Sẽ có nhiều phiên thảo luận “nóng” tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13

20:37 18-11-2021

VBĐVN.vn - Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 khai mạc ngày 18-11 theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với 8 phiên thảo luận và sự tham dự của hơn 500 học giả trong và ngoài nước, hội thảo quốc tế lần thứ 13 về Biển Đông được kỳ vọng thảo luận những cách tiếp cận mới trong vấn đề Biển Đông, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Trước thềm hội thảo, phóng viên (PV) VOV phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao về những điểm chính của hội thảo năm nay.

PV: Thưa TS, hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 khai mạc ngày 18-11 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của đông đảo các học giả trong và ngoài nước. Đặt trong bối cảnh mới cạnh tranh địa chính trị gia tăng, xin bà cho biết ý nghĩa của hội thảo lần này?

TS Phạm Lan Dung: Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông là một trong những hội thảo lớn của Học viện tổ chức thường niên và đến nay đã bước sang năm thứ 13. Sau 12 năm tổ chức, Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông đã được biết tới là một sự kiện học thuật uy tín được các nhà làm chính sách, giới học giả cũng như dư luận mong đợi. Hội thảo thảo luận các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng cả từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, cùng các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao.

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn uy tín quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới, được ví như một nơi kết nối chia sẻ về vấn đề quan tâm chung là nơi tìm kiếm những ý tưởng, những sáng kiến nhằm duy trì hoà bình hợp tác trên Biển Đông.

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 sẽ quy tụ hơn 50 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu ở trong và ngoài nước; hàng trăm đại biểu là học giả hàng đầu thế giới, quan chức, ngoại giao đoàn và doanh nghiệp từ nhiều nước trên thế giới.

Trong 12 năm qua, Hội thảo liên tục có những bước phát triển về hình thức, quy mô trong khâu tổ chức. Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông đã tích hợp công nghệ trong khâu tổ chức và tiếp tục được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trong năm nay. Điều này không những đảm bảo được sự tham gia của các chuyên gia trên toàn thế giới, mà còn đảm bảo sự phủ sóng của sự kiện ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Về nội dung, Hội thảo Biển Đông tiếp tục là diễn đàn thảo luận về các chủ đề nóng hổi, thời sự được dư luận và cộng đồng quốc tế quan tâm. Do đó, ngày càng nhiều có các quan chức cấp cao từ nhiều quốc gia tham dự và có bài trình bày dẫn đề tại sự kiện. Đây là một minh chứng khẳng định vai trò và uy tín của chuỗi Hội thảo.

PV: Chủ đề của hội thảo quốc tế về Biển Đông năm nay là “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn” với nhiều nội hàm quan trọng. Đặt trong một bối cảnh quốc tế mới, liệu cách tiếp cận vấn đề Biển Đông, theo TS, hội thảo sẽ tập trung vào những khía cạnh nào?

TS Phạm Lan Dung: Năm 2021 là năm kỉ niệm nhiều sự kiện lịch sử như 5 năm sau các mốc phát triển pháp lý quan trọng, 30 năm sau Chiến tranh Lạnh, 70 năm kí kết Hiệp ước San Francisco. Do đó, với tinh thần "ôn cố tri tân", một mặt, Ban Tổ chức muốn nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan về ý nghĩa và tác động của các sự kiện lịch sử cụ thể cũng như đúc rút các bài học kinh nghiệm từ lịch sử để hướng tới mục tiêu duy trì và củng cố hoà bình, an ninh quốc tế và khu vực, trong đó có Biển Đông.

Mặt khác, Hội thảo cũng là dịp đánh giá những xu thế mới có thể tác động tới khu vực như xu thế tập hợp lực lượng, vai trò của khoa học và công nghệ giám sát và viễn thám. Vì thế, những kì vọng đó của Ban Tổ chức khi tổ chức Hội thảo thường niên năm nay được thể hiện trong chủ đề chính của sự kiện là "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn".

PV: Hội thảo quốc tế về Biển Đông dự kiến sẽ đặt ra những vấn đề rất thời sự: “Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi”; “Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua”…với sự tham gia của rất nhiều học giả quốc tế có tên tuổi. Thưa TS, đâu là những cơ hội để tất cả các quốc gia hợp tác duy trì hòa bình và phát triển thịnh vượng ở Biển Đông?

TS Phạm Lan Dung: Một trong những kỳ vọng khi tổ chức chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông là chúng ta có lắng nghe các ý kiến đa chiều về vấn đề Biển Đông, từ đó nâng cao nhận thức và thúc đẩy hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật trên biển. Hai ngày Hội thảo cùng với 8 phiên thảo luận chính, các phiên đặc biệt và một số phiên bình luận bên lề là cơ hội để chúng ta lắng nghe và tìm kiếm các giải pháp hợp tác, duy trì hoà bình, phát triển, thịnh vượng ở khu vực. Bên cạnh đó, Hội thảo Biển Đông cũng đã tạo thêm "sân chơi" dành cho thế hệ trẻ với phiên Lãnh đạo trẻ. Đây là cơ hội để những hạt giống tương lai chia sẻ và trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực.

PV: Xin cảm ơn TS!

Với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra từ ngày 18 và 19-11 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo có 8 phiên thảo luận bao gồm: “Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi”; “Ba mươi năm sau Chiến tranh Lạnh: Liệu một cuộc chiến Tranh Lạnh mới đang nhen nhóm và cách thức ngăn chặn bùng phát thành xung đột”; “Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông; “Hãy công bằng với sự thật, lịch sử và Biển Đông”; “ASEAN và QUAD trong cấu trúc khu vực”; “Đứt gãy chuỗi cung ứng: Cách thức đảm bảo khả năng phục hồi các tuyến đường biển trong bối cảnh đại dịch COVID19”...

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 sẽ có sự tham gia của hơn 500 đại biểu, trong đó có các nhà ngoại giao Đại sứ Giogio Aliberti (Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội); bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh phụ trách châu Á, Bộ Ngoại giao, Vương quốc Anh, Đại sứ Elsbeth Akkerman (Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam); các học giả quốc tế như TS Carl Thayer, Giáo sư Danh dự Đại học New South Wales.

Theo vov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang