Chung tay hợp tác phát triển thủy sản

14:16 04-05-2020

Chung tay hợp tác phát triển thủy sản

Indonesia hiện là nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn thứ hai thế giới; Việt Nam cũng là một quốc gia lý tưởng để tự hào với ngành thủy sản, gồm cả nuôi trồng và khai thác. Tuy nhiên, cả hai đều có chung những thách thức về môi trường, ATTP và truy xuất nguồn gốc… Vì vậy, hai nước cần phải hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững. Đó là những chia sẻ của Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi (ảnh) với Thủy sản Việt Nam.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi

Gần đây, phát triển NTTS ở Indonesia đã được đẩy nhanh và hiện được coi là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Là một quốc đảo, Indonesia có tiềm năng đáng kể trong việc phát triển nguồn lợi thủy sản. Hai trong số các chiến lược chính là hỗ trợ ngành NTTS phát triển và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Indonesia; cũng là một trong những nguồn sản xuất thực phẩm đáng tin cậy ở Indonesia.

Indonesia hiện có 4 chương trình phát triển NTTS: Phát triển giống; phát triển thức ăn và thuốc thú y thủy sản; phát triển sức khỏe thủy sản và khu vực NTTS; phát triển sản xuất và kinh doanh NTTS.

Tiềm năng hiện tại trong lĩnh vực NTTS của chúng tôi đạt 17,9 triệu ha, với mức sử dụng chỉ mới ở 9%. Giá trị kinh tế tiềm năng của ngành NTTS đạt 250 tỷ USD/năm. Indonesia hiện là nhà sản xuất NTTS lớn thứ hai (sau Trung Quốc), đóng góp 15% vào tổng sản lượng thủy sản thế giới (FAO, 2018).

Indonesia hiện là nhà sản xuất NTTS lớn thứ hai thế giới - Ảnh: Medium

Những tiềm năng và thách thức mà ngành NTTS của Indonesia hiện đang phải đối mặt là gì, thưa ông?

Sản lượng NTTS ở Indonesia tăng 19,20% mỗi năm và tỷ trọng NTTS năm 2018 đạt 57,14% tổng GDP thủy sản quốc gia. Một số thách thức NTTS của Indonesia hiện nay là vấn đề môi trường; nhu cầu cá tăng ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu; thức ăn cho thủy sản chiếm 60 - 70% sản lượng; khả năng vận chuyển còn hạn chế; chất lượng thủy sản bố mẹ giảm; vấn đề ATTP, vấn đề truy xuất nguồn gốc; biến đổi khí hậu và khả năng cạnh tranh sản phẩm trong khu vực.

Sản lượng NTTS của Indonesia năm 2008 - 2017 - Nguồn: FAO

Vậy với Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về ngành thủy sản của Việt Nam?

Với đường bờ biển dài 3.260km, Việt Nam là một quốc gia lý tưởng để tự hào với ngành thủy sản, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt. Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào này cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm thủy sản tốt và ổn định. Tuy nhiên, Indonesia và Việt Nam đều có chung những thách thức về môi trường, ATTP và truy xuất nguồn gốc… Vì vậy, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải chung tay hợp tác về thủy sản.

Ông có thể cho biết về tình hình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang Indonesia hiện nay?

Trong 6 tháng đầu năm 2019, tôi thấy tình hình xuất khẩu cá ngừ, cá tra và tôm từ Việt Nam sang Indonesia tăng đáng kể, đặc biệt là cá ngừ và tôm với tỷ lệ tương ứng là 128% và 164%.

Triển vọng hợp tác NTTS của Indonesia và Việt Nam trong tương lai như thế nào, thưa ông?

Thủy sản là một trong 12 ngành ưu tiên hợp tác của Indonesia và Việt Nam. Năm 2018, giá trị thương mại thủy sản giữa hai nước đạt 96 triệu USD, tăng 82% so cùng kỳ năm 2017 (38 triệu USD). Chúng ta có tiềm năng lớn. Indonesia và Việt Nam nên phối hợp chặt chẽ hơn để phát triển liên doanh giữa hai nước, đặc biệt là trong NTTS.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn:thuysanvietnam.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang