Biển Đông: Vùng biển tốn nhiều giấy mực nghiên cứu trong lịch sử

07:43 12-12-2023

VBĐVN.vn - Hiện nay, khu vực Biển Đông là một trong những vùng biển đang diễn ra các tranh chấp chủ quyền về đảo, quần đảo, tranh chấp chủ quyền, quyền tài phán về các vùng biển chồng lấn dưới nhiều hình thức. Đối với vấn đề chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ cơ sở và căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử để chứng minh rằng Việt Nam đã khai thác, xác lập và thực thi chủ quyền thật sự hai quần đảo này, ít nhất từ thế kỷ XVII, khi chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.

Làn nước xanh trong âu tàu ở xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Phạm Anh Tuấn)

Vấn đề được nghiên cứu nhiều và nhất quán

Cho đến nay, đã có nhiều tài liệu, thư tịch cổ, bản đồ cổ được tìm thấy tại các kho lưu trữ và thư viện ở trong và ngoài nước, cho thấy đầy đủ cơ sở về lịch sử và pháp lý để khẳng định một cách chắc chắn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Đã có hàng trăm công trình nghiên cứu, sách, báo, bài viết được công bố, khẳng định quá trình khai thác, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo. Quá trình đó diễn ra từ rất sớm, ít nhất cũng từ thế kỷ XVII và liên tục cho đến mãi sau này.

Nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa và vấn đề Biển Đông là những công việc rất to lớn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ trước đến nay, ở Việt Nam và nước ngoài, đã có nhiều nhà sử học, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa… dành nhiều thời gian và công sức tập trung sưu tầm, khảo cứu, khai thác, đánh giá các nguồn tư liệu và cho công bố kết quả khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Số lượng các công trình nghiên cứu, các sách viết về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vấn đề Biển Đông lại càng nhiều, nhất quán khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật pháp quốc tế.

Chủ trương của Việt Nam

Vị trí chiến lược quan trọng về các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự và những vấn đề do lịch sử để lại đã tạo nên các tranh chấp giữa các quốc gia có chung quyền lợi ở khu vực này.

Đặc biệt, những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông, với “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) và tốc độ gia tăng quân sự hóa các đảo, đá chiếm đóng trái phép ở Biển Đông đã làm cho tình hình an ninh trên Biển Đông ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông như vậy và trong xu thế hội nhập quốc tế về biển, đảo của khu vực và thế giới hiện nay, các quy định của Luật Biển quốc tế chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia hữu quan vận dụng trong quá trình đàm phán và giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo.

Mặc dù có nhiều tranh cãi nhưng lập trường trước sau như một của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam là nhà nước đầu tiên và duy nhất thực hiện quyền làm chủ của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hoà bình, ổn định và liên tục.

Theo dòng lịch sử, trên bình diện song phương và đa phương, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo. Mặt khác, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng Luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và trên tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002.

Ứng xử với các bên

Đối với Trung Quốc, hai bên đều khẳng định giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, cùng tôn trọng, quan tâm tới lợi ích chính đáng của nhau, căn cứ những nhận thức chung đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước và Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Đối với các nước khác trong ASEAN có chung quyền lợi ở Biển Đông như Thái Lan, Brunei Darussalam, Malaysia, Malaysia, Indonesia… Việt Nam và các bên đều thống nhất chủ trương bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và DOC, hướng tới xây dựng COC; nhất trí phối hợp cùng các nước trong khu vực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2013; hợp tác để cùng các nước ASEAN xây dựng cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh vào năm 2015.

Đồng thời, Việt Nam chủ động phối hợp với các thành viên khác để đưa Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đáp ứng lợi ích phát triển của tất cả các thành viên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thịnh vượng của các nước và ở khu vực.

Công khai hóa, minh bạch hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông; đấu tranh kiên quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam cùng với Trung Quốc và các quốc gia trong ASEAN kiên quyết phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.

PGS.TS. ĐINH QUANG HẢI

Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử

(baoquocte.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang