Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong nuôi thủy hải sản công nghệ cao
VBĐVN.vn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong nuôi thủy hải sản công nghệ cao” nhằm giúp các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, Viện Tài nguyên và Môi trường biển và đại diện các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan. Ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì hội thảo.
Thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến (kết nối đa nền tảng trên Zoom và Youtube), nhiều cơ chế chính sách, mô hình, giải pháp ứng dụng công nghệ cao đã được chia sẻ như: Các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng; Cơ chế chính sách và giải pháp để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam; Giải pháp lồng nuôi thủy hải sản bằng công nghệ HDPE (phù hợp với biến đổi khí hậu tại Việt Nam); Quy trình công nghệ đột phá trong nuôi tôm an toàn sinh học; Giải pháp đo đạc, giám sát chất lượng môi trường, hải văn và lồng bè trong suốt quá trình nuôi biển, Giám sát môi trường trong thu hoạch - vận chuyển cá. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác về ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Đến dự hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Mạnh Hào - Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện nghiên cứu cấp quốc gia thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng đã nhiệt tình chia sẻ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ RAS có tích hợp quản lý và điều khiển thông minh, xử lý bùn thải thứ cấp.
Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất giống thủy sản giúp nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra giống thủy sản sạch bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu (nhất là tại các vùng nuôi tập trung các đối tượng thủy sản chủ lực), góp phần quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng đồng bộ, phát triển bền vững. Hội thảo cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân tham khảo, tìm kiếm giải pháp, mô hình công nghệ phù hợp ứng dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tạo thêm sức cạnh tranh và uy tín của sản phẩm.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và nhất là dịch Covid-19, mặc dù hoạt động sản xuất và nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng ngành Thủy sản của thành phố Hải Phòng vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Trong đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng giúp duy trì năng lực nuôi trồng, chế biến, cung cấp thủy hải sản cho thành phố và thị trường trong nước. Các chương trình nghiên cứu khoa học ở các cấp và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản đã được thúc đẩy, phát huy sử dụng có hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất thủy sản nói riêng đã và đang trở thành xu thế tất yếu. Qua đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động nuôi trồng, chế biến thủy sản góp phần làm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quang Tuấn mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân tham dự hội thảo “Ứng dụng các giải pháp công nghệ trong nuôi thủy hải sản công nghệ cao” sẽ nhận được thông tin đầy đủ về các giải pháp khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời sau các cuộc trao đổi, thảo luận, tìm kiếm được các giải pháp, mô hình công nghệ phù hợp, ứng dụng vào thực tế sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thêm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo tongcucthuysan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận