Chung tay cùng ngành thủy sản vượt khó
VBĐVN.vn - Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 ước đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm 2022. 8 tháng năm 2023, doanh số xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,8 tỷ USD, vẫn thấp hơn gần 25% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân do số lượng đơn hàng giảm mạnh, nhất là các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản; giá xuất khẩu thủy sản cũng giảm sâu, dẫn đến hàng tồn kho nhiều.
Ghi nhận tại các địa phương xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước như: Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi xuất khẩu thủy sản sụt giảm, tác động rất lớn đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhiều hộ nuôi cá tra, tôm... đang ngồi trên đống lửa khi giá thủy sản giảm, khó bán và giá thức ăn tăng nhanh. Trong khi người nuôi thủy sản gặp khó thì các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đối mặt với việc cắt giảm nhân công do sản lượng hụt.
Theo các chuyên gia, kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao, nên người dân nhiều nước hạn chế tiêu dùng. Sản phẩm thủy sản thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long nhất là con tôm phải cạnh với nguồn nguyên liệu giá thấp của các nước Ecuador, Ấn Độ, Indonesia... khiến xuất khẩu khó trăm bề. Ngoài ra, một trong những điều kiện của đối tác nhập khẩu yêu cầu phải có giấy phép phòng cháy chữa cháy cũng làm nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được, dẫn đến nguy cơ mất đơn hàng.
Dự báo cuối quý III-2023, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ sẽ phục hồi, tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Cùng với đó, thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tiếp tục cải thiện và ổn định; xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi ở mức tương đương năm 2022.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, những khó khăn thách thức vừa qua là khoảng thời gian để các doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản xem xét, rà soát lại chi phí sản xuất, giữ ổn định số lượng lao động và thu nhập cho người lao động. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp giành thời gian nghiên cứu các sản phẩm mới cho phù hợp với bối cảnh thị trường và lạm phát cao.
Để vượt qua khó khăn trước mắt và duy trì xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại một cách hợp lý; chủ động cân đối nguồn nguyên liệu và tài chính để giữ khách hàng truyền thống và sẵn sàng nguồn cung khi thị trường hồi phục; đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng. Cùng với đó, tận dụng hơn nữa ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do để giữ được vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Hơn bao giờ hết, ngành thủy sản cần các cấp, ngành, các thành phần trong chuỗi cung ứng cùng chung tay thực hiện giải pháp để vượt qua giai đoạn khó khăn của năm 2023 - 2024. Trong đó, tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường, đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.
Cùng với việc thông tin thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; quản lý an toàn thực phẩm thủy sản, để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp chủ động giữ kết nối chặt chẽ với Bộ NN& PTNT và các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Hy vọng với quyết tâm từ Trung ương tới các địa phương, thủy sản Việt Nam sẽ đạt được những mục tiêu mà ngành đã đặt ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thanh Thảo (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận