Cù Lao Chàm: Sinh kế bền vững từ việc chung tay bảo tồn biển
VBĐVN.vn - Nằm cuối dòng sông Thu Bồn đổ ra biển, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm (TP Hội An) được thừa hưởng sự đa dạng các hệ sinh thái vùng cửa sông và ven bờ. Những năm qua, với sự chung tay bảo tồn biển của cộng đồng đã mang lại sinh kế lâu dài cho dân cư Cù Lao Chàm.
Khai thác gắn với bảo tồn
Lo ngại cua bị tuyệt chủng, năm 2006, Ban Quản lý khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng chính quyền Hội An bàn biện pháp bảo tồn với mục đích tạo sinh kế cho người dân trên đảo. Sau 2 năm triển khai, năm 2008, một tổ cộng đồng bắt cua ra đời với mục đích vừa khai thác vừa bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Duy Khanh, Chủ nhiệm HTX cua đá Cù Lao Chàm, kiêm Tổ trưởng bắt cua đá cho biết, mỗi tháng, các thành viên của tổ chỉ được khai thác khoảng 50 con cua đá, với kích thước một con cua từ 7 cm trở lên (chiều ngang thân). Việc khai thác cua trên đảo diễn ra từ tháng Giêng đến cuối tháng 7 Âm lịch, những tháng còn lại việc khai thác bị cấm vì là mùa sinh sản của cua.
Theo quy định, cua đá có chiều ngang mai trên 7cm, không mang trứng mới được dán nhãn cho phép bán ra thị trường; còn những con không đủ tiêu chuẩn sẽ bị giữ lại và được phóng thích về lại môi trường tự nhiên. Đối với những nhà hàng tiêu thụ cua đá mà không có tem dán của tổ khai thác sẽ bị các cơ quan chức năng tịch thu cua và xử phạt tiền.
“Mô hình bảo vệ cua đá không chỉ bảo vệ cua đá mà người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Nếu như trước đây, người dân bán cua với giá chỉ 200.000 đồng/kg và thường bị tư thương ép giá thì từ khi mô hình ra đời, giá bán tối thiểu được quy định là 500.000 đồng/kg, được nâng lên 750.000 đồng/kg và hiện nay là 1,2 triệu đồng/kg; các nhà hàng, quán nhậu chế biến bán giá 2 triệu đồng”- ông Khanh cho biết thêm.
Ông Lê Vĩnh Thuận- Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, hoạt động của Tổ cộng đồng khai thác và bảo vệ cua đá là một mô hình thành công trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Qua khảo sát thực tế, thời gian gần đây, số lượng cua đá trong tự nhiên đã bắt đầu tăng dần về số lượng, góp phần giữ vững sự đa dạng hệ sinh thái trên đảo.
Một mô hình hiệu quả khác là Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương (xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm). Người dân địa phương được giao hơn 19ha mặt nước của khu bảo tồn biển để tự tổ chức quản lý, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản và phát triển dịch vụ.
Sau 10 năm hoạt động, mô hình đã đáp ứng được mong đợi của người dân, từ chỗ sinh kế bấp bênh đến nay ngư dân Bãi Hương đã nâng cao thu nhập khi khai thác và tổ chức các tour du lịch. Sau thành công của tiểu khu này, người dân xã đảo Tân Hiệp tiếp tục làm chủ công nghệ, hỗ trợ khu bảo tồn biển xây dựng các vườn ươm, phục hồi hơn 4000m2 rạn san hô cứng. Đây là mô hình đầu tiên trên cả nước, cộng đồng tự tổ chức quản lý, khai thác và phát triển sinh kế song hành với các mục tiêu của khu bảo tồn biển.
Tăng thu nhập dựa vào du lịch xanh
Cù Lao Chàm là khu bảo tồn biển thứ 2 của Việt Nam với diện tích 235km2 bao quanh 7 hòn đảo, ghi nhận sự hiện hữu của các sinh cảnh, đa dạng sinh học biển thuộc loại bậc nhất tại Việt Nam. Tại Cù Lao Chàm có hơn 311ha rạn san hô, với khoảng 300 loài; 50ha thảm cỏ biển với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai... Khu rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao... Đây là những là nguồn lực tự nhiên, quan trọng hỗ trợ cho sự phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh ở Cù Lao Chàm - Hội An.
Việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không những góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển mà còn mở ra triển vọng mới về sản phẩm du lịch xanh, du lịch biển đảo đầy tiềm năng.
Đến nay đã có hơn 500 người dân địa phương trong tổng số 560 hộ gia đình tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch với hơn 12 loại hình sinh kế mới. Thu nhập được nâng cao, chất lượng cuộc sống được cải thiện là động lực cho người dân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên vùng đảo. Các mô hình phân loại rác tại nguồn, nói không với túi ni lông, dán nhãn sinh thái cua đá, bảo vệ rạn san hô đã và đang được người dân hưởng ứng và tạo tiếng vang trong cả nước.
Số lượng du khách đến tham quan và lưu trú tại Cù Lao Chàm ngày càng nhiều góp phần tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Số du khách đến với Cù Lao Chàm năm 2004 là vài ngàn người, năm 2012 là 106.000 và đến thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid19 là 420.000 người, là minh chứng về sự hấp dẫn của vùng biển đảo ngập tràn nắng gió này.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh - chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở kết quả từ bảo tồn ở Cù Lao Chàm đặc biệt là bảo tồn biển cùng với phát huy giá trị truyền thống thì sinh kế bà con được cải thiện thông qua nguồn lợi được gìn giữ tăng lên. Môi trường sống của sinh vật cũng như cộng đồng được trong lành thì du lịch cũng bén rễ và cụ thể là du lịch cộng đồng Cù Lao Chàm được ngày càng bền vững và phát triển như hiện thực.
Việc áp dụng mô hình cộng đồng cùng chung tay tham gia quản lý bảo tồn biển không chỉ mang lại sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường bền vững biển khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Lan Anh (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận