Chính sách của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông hiện nay và tác động đến ASEAN, Việt Nam

09:31 19-12-2019

Nhật Bản là quốc gia hải đảo; mong muốn trở thành cường quốc biển là đích vươn tới trong thế kỷ XXI. Môi trường địa - chính trị của Nhật Bản được thể hiện bằng các vành đai đồng tâm hướng vào các đảo chính. Vành đai thứ nhất, gồm biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, một phần tiếp với Hoàng Hải và Bắc Thái Bình Dương – đây là khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến Nhật Bản; vành đai thứ hai tập trung vào Biển Đông - nơi vận chuyển tới 80% lượng hàng hóa Nhật Bản ra thế giới và 90% lượng dầu mỏ của thế giới về Nhật Bản. Hiện nay, những thay đổi tương quan lực lượng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm thay đổi chính sách của Nhật Bản đối với các vấn đề Biển Đông.

Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản huấn luyện trên biển.

1. Chính sách của Nhật Bản đối với Biển Đông hiện nay

Lợi ích của Nhật Bản: Ở Biển Đông, Nhật Bản không chỉ có lợi ích về chính trị - an ninh và thương mại mà nước này còn có những lợi ích rất lớn về việc đảm bảo các cơ chế an ninh biển và luật pháp quốc tế được thực thi, bảo vệ. Mối quan tâm này cũng như vấn đề tự do hàng hải đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề cập trong bài phát biểu về chính sách châu Á của mình vào ngày 18/2/2013 rằng: “Những lợi ích của Nhật Bản là thường xuyên duy trì các vùng biển ở châu Á hoàn toàn được tự do qua lại, hòa bình, đảm bảo cho các tuyến đường đó là lợi ích chung cho toàn thể nhân dân trên thế giới, một khu vực hoàn toàn tuân theo luật pháp… Trong bối cảnh về mặt địa lý, hai mục tiêu này đều là những nhu cầu thiết yếu và mang tính bản chất đối với Nhật Bản, một quốc gia bao quanh và phụ thuộc vào các khu vực biển này, một quốc gia xem sự an toàn trên biển là sự an toàn của chính mình”. Ngoài ra, can dự vào vấn đề Biển Đông cũng là một cách để Nhật Bản phân tán sự chú ý và nguồn lực trong tranh chấp Hoa Đông với Nhật Bản.

Mục tiêu của Nhật Bản: Đầu tiên và quan trọng nhất đó là tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp bởi Biển Đông là tuyến đường thương mại, vận chuyển nguồn nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế Nhật; Thứ hai, phân tán sự chú ý và nguồn lực trong tranh chấp Hoa Đông với Nhật Bản bởi nếu thành công ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình, chiến thuật đối với tranh chấp Hoa Đông; Thứ ba là hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Vì Nhật Bản là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông, Nhật Bản sẽ có những đóng góp quan trọng cho chính sách tái cân bằng nói chung và chính sách đối với Biển Đông nói riêng của Mỹ.

Về biện pháp thực hiện: Từ năm 2010 chính sách quốc phòng của Nhật Bản có một thay đổi lớn đó là: nhấn mạnh nhu cầu thay đổi chính sách tiếp cận từ bị động sang chủ động, linh hoạt và mang tính tấn công. Vì vậy chính sách của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông hiện nay được thể hiện qua việc chủ động, tích cực tăng cường các mối quan hệ song phương và đa phương trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, ngoại giao, kinh tế với ASEAN, các quốc gia tranh chấp Biển Đông (đặc biệt là Philippines, Việt Nam) và Mỹ.

Thực tiễn triển khai chính sách của Nhật Bản ở Biển Đông:

Về quan hệ đa phương, phương thức hữu hiệu của Nhật Bản là tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại đa phương của ASEAN. Đối với phương thức này, Nhật Bản luôn tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế an ninh do ASEAN làm chủ đạo, như ARF, ADMM, EAS. Mục tiêu là giám sát và kiềm chế các hành vi đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, gây áp lực lên Trung Quốc nhằm phân tán sự chú ý cũng như triển khai hoạt động của Trung Quốc tại Hoa Đông. Để thực hiện mục tiêu này, Nhật Bản chủ động lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của ASEAN, các quốc gia tranh chấp trong khu vực về vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chủ động đưa ra các sáng kiến thành lập các cơ chế thảo luận ở mức độ rộng lớn về vấn đề hàng hải, chẳng hạn như sáng kiến của Nhật Bản về việc thành lập “Diễn đàn an ninh biển Đông Á” tại EAS vào năm 2011 hay sáng kiến và nguyên tắc kiểm soát xung đột trên biển như khái niệm “Kỹ năng đi biển” (good seamanship) mà Nhật Bản đưa ra vào năm 2012 tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 11. Mặc dù các sáng kiến hay đề xuất không thành công nhưng điều đó cho thấy sự chủ động, tích cực của Nhật Bản trong vấn đề an ninh hàng hải đang theo đuổi.

Về hợp tác trên lĩnh vực an ninh biển, Nhật Bản tập trung nhiều hơn vào các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trong lĩnh vực an ninh biển tại các cơ chế hợp tác ASEAN, đặc biệt là các vấn đề có mối quan hệ với tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tận dụng và chủ động nêu vấn đề tại các cơ chế, diễn đàn khác mà Nhật Bản có vai trò ảnh hưởng (Hợp tác sông Mê-Kông mở rộng) hoặc tham gia G7. Điển hình gần đây nhất là việc Nhật Bản cam kết hỗ trợ hơn 6 tỷ USD cho khu vực các quốc gia sông Mê-Kông và hai bên cũng ra được tuyên bố về vấn đề Biển Đông.
Nhật Bản thúc đẩy mối quan hệ song phương, đẩy mạnh sự hỗ trợ và ủng hộ của mình đối với các thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, hỗ trợ nâng cao năng lực chấp pháp trên biển bao gồm cả phần cứng (như tàu tuần tra) và phần mềm (huấn luyện) thông qua nguồn hỗ trợ ODA và chương trình mới về hỗ trợ quốc phòng trong khuôn khổ mục tiêu Định hướng chương trình Quốc phòng quốc gia (NDPG) mà Nhật Bản đưa vào thực hiện từ năm 2010. Đối với Mỹ, mong muốn của Mỹ là Nhật Bản sẽ đóng vai trò hỗ trợ Mỹ củng cố và tăng cường sự hiện diện tại khu vực, hỗ trợ cho chiến lược tái cân bằng của Mỹ thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển ở Biển Đông đối phó với Trung Quốc.

Đối với tranh chấp Biển Đông, quan điểm của Nhật Bản từng bước được điều chỉnh. Ban đầu, Nhật Bản không biểu thị thái độ rõ ràng. Khi thách thức từ Trung Quốc tăng lên, cơ chế phòng vệ Nhật – Mỹ được củng cố và mở rộng ra khu vực Biển Đông. Điểm cốt lõi đối với Nhật Bản là việc Trung Quốc nỗ lực áp đặt một số quyền cấm đoán đối với lực lượng nước ngoài tiến vào khu vực Biển Đông, cùng với việc xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh và tìm cách kiểm soát Biển Đông là điều Nhật Bản khó chấp nhận. Kể cả trường hợp Trung Quốc cam kết về đảm bảo an ninh hàng hải thì các quyền kiểm soát hoàn toàn hoặc chủ quyền lãnh hải bên trong “đường chín đoạn” thực sự mâu thuẫn với lợi ích hàng hải của tất cả các bên liên quan. Mặt khác, nếu Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông thành công theo cách của họ thì Nhật Bản sẽ đối diện với vấn đề Senkaku một cách bất lợi. Vì vậy, Nhật Bản tích cực chuyển sang tăng cường can dự. Ngày 24/7/2010, trong buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada, hai bên đã đạt được nhận thức chung về tiến hành đối thoại chiến lược Nhật - Việt; Nhật Bản khẳng định “Nhật không thể không quan tâm tới vấn đề Biển Đông”. Vì vậy, Nhật Bản đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại an ninh hàng hải với ASEAN, tập trung hỗ trợ việc xây dựng lực lượng Hải quân của Philippines với hy vọng góp phần giảm thiểu sự đe dọa từ vành đai thứ hai đang tìm cách xâm nhập vào vành đai thứ nhất đe dọa Nhật Bản. Năm 2012, Nhật Bản và Philippines ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng và trao đổi quân nhân. Nhật Bản bắt đầu hỗ trợ Philippines hiện đại hóa lực lượng tuần tra ven biển bằng dự án Nhật Bản đóng 12 tàu tuần tra với nhiều trang thiết bị hiện đại. Chính sách tiếp cận vấn đề Biển Đông còn được đẩy mạnh dưới thời thủ tướng Shinzo Abe thông qua hàng loạt sự đổi mới về các quy định hạn chế về quốc phòng, chính sách đối ngoại tập trung hơn vào ASEAN, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia tranh chấp, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Những giới hạn đối với chính sách Biển Đông của Nhật Bản hiện nay: Mặc dù tích cực, chủ động và được các quốc gia khu vực cũng như đồng minh Mỹ ủng hộ, nhưng chính sách Biển Đông của Nhật Bản còn có những cản trở ảnh hưởng nhất định đến tiến trình thực hiện: 1) So với Mỹ và Trung Quốc, vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao của Nhật Bản còn hạn chế, do vậy Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực về các vấn đề an ninh cũng như vấn đề Biển Đông; 2) Do những hạn chế về hiến pháp, nội bộ, việc tăng cường hợp tác quân sự (bên ngoài lãnh thổ) sẽ gặp những khó khăn nhất định. Điều đó cũng phần nào giải thích vì sao nhiều quốc gia khu vực vẫn nhìn nhận Nhật Bản là quốc gia, đối tác kinh tế hơn là quân sự, chính trị; 3) Điểm dễ nhận thấy về chính trị nội bộ của Nhật luôn có sự thay đổi. Nhìn lại khoảng 20 năm gần đây, hầu như các thủ tướng chỉ nắm quyền 2 năm. Ngoại trừ Koizumi và Shinzo Abe (Koizumi cầm quyền từ 2001 – 2006, Shinzo Abe cầm quyền từ 2012 đến nay). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự nhất quán về chính sách chung của Nhật Bản. 4) Ngoài ra, Nhật Bản không phải là bên tranh chấp, cùng với đó là quá khứ quân phiệt, đây sẽ là những nhân tố mà Trung Quốc và cả Hàn Quốc khai thác để gây áp lực và cản trở sự điều chỉnh chính sách về chính trị, quân sự của Nhật Bản, gián tiếp ảnh hưởng lên chính sách của Nhật Bản ở Biển Đông.

Chiều hướng chính sách can dự vào vấn đề Biển Đông của Nhật Bản thời gian tới: về cơ bản phụ thuộc vào tiến triển việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và tương lai ra đời Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông; hành vi và chiến thuật thực hiện của Trung Quốc ở Biển Đông; chiều hướng của chính sách “tái cân bằng” của Mỹ; nhận thức về Trung Quốc trong chính trị nội bộ Nhật Bản và xu hướng điều chỉnh về chính sách an ninh, quốc phòng của Nhật Bản. Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển trong tranh chấp Biển Đông đang có xu hướng ngày càng phức tạp, đặc biệt là các hành vi và chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông đang ngày càng thể hiện rõ: quyết đoán và công khai phá vỡ nguyên trạng, thách thức trực tiếp sự hiện diện của Mỹ ở khu vực. Các quốc gia tranh chấp ngày càng lo ngại, đặc biệt là Philippines và Việt Nam.

2. Tác động từ chính sách của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông đối với ASEAN và Việt Nam

Sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông rõ ràng được các quốc gia có tranh chấp trong ASEAN hoan nghênh. Tuy nhiên, sự can dự này cũng có hai mặt: vừa đem đến cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức.

Thứ nhất: Đối với ASEAN, trong bối cảnh Nhật Bản tích cực can dự vào khu vực và vấn đề Biển Đông nhằm tăng cường và cạnh tranh ảnh hưởng, điều đó sẽ buộc Trung Quốc phản ứng theo nhiều hướng khác nhau, trong đó có cả việc tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để giữ và phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực. Theo đó, cả Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đều tích cực tham gia vào các cơ chế của ASEAN, các sáng kiến đa phương, hỗ trợ về kỹ thuật và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia ASEAN; nâng cao năng lực trên biển cho các quốc gia từ sự hỗ trợ và hợp tác của cả hai quốc gia này.

Cách tiếp cận của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn đa phương của ASEAN là nêu vấn đề tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đưa ra các sáng kiến về an toàn, an ninh biển. Đặc biệt, thái độ của Nhật Bản khi ủng hộ PCA ra phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế (12/7/2016) là cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, các bên trong vụ kiện cần phải tuân thủ; Ngoại trưởng Nhật Bản - Fumio Kishida khẳng định: Nhật Bản luôn coi trọng luật pháp, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển. Điều này hoàn toàn phù hợp và tương đồng với quan điểm của ASEAN cũng như các quốc gia tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Sự tương đồng này, cùng với thái độ chủ động và tích cực của Nhật Bản, vấn đề Biển Đông sẽ được duy trì và thảo luận liên tục trong chương trình nghị sự của ASEAN, lôi kéo được sự chú ý và quan tâm từ các đối tác bên ngoài của ASEAN như Ấn Độ, Nga, Úc, … Việc biến vấn đề Biển Đông thành mối quan tâm chung của cộng đồng thế giới sẽ gây được áp lực đối với Trung Quốc, kiềm chế và giảm bớt hành vi quyết đoán của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, cách tiếp cận của Nhật Bản về vấn đề Biển Đông cũng tạo ra một số thách thức đối với ASEAN. Vì quan điểm cách tiếp cận vấn đề Biển Đông và quan điểm mối quan hệ với Trung Quốc của các quốc gia ASEAN là khác nhau. Chính sự khác biệt này sẽ tạo ra sự chia rẽ trong nội khối ASEAN, cản trở sự đoàn kết nội khối.

Thứ hai: Đối với Việt Nam, Nhật Bản là quốc gia có tiềm lực mạnh về kinh tế, năng lực biển của Nhật Bản cũng rất phát triển. Do đó, với khoảng cách chênh lệnh về sức mạnh trên biển giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và với các quốc gia ASEAN nói chung như hiện nay, Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ và xây dựng năng lực trên biển cho Việt Nam thông qua hỗ trợ cả về phần cứng (tàu tuần tra, trang thiết bị bán quân sự…) và phần mềm (huấn luyện và đào tạo…). Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản từ ngày 15-18/9/2015, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung chia sẻ quan ngại sâu sắc, đồng thời lên án việc bồi đắp đảo và xây dựng công sự quy mô lớn ở Biển Đông. Với mong muốn cùng nhau thúc đẩy an ninh biển, hai bên đã ký công hàm trao đổi về việc chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại dự án trị giá 200 tỷ yên để đảm bảo an toàn hàng hải trong tài khóa 2015.

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng còn là đòn bẩy để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, góp phần tạo dựng lòng tin giữa hai quốc gia, đưa mối quan hệ hai nước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Trong số 6 văn bản hợp tác đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, đã có hai văn bản giữa Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác trong lĩnh vực giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc và Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản về thiết lập quan hệ phối hợp nhằm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung.

Bên cạnh những nhân tố thuận lợi, chính sách chủ động và tích cực của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông cũng sẽ tạo ra những thách thức đối với Việt Nam. 1) Tạo nên sức ép trong quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc - Việt Nam. Việc Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh sẽ tạo ra một số khó khăn cho Việt Nam trong việc xử lý quan hệ với Trung Quốc cũng như với các quốc gia ASEAN khác, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp biển Hoa Đông. Những vấn đề như vậy sẽ khiến cho việc bày tỏ thái độ và lập trường của Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi sẽ phải tính đến thái độ của cả Trung Quốc và Nhật Bản, ASEAN, ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam; 2) Tạo ra sự chia rẽ nội khối, gia tăng sự khác biệt và quan điểm trong mối quan hệ với Trung Quốc của các quốc gia ASEAN, từ đó gây ra khó khăn cho Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông theo hướng có lợi cho Việt Nam. Chính sách can dự của Nhật Bản, cùng với chiến lược "tái cân bằng” của Mỹ đã tạo ra sự xung đột, cạnh tranh quyết liệt với chính sách Biển Đông của Trung Quốc; khoét sâu thêm sự chia rẽ trong ASEAN về vấn đề Biển Đông giữa một bên là các quốc gia có lợi ích trực tiếp như Philippines và Việt Nam với một bên là các quốc gia không có tranh chấp như Myanmar, Lào và Campuchia.

Nhìn chung, quan điểm của các nước lớn về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông hiện nay xuất phát từ lợi ích quốc gia của họ. Quan điểm chung của các nước Mỹ, Nhật, Nga đều trung lập trong tranh chấp lãnh thổ, ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, không thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp thêm tình hình tranh chấp. Các nước lớn như Mỹ, Nhật ngày càng lo ngại hành vi mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Biển Đông. Do đó, các nước này có xu hướng can dự nhiều hơn, song vẫn chưa có hành động cụ thể ngăn cản được các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

PGS, TS. Nguyễn Thị Quế - Viện Quan hệ quốc tế/ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS. Nguyễn Thị Thúy - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới/Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam

(Canhsatbien.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang