Các chuyên gia ASEAN nói về ngoại giao phòng ngừa trên Biển Đông
VBĐVN.vn - Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được các chuyên gia trong ASEAN kỳ vọng như một 'công cụ' hiệu quả nhằm đảm bảo an ninh và hòa bình tại Biển Đông.
Ngăn chặn các hành vi vi phạm luật
Trong một bài viết gần đây trên trang mạng harakahdaily.net (Malaysia), các chuyên gia trong Nhóm chuyên gia về Biển Đông (South China Sea Expert Working Group) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong việc đảm bảo an ninh khu vực. Theo các chuyên gia, ASEAN cần thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vì lợi ích của tất cả các bên liên quan trong tranh chấp. COC sẽ giúp hạn chế các sự cố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh và ổn định khu vực. Việc hoàn thiện COC có tầm quan trọng đáng kể không chỉ trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển an toàn đối với các quốc gia, mà còn là để bảo vệ lợi ích của các quốc gia ven biển thành viên của ASEAN. Những hành động vi phạm luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông trong thời gian qua và sự hình thành Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh, Australia (AUKUS) có thể sẽ góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Các chuyên gia về Biển Đông của Malaysia nhận định, COC có thể làm rõ và cụ thể hóa các khía cạnh của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được áp dụng cho Biển Đông và thiết lập các quy tắc và quy trình quan trọng để quản lý căng thẳng trong thời gian chờ ngã ngũ những tranh chấp cuối cùng.
Giáo sư, Tiến sĩ địa chiến lược Azmi Hassan, thuộc Đại học Teknologi (UTM) Malaysia cho rằng COC có thể giúp ngăn chặn các hành vi bành trướng, vi phạm luật pháp quốc tế, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng: Việt Nam mong muốn cùng các nước liên quan nối lại đàm phán COC, tiến tới sớm đạt được COC chất lượng, tổng thể, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS. Bộ Ngoại giao Malaysia đã triệu đại sứ Trung Quốc tại nước này vào ngày 4/10 để truyền đạt quan điểm của Malaysia và phản đối sự hiện diện cũng như hoạt động của các tàu Trung Quốc trong EEZ nước này. Đây là lần thứ hai Malaysia triệu nhà ngoại giao Trung Quốc trong năm nay.
Những vụ xâm phạm trên chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Tháng 7-2020, Báo cáo Tổng Kiểm toán Malaysia cho biết trong giai đoạn 2016-2019, tàu tuần duyên và tàu hải quân của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Malaysia tổng cộng 89 lần.
Ông Hassan cho rằng, các quốc gia ASEAN cần phải hợp tác hiệu quả để đảm bảo COC có thể hoàn thành “càng sớm càng tốt”. Ngoài ra, Tiến sĩ Roy Anthony Rogers, Giảng viên cấp cao Khoa Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế, thuộc trường Đại học Malaysia, nhấn mạnh rằng Malaysia và các quốc gia ASEAN khác cần tiếp tục lên tiếng về các quan ngại đối với Bắc Kinh về những hành vi của nước này tại Biển Đông. Ông Rogers nói: “Trung Quốc muốn thể hiện tham vọng và sức mạnh. Do vậy, là một quốc gia đang phát triển, Malaysia cần tận dụng các kênh ngoại giao, cùng với luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961”.
Giới phân tích nhìn nhận AUKUS là một động thái nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song lo ngại AUKUS có thể sẽ góp phần “đổ thêm dầu vào lửa” những căng thẳng địa chính trị và khiến khu vực sa lầy trong đối đầu Mỹ-Trung Quốc. Bởi vậy, ông Rogers nhấn mạnh đối với vấn đề Biển Đông "chúng ta không thể dựa vào các giải pháp quân sự, mà phải căn cứ vào COC”.
4 vấn đề cốt lõi
Trong một bài viết vào tháng 7 vừa qua trên trang East Asia Forum, Aristyo Rizka Darmawan, Giảng viên Luật Quốc tế tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững, Đại học Indonesia khẳng định việc duy trì động lực đàm phán COC có ý nghĩa trong trọng trong việc đảm bảo hòa bình tại Biển Đông. Ông Aristyo Rizka Darmawan nhấn mạnh 4 vấn đề cốt lõi làm nên giá trị của COC.
Thứ nhất, COC cần phải xác định rõ phạm vị địa lý trên cơ sở tuyên bố chủ quyền của các nước, tuân theo UNCLOS. Phạm vi địa lý của COC có ý nghĩa rất quan trọng, bất kỳ tuyên bố nào dựa trên cơ sở lịch sử không được UNCLOS công nhận đều không được chấp nhận. Thứ hai, các bên cần phải xem xét tính ràng buộc pháp lý đối với các bên của COC. COC sẽ hiệu quả hơn nếu tất cả các bên coi đây là một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này sẽ tạo cơ sở để có được một cơ chế giải quyết tranh chấp rõ ràng cho các trường hợp vi phạm. Thứ ba, bất kể COC có ràng buộc về mặt pháp lý hay không, điều cốt yếu là phải xây dựng các cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của nó. Sự thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ mà các bên tuân thủ. COC có thể thành lập một cơ quan có thẩm quyền có nhiệm vụ thu thập các thông tin liên quan. Thứ tư, COC cũng nên đề ra một cơ chế giải quyết tranh chấp. Cần lường trước các tranh chấp và giải quyết chúng dựa trên việc diễn giải COC, hoặc việc thực hiện và áp dụng các nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tháng 8-2019 rằng ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất lần đọc thứ nhất dự thảo COC và dự kiến Bộ quy tắc này được hoàn thiện trong 3 năm tiếp theo. Dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới từ đầu năm 2020 đã làm trì hoãn tiến trình này. Mặc dù vậy, trong nhiều cuộc họp cấp cao của ASEAN, COC vẫn được nhắc đến là ưu tiên của Hiệp hội.
Thúc đẩy các cơ chế hiện có
Trong bối cảnh hiện tại, khi chưa thể ngay lập tức hoàn thiện COC, Tiến sĩ Alma Maria O. Salvador, thuộc Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Ateneo de Manila (Philippines), trong một bài viết gần đây trên tờ Business World, cho rằng ASEAN cần củng cố vai trò trung tâm cũng như các cơ chế hợp tác an ninh trong khu vực, ví dụ như khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) để kiểm soát và lường trước những hậu quả không mong muốn xảy ra ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Alma Maria O. Salvador cũng nhấn mạnh vai trò của ngoại giao phòng ngừa trên Biển Đông nhằm quản lý các vấn đề phát sinh ngoài ý muốn, tìm kiếm cứu nạn và thiết lập đường dây nóng. Bộ Quy tắc ứng xử về các vụ chạm trán bất ngờ trên biển (CUES) đã được 21 quốc gia, trong đó có nhiều nước ASEAN, Trung Quốc và Mỹ thông qua tại hội nghị chuyên đề hải quân Tây Thái Bình Dương hồi tháng 4-2014 nhằm thúc đẩy an toàn trong các vụ đối đầu trên biển.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 tháng 8-2019 rằng ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất lần đọc thứ nhất dự thảo COC và dự kiến Bộ quy tắc này được hoàn thiện trong 3 năm tiếp theo. Dịch Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới từ đầu năm 2020 đã làm trì hoãn tiến trình này. Mặc dù vậy, trong nhiều cuộc họp cấp cao của ASEAN, COC vẫn được nhắc đến là ưu tiên của Hiệp hội.
ASEAN đã khuyến khích các cường quốc ngoài khu vực ủng hộ những biện pháp xây dựng lòng tin thông qua tuân thủ các cơ chế đa phương, trong đó có CUES. Theo Tiến sĩ Alma Maria O. Salvador, ASEAN cũng cần thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS và ủng hộ công khai giá trị pháp lý của phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra ngày 12-7-2016.
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-9-2020, Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết Philippines bác bỏ mọi âm mưu phá hoại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tuyên bố nước này thắng kiện trước Trung Quốc ở Biển Đông. Lãnh đạo Philippines đã nhấn mạnh: "Phán quyết là một phần của luật pháp quốc tế, nằm ngoài sự thỏa hiệp và nằm ngoài tầm với của các chính phủ nhằm làm giảm bớt, thu hẹp hoặc từ bỏ nó. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ các nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết".
Theo baoquocte.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận