“Chìa khóa vàng” mở cánh cửa thịnh vượng Biển Đông

10:20 29-11-2021

VBĐVN.vn - Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) tổ chức mới đây, giới học giả quốc tế tiếp tục nhấn mạnh, cần có những hướng giải quyết, cách tiếp cận mới để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định hướng tới sự thịnh vượng tại khu vực Biển Đông.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13. Ảnh: TTXVN

“Chìa khóa vàng”

Luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương phải được thượng tôn trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông luôn là quan điểm được giới học giả, chuyên gia cũng như các nhà lãnh đạo thế giới đề cao. Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao tổ chức mới đây với sự tham dự của hơn 600 đại biểu, khách mời, bao gồm gần 60 chuyên gia từ 30 quốc gia và 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhìn nhận, tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng, đòi hỏi các bên phải hết sức tỉnh táo, thu hẹp khoảng cách nhận thức, gia tăng minh bạch, củng cố lòng tin chiến lược, hợp tác và tăng cường trao đổi, đối thoại, kiểm soát bất đồng...

Các biện pháp xây dựng trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS là rất cần thiết nhằm khuyến khích các bên nghiêm túc thực hiện cam kết trong khuôn khổ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), không làm phức tạp thêm tình hình, không đơn phương hành động nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông. Đồng thời tôn trọng UNCLOS, tôn trọng quyền lợi hợp pháp trên cơ sở luật quốc tế, nhất là UNCLOS. Đây là tiền đề để xây dựng trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.

Trong 2 ngày hội thảo, 8 phiên thảo luận quan trọng, chú trọng tới 3 chủ đề chính gồm: “Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi”; “Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua”; “Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông”. Hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất các hướng giải quyết, cách tiếp cận mới nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định tại khu vực. Trong đó, các đại biểu đều chung khẳng định, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý trọng yếu trong việc giải quyết các vấn đề đang nổi lên trên Biển Đông.

Đáng chú ý, các đại biểu cùng chung khẳng định rằng, cách tiếp cận đa phương là hết sức cần thiết, đặc biệt là đảm bảo được quyền lợi của tất cả các quốc gia nhằm hướng tới mô hình quản lý Biển Đông hòa bình, xanh và bền vững; và kêu gọi các bên liên quan thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đạt được sự hiệu quả, hiệu lực và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi. Mặt khác, các bên liên quan cần chú trọng việc tìm kiếm các biện pháp thúc đẩy hợp tác biển trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào quản lý, nhất là kinh tế biển xanh nhằm phục hồi kinh tế và chuỗi cung ứng trên biển.

Các đại biểu dự hội thảo cũng chung nhận định rằng, xây dựng lòng tin, mở rộng hợp tác, thu hẹp bất đồng tiếp tục là “chìa khóa vàng” để biến Biển Đông trở thành khu vực hợp tác thay vì cạnh tranh và đối đầu.

Định hình rõ thách thức, thời cơ

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, với Việt Nam, chủ trương về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán, luôn kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và cùng các bên giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Việt Nam luôn hoan nghênh nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Với quốc tế, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, luật pháp quốc tế bao gồm sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, không sử dụng vũ lực, không đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Vai trò của hợp tác quốc tế, các cơ chế đa phương, nhất là vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là yếu tố cốt lõi, căn cơ.

Lực lượng Hải quân Việt Nam tuần tra tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa, ASEAN đã nỗ lực rất lớn trong việc thể hiện vai trò giải quyết các vấn đề trên Biển Đông. Kiên trì, bền bỉ trong nhiều năm, ASEAN luôn giữ vững nỗ lực xây dựng mọi quy trình, đưa ra những quy chuẩn, quy định để đảm bảo hòa bình và an ninh trên Biển Đông. ASEAN có năng lực sẵn có, thể hiện rất sâu sắc thông qua các cuộc đối thoại giữa ASEAN và các nước đối tác, các Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Đông Á, Diễn đàn hàng hải ASEAN,... ASEAN sẽ cần tăng cường hơn nữa việc tận dụng tối đa hiệu quả của các thể chế, cơ chế sẵn có để thúc đẩy đối thoại trước những diễn biến phức tạp hiện nay.

Giáo sư Stephen Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản) cho rằng, trong thời gian tới, Biển Đông nói riêng và các vùng biển khác tại khu vực sẽ có “khoảng lặng”, một phần nhờ thực trạng cạnh tranh chiến lược đang diễn ra giữa các nước lớn. Đây sẽ là thời điểm để khu vực Đông Nam Á đưa ra những đề nghị có lợi, thông qua hợp tác song phương.

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ đánh giá, bối cảnh hiện nay rất đặc biệt khi chính trị thế giới có những diễn biến mới, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Những yếu tố này tác động và chi phối đáng kể tới khu vực. Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 vừa qua đã đi trúng vào nhiều vấn đề thực tế hiện hữu, chỉ ra gốc rễ của tranh chấp ở Biển Đông hiện nay là tranh chấp địa chính trị, địa kinh tế, địa quân sự trong tính toán của các cường quốc. Đây là nền tảng quan trọng để những cuộc thảo luận quốc tế tới đây tiếp tục có những bước tiến sâu sắc hơn trong vấn đề Biển Đông.

Cùng với đó, các học giả quốc tế cùng chung khẳng định, Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề Biển Đông. Nổi bật trong đó, Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) bày tỏ, Việt Nam đã tạo ra một diễn đàn mở cho các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong vấn đề Biển Đông cùng thảo luận và đưa ra các đóng góp để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang