đảo, chung tay bảo vệ đại dương xanh, hành tinh xanh.

Một góc khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Tăng cường bảo vệ nguồn lợi hải sản

Tiến sỹ Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ Bảo tồn và phát triển Nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đối với công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, tiếp tục triển khai một số tiểu dự án, Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (Đề án 47), bao gồm: Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi thủy sản ven biển Việt Nam; Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển Việt Nam; Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam… phạm vi điều tra của các tiểu dự án đã bao phủ phần lớn vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Năm 2020, kết quả điều tra nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển của các tiểu dự án nêu trên sẽ được đánh giá, nghiệm thu để sử dụng cho công tác quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, phục vụ quản lý, phát triển bền vững ngành Thủy sản.

Tính đến cuối năm 2019, tổng số tàu cá trên cả nước là 96.609 chiếc đang hoạt động, với tổng công suất trên 10 triệu CV. Sản lượng khai thác đạt 3,59 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác thủy sản nội địa khoảng 218 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,15 triệu tấn.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở cả vùng biển và vùng nội địa. Ô nhiễm rác thải nhựa, môi trường nước, môi trường sống của các loài thủy sản do sự phát triển của một số ngành kinh tế (công nghiệp, du lịch,…); suy thoái hệ sinh thái thủy sinh (hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái cỏ biển,…). Hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp như: tàu cá hoạt động sai vùng, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản, khai thác, tiêu thụ loài thuỷ sản nguy cấp, quý, hiếm,…

Để chủ động trong công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hải sản thông qua Nhiệm vụ số 8 của Đề án 47 với mục tiêu “có được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia điều tra đa dạng sinh học, nguồn lợi hải dương học và nghề cá biển Việt Nam với bộ dữ liệu gốc và các đầu ra phù hợp phục vụ cho việc nghiên cứu, quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững”. Dự án được xây dựng, triển khai từ năm 2011, các dữ liệu về nguồn lợi hải sản đã được tập hợp nhưng còn ở các dạng khác nhau chưa được chuẩn hóa, đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung nên khó khăn trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng.

Phục hồi, phát triển bền vững nguồn lợi hải sản

Bè nuôi trên vịnh Hạ Long được sử dụng bằng vật liệu thân thiện môi trường.

Tiến sỹ Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, để công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản được bền vững, cần có sự chung sức của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như cộng đồng dân cư sinh sống ven biển.

Trong những năm qua, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu bảo tồn biển đang ngày được quan tâm nhiều hơn. Kết quả của một số đề tài nghiên cứu đã hỗ trợ khá hiệu quả cho công tác quản lý. Một số khu bảo tồn biển đã triển khai khá tốt và thường xuyên như: Cù Lao Chàm, Hòn Mun, Vườn Quốc gia Núi Chúa. Hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển được triển khai khá tốt trong giai đoạn 2005-2015. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động này đang có dấu hiệu chậm lại. Một số mô hình đã dừng hoạt động do thiếu kinh phí để duy trì, đặc biệt là đối với Khu bảo tồn biển mới thành lập.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng được các Khu bảo tồn biển quan tâm, đã có nhiều chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, học sinh sống trong và xung quanh các Khu bảo tồn biển thông qua các phương tiện truyền thông rất sáng tạo. Điển hình như các chương trình: “Bảo tồn rùa biển” tại Côn Đảo; “Chiến dịch nói không với túi ni lông” tại Cù Lao Chàm, Lý Sơn; “Lặn thân thiện” ở các danh thắng Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Vịnh Hạ Long, Khu Dự trữ Sinh quyển quần đảo Cát Bà; “Thăm quan Công viên đá” ở Vườn Quốc gia Núi Chúa; “Ủng hộ Nhà Thạch tạ” ở Khu Bảo tồn biển Hòn Cau… Một số khu bảo tồn biển đã phối hợp với các trường Đại học trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo sinh viên trong công tác quản lý bảo tồn như Cù Lao Chàm.

Về phục hồi, tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, một số khu bảo tồn biển và khu vực biển do cộng đồng quản lý đã có các hành động hiệu quả như: Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Bạch Long Vỹ đã thực hiện trồng bổ sung, phục hồi san hô với kết quả được đánh giá khả quan. Khu vực vịnh Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và khu vực biển Tuy An, tỉnh Phú Yên đã được dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD) hỗ trợ hoạt động cho người dân tổ chức bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ môi trường sống của các loài thuỷ sản tại khu vực. Ngoài ra, một số địa phương đã chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án thả rạn san hô nhân tạo, tạo môi trường sống cho các loài thủy sản như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Thuận, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế; trồng cấy, phục hồi san hô: Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa.

Để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về hải sản, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai điều tra, thu thập số liệu để xây dựng hồ sơ các khu vực có tiềm năng bảo tồn, đề xuất bổ sung vào hệ thống Khu bảo tồn biển Việt Nam. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định bổ sung các khu vực cấm khai thác có thời hạn, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản để khoanh vùng, bảo vệ các khu vực thủy sản tập trung sinh sản, thủy sản còn non tập trung sinh sống tại địa phương; đồng thời đề ra kế hoạch dài hạn về việc thả giống, tái tạo nguồn lợi đối với các đối tượng thủy sản cần bảo vệ, bảo tồn và có nguy cơ bị cạn kiệt.

Theo TTXVN

Nguồn:https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bao-ve-va-phat-trien-nguon-loi-hai-san-vi-mot-dai-duong-xanh-20200605071600190.htm

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang