Cần tiếp tục xây dựng lòng tin chiến lược về Biển Đông

18:15 27-06-2021

VBĐVN.vn - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) được cộng đồng quốc tế nêu cao vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề trên biển. Riêng với Biển Đông, mới đây, nhiều quốc gia tiếp tục giữ vững lập trường thượng tôn luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, đồng thời, nhấn mạnh việc giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng phải được thực hiện bằng các biện pháp hòa bình.

Nhà giàn DK1 trên vùng thềm lục địa của Việt Nam tại Biển Đông. Ảnh: TTXVN

Đề cao vai trò trung tâm của UNCLOS

Tại cuộc tham vấn chính trị và an ninh Đức - Australia lần thứ 2 được tổ chức gần đây, hai nước đã nhấn mạnh các cam kết tăng cường hợp tác song phương nói riêng và tăng cường hợp tác với các đối tác khác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nói chung. Những cam kết này đều hướng tới việc thúc đẩy một khu vực mở, hội nhập và có khả năng phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, trong cuộc tham vấn này là vấn đề Biển Đông. Lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao hai nước này nêu bật vai trò trung tâm của UNCLOS trong giải quyết các vấn đề liên quan. Song hành với đó, Đức và Australia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, đồng thời tái khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở thành phố The Hague, Hà Lan liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông hồi năm 2016 là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc đối với tất cả các bên. Các nhà lãnh đạo của Australia cũng hoan nghênh các biện pháp vào cuộc của Đức với kỳ vọng củng cố tốt hơn sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế tại khu vực.

Trong Tuyên bố Đối tác chiến lược tăng cường nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước được ký kết giữa Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và người đồng cấp Australia Marise Payne, đáng chú ý, hai nước khẳng định trọng tâm quan hệ chính trị và an ninh là hợp tác trong trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vai trò của UNCLOS trong vấn đề Biển Đông...

Theo các nhà quan sát khu vực, Đức thông qua chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 9 năm ngoái đã cho thấy mong muốn tăng cường sự tập trung chiến lược vào khu vực này. Mong muốn của nước Đức cũng bao gồm việc đa dạng hóa các mối quan hệ và mở rộng quan hệ đối tác chiến lược trong khu vực. Để hiện thực hóa những mong muốn này, Đức cần thiết phải tăng cường đối thoại chính trị, lấy đây làm nền tảng quan trọng. Trên hết, việc cộng đồng quốc tế tăng cường đối thoại chính trị sẽ giúp củng cố mạnh mẽ hơn nữa nguyên tắc tiên quyết để đảm bảo sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng trên Biển Đông nói riêng và toàn khu vực nói chung.

Động lực từ lòng tin và đối thoại

Trong cuộc đối thoại Nhật Bản – Australia cũng diễn ra trong tháng này, hai nước cùng đưa ra tuyên bố phản đối mọi hành vi làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Hai nước cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến tiêu cực trên các vùng biển tại khu vực, đồng thời nhấn mạnh lập trường cương quyết phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng các chủ thể tranh chấp trên biển.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt ASEAN - Trung Quốc ở Trùng Khánh, Trung Quốc mới đây, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng, các động lực của địa chính trị toàn cầu hiện đang phát triển, đòi hỏi mọi quốc gia phải thúc đẩy đối thoại trong việc giải quyết các khác biệt và tranh chấp. Điều quan trọng là phải xây dựng lòng tin chiến lược chứ không phải hành vi làm suy giảm lòng tin.

Tất cả những quan điểm nêu trên cũng là ý chí chung của cộng đồng và cũng là một nội dung quan trong tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 do Brunei chủ trì vừa qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi khẳng định, nước này mong muốn giải quyết mọi vấn đề trên biển, bao gồm cả Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan. Nhật Bản cũng nhấn mạnh việc, mọi hành động của các quốc gia đều phải tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình thay vì quân sự hóa, vũ trang hóa;...

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto nhấn mạnh, ASEAN là một phần của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi có hơn một nửa dân số thế giới sinh sống và là nơi sản xuất ra 70% sản lượng kinh tế thế giới, cũng là nơi diễn ra 2/3 hoạt động kinh tế thế giới. Trong khi đó, Biển Đông cũng là một bộ phận chính của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Do đó, các vấn đề quan trọng ở Biển Đông phải được đối mặt rất thực tế. Đối thoại và tham vấn cùng với lòng tin chiến lược sẽ giải quyết mọi vấn đề trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. ADMM+ lần thứ 8 cũng khẳng định quyết tâm vượt qua mọi khác biệt để cùng hướng tới mục tiêu quan trọng là bảo đảm chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực ổn định và thịnh vượng. Đồng thời, các quốc gia đều hoan nghênh các sáng kiến xây dựng lòng tin tại khu vực Biển Đông.

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế và khu vực, kể từ đầu năm đến nay, cộng đồng quốc tế đã đẩy mạnh các nỗ lực củng cố sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực, bao gồm Biển Đông. Nhiều sự kiện chính trị và an ninh đã diễn ra đều có sự xuất hiện của vấn đề Biển Đông đang tiếp tục cho thấy, cộng đồng quốc tế ngày càng coi trọng vấn đề này với quyết tâm cao.

Một trong những nét đáng chú ý nhất trong lập trường của cộng đồng quốc tế hiện nay là cam kết hợp tác hòa bình và mang tính xây dựng để Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng thông qua việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS theo đúng lịch trình. Trong thời gian tới, các quốc gia đều cam kết thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và sự thuận lợi trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây sẽ là những nền tảng quan trọng, khơi nguồn động lực để mang tới những giá trị cốt lõi, thực chất, hiệu lực, từng bước củng cố vững chắc hơn sự ổn định, hòa bình, thịnh vượng chung cho khu vực nói riêng và toàn cầu nói chung.

Thu Thảo (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang