Bước tiến trong nghiên cứu biển sâu

16:45 11-11-2021

VBĐVN.vn - Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển" (gọi tắt là KC.09/16-20) được triển khai từ năm 2016, nhằm mục tiêu hoàn thiện các luận cứ khoa học về điều kiện tự nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về biển, chính xác hóa ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam.

Chương trình cũng đặt mục tiêu nghiên cứu khai thác hợp lý các nguồn lợi, tài nguyên vùng biển và hải đảo; xây dựng các mô hình quy hoạch không gian đới bờ và vùng biển, đảo xa bờ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ môi trường; nghiên cứu các trường địa động lực nội sinh và ngoại sinh, các dạng tai biến thiên nhiên trong mối quan hệ với bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan ở vùng biển Việt Nam.

Sau 5 năm thực hiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, lần đầu tiên các đề tài thuộc chương trình KC.09 có thể tự chủ nghiên cứu biển sâu, khảo sát khoáng sản trên biển mà không cần sự hỗ trợ của nước ngoài. Đây là một trong những thành công nổi bật nhất của chương trình giai đoạn 2016-2020, tạo tiền đề cho các nghiên cứu về tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông trong thời gian tới.

Giàn Tam Đảo 05 và giàn Tam Đảo 03 ở mỏ Bạch Hổ.

Bên cạnh những kết quả mang tính chất dự báo và bảo vệ khu vực bờ biển, các đề tài trong chương trình đã hoàn thiện hơn 10 sản phẩm hữu ích được ứng dụng tại các địa phương ven biển và đảo ven bờ. Có thể kể đến hai mô hình nuôi trồng rong biển có giá trị kinh tế cao, thực hiện trên hai đảo huyện ven bờ (Lý Sơn và Phú Quý), sản xuất được 10.000 kg rong nho tươi và rong sụn tươi; các bộ mô hình dự báo khí tượng thủy văn và môi trường biển, được áp dụng thử nghiệm tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ; sản xuất thử nghiệm thành công hơn 300 kg chế phẩm sinh học từ hàu, cá và rong đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng yêu cầu, giai đoạn tới, ban quản lý đề tài cần tập trung vào việc kết nối với doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, phương án sản xuất kinh doanh, khi đó Chương trình sẽ thực sự đi vào thực tiễn đời sống chứ không chỉ dừng lại là những nghiên cứu, thử nghiệm.

Theo monre.gov.vn (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang