Chính sách tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc

09:30 19-12-2019

Trung Quốc đang dồn nhiều các nguồn lực để tuyên truyền về Biển Đông thể hiện qua: (i) duy trì một bộ máy chỉ đạo nhất quán, thông suốt; (ii) sử dụng linh hoạt các nguồn khác nhau, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền; (iii) đa dạng hóa các kênh (báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình) và các công cụ như hội nghị, hội thảo, hội chợ, sự kiện thể thao, phim ảnh... (v) tiến tới kiểm soát các nền tảng truyền thông hiện đại.

Việc hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em “Abominable” do Hãng phim Dreamwork (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) phối hợp sản xuất, công chiếu tháng 10/2019 cho thấy Trung Quốc không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để phổ biến các yêu sách phi lý trên Biển Đông. Từ thực tiễn có thể thấy tuy không có văn bản hay phát ngôn chính thức về mặt chính sách, song chính phủ Trung Quốc đã tiếp cận có chủ đích, nhất quán và đầu tư nguồn lực lớn để truyền bá các yêu sách bất hợp pháp, “lấp liếm” các quan điểm phi lý, và bao biện cho những hành động ngang ngược của mình. Trung Quốc đã sử dụng tuyên truyền như một mặt trận, thậm chí một “phương thức đấu tranh”, nhằm tạo ra những lợi thế về nhận thức trong dư luận, hỗ trợ cho các mặt trận thực địa, quân sự, pháp lý và ngoại giao của nước này trên Biển Đông. Nội dung bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ tầm quan trọng của tuyên truyền trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc, làm rõ những yêu sách và hành động phi lý phía sau những “câu chuyện” cuốn hút trên truyền thông, qua đó phân tích mục đích, nội dung, bộ máy chỉ đạo cũng như các kênh tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc.

Tuyên truyền trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc

Ở tất cả các nước, thông tin, tuyên truyền luôn là một bộ phận không thể tách rời khỏi chính trị. Ở Trung Quốc, tuyên truyền càng có ý nghĩa quan trọng bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc là lực lượng lãnh đạo chính trị duy nhất. Chủ tịch Mao Trạch Đông từng chỉ ra rằng “việc thắt chặt kiểm soát truyền thông là điều kiện tiên quyết” để duy trì ổn định chính trị và ví việc “kiểm soát ngòi bút” quan trọng như “kiểm soát ngòi súng”.[1] Điều lệ công tác tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 8/2019 tiếp tục định vị “công tác tuyên truyền là công việc cực kỳ quan trọng… nhằm duy trì đường lối lãnh đạo của Đảng”.[2]

Các nhà lãnh đạo gần đây của Trung Quốc gia tăng tuyên truyền về các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, coi đó như là một thành công chính trị để củng cố tính chính danh của mình. Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, tuyên truyền của Trung Quốc đa phần là sai trái, cố tính tạo ra quan điểm sai nhưng “ăn sâu vào tiềm thức” của người dân về cái gọi là “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau khi áp đặt quan điểm đó với nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc lại lấy “cớ” cái gọi là “sự đồng thuận” để thúc đẩy những chính sách quyết đoán, hành động phi pháp trên Biển Đông.

Tuyên truyền cũng hết sức quan trọng bởi bản thân thế giới luôn nghi ngờ ý đồ và kế hoạch Trung Quốc. Từ lâu nay các nước vẫn nhìn nhận Trung Quốc như là một “mối đe doạ” hay là một thế lực tham lam nhằm “xâm lấn lãnh thổ”, “cướp bóc tài nguyên”.[3] Đặc biệt trên hồ sơ Biển Đông, yêu sách hiện nay của Trung Quốc hết sức phi lý và phi pháp, trong khi đó, nước này lại áp dụng những biện pháp thiên về sức mạnh như xây dựng đảo, quân sự hóa, ngoại giao pháo hạm, chủ động gây hấn, ngang ngược triển khai thăm dò dầu khí trong vùng biển của quốc gia khác,… Do đó, dễ hiểu Trung Quốc phải lu loa để lớn tiếng lấn át sự phản đối của các nước khác và quốc tế. Theo đó, truyền thông đố ngoại là công cụ hữu hiệu mà nước này đã và đang hướng đến để định hướng, lôi kéo dư luận trong nước và quốc tế đồng thời tìm cách thao túng và điều khiển tư duy, hành động của các đối tượng liên quan theo hướng có lợi cho yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Các yêu sách và hành động phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Hiện nay, Trung Quốc tuyên bố yêu sách với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, đi cùng đó là những lập luận, bằng chứng phi lý, không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hiện đại, đặc biệt là UNCLOS. Một số yêu sách chính của Trung Quốc ở Biển Đông gồm: (i) các yêu sách với các đảo, đá, bãi ngầm được gọi chung là lại Tứ Sa (Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa và Trung Sa); và (ii) yêu sách đường cơ sở thẳng cho Hoàng Sa và các vùng biển xung quanh Hoàng Sa và Trường Sa; và (iii) yêu sách đường lưỡi bò. Nghiên cứu một cách chi tiết cho thấy các yêu sách này đều có vấn đề. Trung Quốc không có bằng chứng pháp lý và lịch sử đáng tin cậy là cơ sở cho yêu sách đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trên thực tế, hành vi sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi đá ngầm ở Trường Sa năm 1988 là bất hợp pháp. Yêu sách đường cơ sở thẳng ở Hoàng Sa, các EEZ và thềm lục địa cho các thực thể ở Hoàng Sa và Trường Sa, yêu sách đường lưỡi bò đều không đúng và không có cơ sở trong Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên.

Bất chấp sự phản đối của các nước, Trung Quốc vẫn triển khai các hoạt động trên mọi lĩnh vực để hiện thực hóa các yêu sách trên. Trong lĩnh vực pháp lý, nước này ráo riết tiến hành công tác xây dựng nội luật về biển, ban hành nhiều văn bản với quy định đi ngược lại pháp luật quốc tế và vi phạm lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc đầu tư lớn cho quốc phòng, đẩy mạnh hiện đại hoá hải quân, phát triển lực lượng chấp pháp và dân binh. Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Trung Quốc vẫn thúc đẩy kênh đàm phán song phương, đối thoại ASEAN-Trung Quốc về COC, thúc đẩy khai thác chung, sáng kiến con đường tơ lụa trên biển, cộng đồng chung vận mệnh trên biển. Trên thực địa, Trung Quốc thường xuyên tổ chức tập trận quy mô lớn, chủ động gây hấn với các bên yêu sách cũng như đẩy mạnh việc thăm dò, khảo sát biển trong vùng biển của các quốc gia khác. Đặc biệt nghiêm trọng là việc gần đây Trung Quốc đã ngang ngược đưa Tàu Địa chất Hải dương 8 (HD8) thằm dò vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ tháng 7/2019.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn rao giảng về một Trung Quốc yêu chuộc hòa bình, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật quốc tế. Trung Quốc lo sợ các chính sách của mình sẽ làm hoen ố hình ảnh quốc tế, thúc đẩy các nước cố kết với nhau, hoặc xích lại gần Mỹ và phương Tây để tạo đối trọng. Chính vì vậy, Trung Quốc coi tuyên truyền là mặt trận quan trọng để hạn chế những tác động trái chiều từ yêu sách và cách hành xử của nước này. Theo đó, các hoạt đông tuyên truyền của Trung Quốc vừa phục vụ mục đích chính trị vụ lợi đó là biện minh cho những yêu sách phí lý của mình; lại vừa truyền bá về hình ảnh một Trung Quốc “chính nghĩa, yêu hòa bình” và “hành xử như một nước lớn có trách nhiệm trong khu vực Biển Đông”. Trên thực tế, lời nói và hành động của Trung Quốc thường không tương thích với nhau.

Mục đích và nội dung tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc

Lịch sử cho thấy chính sách tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc phát triển qua nhiều giai đoạn, và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Trong từng thời kỳ, Trung Quốc lại chú trọng các nội dung khác nhau về Biển Đông nhằm tối đa hóa lợi ích của nước này. Sau năm 1949, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào Hoàng Sa, Trường Sa, bởi Trung Quốc mới thành lập có năng lực biển yếu kém. Sau khi dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 và thành lập Khu hành chính Hải Nam để quản lý yêu sách trái phép của nước này ở Biển Đông, Trung Quốc đã dần chuyển sang đa dạng hóa thông tin tuyên truyền về Biển Đông, không chỉ tuyên truyền về quan điểm, lập trường về “chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa” mà còn tuyên truyền cả các chủ đề khác như tài nguyên trên Biển Đông, vấn đề đặt tên các thực thể trên Biển Đông.[4] Sau khi thôn tính một phần Trường Sa năm 1988, Trung Quốc hướng đến rao rảng về “láng giềng hữu nghị” và “gác tranh chấp cùng khai thác”. Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc chú trọng đến tuyên truyền về đường lưỡi bò, phản bác sự can dự của Mỹ và các cường quốc khác, phê phán và bác bỏ Tòa Trọng tài Biển Đông. Có thế thấy, nội dung tuyên truyền nhất quán với chính sách Biển Đông nói chung của Trung Quốc.

Còn hiện nay, trong bối cảnh tình hình Biển Đông trở nên phức tạp và ngày càng nhiều nước chỉ trích khiến hình ảnh Trung Quốc trở nên “bá quyền” trong mắt bạn bè quốc tế, Trung Quốc càng có nhu cầu khẳng định chủ quyền, định hướng dư luận và xây dựng hình ảnh nước lớn có trách nhiệm, có chính nghĩa. Do đó, Trung Quốc thực hiện chiến lược tuyên truyền về Biển Đông một cách toàn diện, bài bản, đầy đủ, gồm những hướng chủ yếu sau[5]: (i) chủ quyền và quyền lợi trên Biển Đông và quyết tâm không bao giờ từ bỏ chủ quyền, biện minh cho yêu sách của Trung Quốc; (ii) phản bác yêu sách và lâp luận của các bên yêu sách khác, tố cáo các bên trong tranh chấp vi phạm chủ quyền của Trung Quốc hòng cố tình biến các vùng biển của các nước khác thành vùng tranh chấp; (iii) cổ súy cho chính sách giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhấn mạnh biện pháp song phương, nhấn mạnh thiện chí của Trung Quốc; (iv) biện minh, lấp liếm cho các hành vi gây hấn, quyết đoán của Trung Quốc, trấn an quốc tế rằng Trung Quốc không làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải; (v) Tố cáo, phản đối bên thứ ba can dự, lôi kéo các nước khu vực, làm phức tạp tranh chấp.

Trên cơ sở những hướng này, Trung Quốc hình thành các sản phẩm tuyên truyền khác nhau, sử dụng đa dạng các nguồn phát và kênh để chuyển thông điệp đến với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Có thể thấy, các nội dung tuyên truyền của Trung Quốc là có chủ đích thường chỉ một chiều, không hướng đến tranh luận và thuyết phục mà chủ yếu thao túng tư duy và nhận thực bằng “nhồi nhét” quan điểm của Trung Quốc và sử dụng các kỹ thuật truyền thông nhằm thao túng dư luận. Trung Quốc không chỉ muốn các nước, dư luận, công chúng hiểu quan điểm, lập trường của mình mà còn muốn họ nghĩ theo cách nghĩ của Trung Quốc, hướng tới ủng hộ chính sách của nước này, hoặc chí ít là không phản đối. Theo đó, tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông có thể gọi là “tuyên truyền đen”,

Bộ máy chỉ đạo tuyên truyền của Trung Quốc

Để triển khai chính sách nhất quán, Trung Quốc thiết lập một bộ máy tuyên truyền đồ sộ. Quy trình quản lý và triển khai cho thấy sự tập trung và thống nhất với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của chính quyền. Hạt nhân của bộ máy tuyên truyền ở Trung Quốc là Ban Tuyên truyền trung ương Đảng (中国共产党中央委员会宣传部, PD-CCP) nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc. Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Trung Quốc được coi là cơ quan hạt nhân chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình tuyên truyền cả trong nước và ra nước ngoài của Trung Quốc.[6] Các Trưởng, Phó Ban của PD-CCP đều là những thành viên kiêm nhiệm, vừa đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong PD-CCP là kênh Đảng, đồng thời vừa đảm nhiệm các vị trí như Bộ trưởng, Thứ trưởng của các bộ ngành liên quan. Điều này đã tạo ra cơ chế kép “Đảng–Chính quyền” trong quá trình triển khai chính sách tuyên truyền của Trung Quốc.

Xét về tuyên truyền đối ngoại, Ban Tin tức Quốc vụ viện (国务院新闻办公室, SCIO) với tên gọi khác là Ban tuyên truyền đối ngoại TW Đảng (中央对外宣传小组) thuộc Quốc vụ viện nhưng nằm dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên truyền TW Đảng là cơ quan đầu não trong giám sát thực thi và chỉ đạo hoạt động tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc.[7] Ngoài ra, những chủ thể quan trọng trong bộ máy tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc còn có Tổng cục Xuất bản Tin tức Trung Quốc (中华人民共和国新闻出版总署), Văn phòng Thông tin Internet Quốc gia (国家互联网信息办公室), Tổng cục Phát thanh – Truyền hình Quốc gia (国家广播电视总). Các cơ quan cấp Bộ phối hợp về mặt nội dung còn có Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục, Bộ Công an và Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin,...

Về cơ chế tuyên truyền, để tạo được sự thống nhất trong tuyên truyền từ trung ương xuống địa phương và từ chính phủ đến các bộ ban ngành, hay nói cách khác là cơ chế kép trong tuyên truyền, từ năm 2004, Trung Quốc thực thi cơ chế “ba tầng tin tức” và cơ chế “người phát ngôn”[8]. Cơ chế “ba tầng tin tức” là để chỉ tầng tin tức từ Quốc vụ viện, tầng tin tức từ các bộ ban ngành và tầng tin tức chính quyền địa phương; tương tự như vậy, các bộ ban ngành và các tỉnh thành của Trung Quốc đều thiết lập cơ chế “người phát ngôn” để thống nhất tiếng nói của Đảng. Hiện nay, Ban Tin tức Quốc vụ viện là cơ quan hạt nhân nắm giữ vai trò điều phối cơ chế 3 tầng và cơ chế người phát ngôn này. Chính nhờ cơ chế này mà Trung Quốc có sự thống nhất trong tuyên truyền từ Đảng cho đến chính phủ và đến các bộ ban ngành và địa phương, rồi ra đến các cơ quan nghiên cứu, truyền thông, báo chí.

Các kênh tuyên truyền của Trung Quốc về Biển Đông

Hiện nay, cách thức tuyên truyền về Biển Đông của Trung Quốc rất đa dạng, nhiều cấp độ hướng đến nhiều tầng lớp và bao trùm lên quảng đại người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Để làm được điều đó, Trung Quốc rất kiên trì và nhất quán trên mặt trận thông tin, sẵn sàng đầu tư lớn để kiểm soát các nền tảng truyền thông đại chúng. Về cách làm, Trung Quốc sử dụng nhiều nguồn phát cả chính thức và không chính thức, cả Trung Quốc và quốc tế, thông qua nhiều phương tiện, công cụ khác nhau để kể “câu chuyện của Trung Quốc” cho nhiều đối tượng khác nhau. Có thể kể đến các kênh tuyên truyền sau đây:

Báo, tạp chí nghiên cứu, ấn phẩm in hiện nay vẫn là một trong những kênh tuyên truyền truyền thống phổ biến nhất của Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ trên trang mạng của Thư viện Quốc gia Trung Quốc (NLC), tính đến nay, Trung Quốc đang lưu trữ khoảng hơn 125,188 bài báo viết và báo cáo về Biển Đông; khoảng hơn 1,000 cuốn sách viết về Biển Đông bằng tiếng Trung và khoảng 250 đầu sách bằng tiếng Anh về Biển Đông đã được xuất bản.[9] Số bài nghiên cứu của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông được đăng trên tạp chí cũng tăng dần qua các năm. Đặc biệt là năm 2016 trong bối cảnh vụ kiện trên Biển Đông mà phần thua thuộc về Trung Quốc, đã có tới 1751 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí được cho là “khoa học” khác nhau.[10] Đáng chú ý, Trung Quốc bỏ nhiều tiền để thuê học giả viết bài, mua cổ phần, tiến tới sở hữu các tờ báo có tiếng, mua chuyên mục trên các báo có uy tín ... để truyền bá các thông tin mà Trung Quốc mong muốn.

Phát thanh, truyền hình vẫn là một kênh được đầu tư lớn. Hiện nay ở Trung Quốc có 187 đài truyền hình và 2269 đài phát thanh và truyền hình bao phủ rộng khắp 98,88% cả nước Trung Quốc.[11] Trung Quốc đầu tư lớn đến thiết lập hệ thống truyền hình quốc tế kết hợp TV và radio thành kênh hợp nhất. Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) là đài phát thanh truyền hình phổ biến nhất hiện tuyên truyền về Biển Đông chủ yếu trên kênh CCTV4 – kênh chuyên phát sóng những chương trình truyền hình quốc tế. Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) là kênh phát thanh tuyên truyền đối ngoại quan trọng nhất của Trung Quốc cũng được phát thanh vấn đề Biển Đông trên hai kênh FM 101 và FM 102.

Kênh internet, gồm các websites, mạng xã hội như Weibo, Weixin, Twitter,… cũng trở thành những công cụ tuyên truyền hết sức nhanh chóng và tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân của Trung Quốc. Theo thống kê, hiện nay ở Trung Quốc người dùng di động truy cập tin tức qua Weixin chiếm 35% và qua Weibo chiếm đến 20%[12]. Do đó, việc lan toả tin tức Biển Đông qua những trang mạng xã hội này trở nên phổ biến, không những thế, những ứng dụng mạng xã hội này ở Trung Quốc có quy trình kiểm soát thông tin bên ngoài chặt chẽ do đó tránh được những luồng tin từ nước ngoài lan toả ở Trung Quốc cũng như có sự thống nhất trong luồng thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới ở Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tuyên truyền về yêu sách Biển Đông thông qua nhiều dạng sản phẩm, hoạt động và sự kiện như thông qua các hội thảo quốc tế, hội chợ du lịch, sự kiện thể thao, thông qua các triển lãm, cuộc thi, các chuyến thăm quan, các tác phẩm phim ảnh, nghệ thuật… Ví dụ như tại các hội thảo trong nước và quốc tế, Trung Quốc vẫn tận dụng vai trò chủ nhà, vai trò nhà tài trợ để định hình chương trình nghị sự, nắm vai trò dẫn dắt để tuyên truyền về Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Các phim ảnh của Trung Quốc như Điệp vụ Biển Đỏ, Abominable là những minh chứng rõ nhất về việc lồng ghép ý đồ chính trị vào các sản phẩm đại chúng. Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng hướng đến việc làm chủ, kiểm soát các nền tảng truyền thông hiện đại để chủ động trong các hoạt động tuyên truyền nhằm phục vụ lợi ích trên Biển Đông.

Kết luận

Nhìn chung, ý đồ của Trung Quốc là tiến tới khống chế và kiểm soát Biển Đông mà không cần dùng tới chiến tranh. Trung Quốc vẫn muốn giữ hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển, đuổi kịp Mỹ. Để làm được điều đó, bên cạnh các sức ép quân sự, ngoại giao và trên thực địa, Trung Quốc phải ra sức “kể những câu chuyện tốt về Trung Quốc” nhằm định hướng dư luận, phổ biến những bằng chứng ngụy tạo và các lập luận phi lý, từ đó, xây dựng một hình ảnh Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” để lấp liếm đi những ý đồ “bá quyền”, “bá chủ” thực sự ở bên trong. Xuất phát từ nhu cầu đó, Trung Quốc đang dồn nhiều các nguồn lực để tuyên truyền về Biển Đông thể hiện qua: (i) duy trì một bộ máy chỉ đạo nhất quán, thông suốt; (ii) sử dụng linh hoạt các nguồn khác nhau, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền; (iii) đa dạng hóa các kênh (báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình) và các công cụ như hội nghị, hội thảo, hội chợ, sự kiện thể thao, phim ảnh... (v) tiến tới kiểm soát các nền tảng truyền thông hiện đại. Theo đó, cuộc chiến truyền thông về chủ quyền biển đảo của ta sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức và khó khăn, đòi hỏi sự chủ động, quyết liệt, tích cực và sáng tạo.

Hoàng Lan, nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết được phát triển trên cơ sở một nghiên cứu khoa học tại Học viện Ngọa giao và phản ánh quan điểm riêng của tác giả.


[1] Học viện Ngoại giao, Truyền thông quốc tế: Lý thuyết và thực tiễn, XNB Thông tấn, Hanoi, 2016, trg 119

[2] Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc, Điều lệ công tác tuyên truyền của Trung Quốc, truy cập ngày 18/10/2019 tại http://www.gov.cn/zhengce/2019-08/31/content_5426158.htm

[3] Liu Qibao, Nỗ lực thúc đẩy văn hoá Trung Hoa ra thế giới, http://epaper.gmw.cn/gmrb/html/2014-05/22/nw.D110000gmrb_20140522_1-03.htm, truy cập 12/10/2019

[4] Zhang Tan, Tuyên truyền đối ngoại về hình tượng quốc gia của Trung Quốc hiện nay, Tạp chí Observation and Ponderation, kỳ 7 năm 2015, trang 52

[5] Liu Ming, Tuyên truyền Quốc tế về tranh chấp biển đảo từ khi Trung Quốc mới được thành lập tới nay, Tạp chí Pacific Journal, số 24 năm 2016, trang 95

[6] Anne Mary Brady, Bộ máy tuyên truyền đối ngoại của Trung Quốc, đọc toàn bộ, 2019, bản dịch đăng trên http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-trung-quoc/7248-bo-may-tuyen-truyen-doi-ngoai-cua-trung-quoc, truy cập 12/10/2019

[7] Sangkuk Lee, China’s Three Warfare’s: Origins, Application and Organnizations, The Journal of Strategic

Studies, 2014 Vol. 37, No 2, trang 198-221

[8] Cổng thông tin điện tử của Ban Tin tức Quốc vụ viện Trung Quốc, Bàn về cơ chế người phát ngôn trong bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc, http://www.scio.gov.cn/xwfbh/zdjs/Document/319806/319806.htm, truy cập ngày 18/10/2019

[9] Dữ liệu được tập hợp tại Thư viện Điện tử Quốc gia Trung Quốc, link truy cập: http://www.nlc.cn/

[10] Đỗ Tiến Sâm, Chử Đình Phúc, Góp phần nhận diện dư luận chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, bài tham luận được trình bày tại Hội thảo Tam chủng chiến pháp do Học viện Ngoại giao tổ chức tháng 5/2019.

[11] Tổng cục Phát thanh – Truyền hình Trung Quốc, Báo cáo xếp hạng truyền hình Trung Quốc năm 2016 http://www.nrta.gov.cn/art/2018/10/20/art_2178_39216.html, truy cập ngày 20/5/2019

[12] Viện Nghiên cứu Báo nhân dân, Báo cáo về các chỉ số truyền thông của kênh truyền thông di động Trung Quốc, http://media.people.com.cn/n1/2016/0324/c14677-28222730.html, truy cập ngày 20/5/2019

Nguồn:nghiencuubiendong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang