“Biển vẫn con đường mòn”

12:01 22-10-2021

VBĐVN.vn - Lần đầu tiên câu chuyện về Đoàn tàu không số được tái hiện trên sân khấu chèo qua vở diễn “Biển vẫn con đường mòn” của Nhà hát Chèo Quân đội. Đại tá, đạo diễn, NSND Vũ Tự Long chia sẻ: "Thế hệ hôm nay sống trong hòa bình không được phép quên quá khứ, quên đi những mốc son lịch sử và phải có trách nhiệm tô đẹp thêm, làm cho nó trở thành những biểu tượng cao đẹp cho muôn đời sau".

Cảnh trong vở chèo "Biển vẫn con đường mòn". Ảnh: HUY QUANG

Vở chèo đầu tiên về Đoàn tàu không số

Tác phẩm được chuyển thể từ kịch bản cùng tên của tác giả Lê Thu Hạnh và được NSND Tự Long dành nhiều tâm huyết dàn dựng. Đạo diễn Tự Long tâm sự, trong Chương trình “Ký ức vui vẻ” trên kênh truyền hình VTV3, anh có tham gia giao lưu với cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức, nguyên thuyền trưởng tàu không số và được nghe ông kể câu chuyện về những chuyến vượt biển đặc biệt. Sau đó, anh hứa với ông và nhà báo Lại Văn Sâm rằng sẽ làm một vở chèo tri ân, tôn vinh những con người, những con tàu đã làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.

“Biển vẫn con đường mòn” tái hiện câu chuyện về những thành viên của Đoàn tàu không số. Họ đến từ các vùng quê khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều mang trong mình lý tưởng cống hiến cho Tổ quốc, sẵn sàng đối mặt với bao hiểm nguy ngoài khơi xa, hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó là Đức (Thế Quỳnh thủ vai)-một thuyền trưởng bản lĩnh, hiểu biết, dày dạn kinh nghiệm; là Nậm (Xuân Nghĩa thủ vai) đã tự cầm dao chặt chân bị thương đi cho đỡ vướng để tiếp tục chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; là Thường (Ngọc Sơn thủ vai) cái gì cũng tưởng... bình thường nhưng làm được những việc phi thường...

Xuyên suốt vở diễn là câu chuyện về nhân vật Hải (Thanh Huấn thủ vai), mang dáng dấp hình tượng liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phan Vinh. Hải đã bỏ lại giấy gọi đi học ở Liên Xô để lên đường theo tiếng gọi của non sông, theo con đường của ông nội và bố đã đi. Ban đầu còn những bỡ ngỡ, nhưng Hải đã trưởng thành qua từng chuyến tàu và trở thành một thuyền trưởng mưu trí, bản lĩnh, thực hiện nhiều chuyến đi an toàn. Khi đối mặt với kẻ thù, anh cùng đồng đội đã chiến đấu dũng cảm và khi chỉ còn một phương án cuối, anh là người ở lại hy sinh cùng với con tàu-người anh em của mình trong niềm tự hào: “Thật đau lòng khi để bạn yên nghỉ dưới lòng biển sâu... Hỡi người bạn của tôi, thật vinh dự khi được cùng sống, cùng chết với bạn”.

Cũng trong những chuyến tàu không số, không chỉ là hàng hóa, vũ khí, con người chi viện cho miền Nam, đó còn là tình cảm của những chiến sĩ trên tàu với bà con nơi tàu cập bến bờ; của đồng bào hai miền Nam-Bắc dành gửi cho nhau; trong đó có cả tình yêu thương đôi lứa của Hải-đứa con thần biển và Diệu-cô gái Nam Bộ giàu đức hy sinh. Và Phong chính là kết tinh của tình yêu ấy. Dù chưa một lần thấy mặt cha nhưng Phong đã được nuôi dưỡng và lớn lên bằng tình yêu thương của mẹ, của bà và sự tự hào về cha. Như một lẽ tự nhiên, lớp cha trước, lớp con sau, Phong trở thành chiến sĩ hải quân, nối tiếp con đường, noi theo tấm gương của cha.

Tiếp lửa cho thế hệ hôm nay

“Biển vẫn con đường mòn” là tác phẩm hiếm hoi ở lĩnh vực sân khấu và là vở chèo đầu tiên về đề tài này. Sân khấu, lại là sân khấu truyền thống thì quả là một thách thức không nhỏ cho ê kíp sáng tạo. Và đến khi xem vở diễn, có thể nói những lo lắng ấy đã được đạo diễn Tự Long xử lý rất khéo léo trong hai tiếng đồng hồ trên sân khấu chèo.

Vở diễn không tham lam nhiều chi tiết mà chọn cách thể hiện hành trình của Đoàn tàu không số bằng những lát cắt nhỏ, điển hình, để qua đó khán giả thấy được cả câu chuyện dài và những con người trong đó. Với sân khấu chèo, thể hiện không gian và những trận chiến trên biển là một hạn chế. Bởi vậy, bên cạnh hình tượng những chiến sĩ hải quân can trường, mưu trí, đạo diễn đã tận dụng thế mạnh của chèo bằng những chi tiết tình yêu của Hải và Diệu, những đoạn hồi tưởng, tâm sự của người lính. Và bên cạnh những chi tiết chiến đấu, bom đạn, hy sinh thường thấy trong đề tài chiến tranh cách mạng, đạo diễn cũng giúp cân bằng tâm lý người xem bằng những chi tiết nhẹ nhàng, vui vẻ, hài hước trong đoạn các chiến sĩ giới thiệu về quê hương mình hay ở đoạn tàu cập bến... Giống như những vở diễn khác do NSND Tự Long đạo diễn, âm nhạc ở “Biển vẫn con đường mòn” đã được khai thác hiệu quả và sử dụng tinh tế, hòa quyện chất liệu dân ca đặc trưng các vùng miền Bắc-Nam. Không gian làng quê quan họ Bắc Ninh, bến nước Nam Bộ đã hiện lên sinh động qua âm nhạc của vở chèo. Các vai diễn được tạo nhiều đất diễn để thể hiện cá tính nhân vật. Tuy vậy, dù có sự góp mặt nhiều diễn viên sáng giá của nhà hát nhưng ở một số phân đoạn, dường như các diễn viên vẫn chưa thể hiện được hết ý đồ của đạo diễn.

(Theo QĐND cuối tuần)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang