Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế về biển đảo
VBĐVN.vn - Nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc hợp tác biển, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, trong những năm qua chúng ta đã xác định hợp tác biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai đường lối và chính sách đối ngoại phục vụ xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, lợi ích quốc gia dân tộc trên biển.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, trải dài từ Bắc xuống Nam với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều cụm đảo có giá trị chiến lược về an ninh, quốc phòng, kinh tế quan trọng như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu… Đối với Việt Nam, Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển và là không gian sinh tồn của dân tộc. Diễn biến phức tạp của tình hình trên Biển Đông trong những năm qua cho thấy các thách thức đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của Việt Nam ngày càng lớn, nghiêm trọng hơn.
Để xử lý tốt các thách thức này, bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia dân tộc trên biển cả trước mắt lẫn lâu dài, bên cạnh việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, Việt Nam cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc mở rộng và tăng cường hợp tác biển, biến Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Hợp tác biển cũng phù hợp với nguyện vọng chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới về hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tại Đại hội XIII, Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát và định hướng cụ thể trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025, trong đó, mục tiêu xuyên suốt trong vấn đề biên giới lãnh thổ là “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi…; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định”, “Trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia-dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng ta cần thúc đẩy một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:
Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa, vai trò của hợp tác biển trong việc bảo đảm và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển gắn với duy trì môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, coi hợp tác biển là một công cụ hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ này. Trong quá trình triển khai, cần bám sát tinh thần của Đại hội đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 647/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển…
Hai là, tiếp tục cùng các nước trong khu vực Biển Đông đàm phán, giải quyết dứt điểm vấn đề vùng biển chồng lấn, tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển, hợp tác biển. Trong quá trình này, có thể tính đến các biện pháp hợp tác tạm thời theo đúng các quy định có liên quan của Công ước Luật Biển.
Ba là, mở rộng hợp tác biển với các tổ chức quốc tế khu vực, toàn cầu, trong đó cần tích cực tham gia sâu rộng hơn nữa vào các tổ chức quốc tế chuyên ngành về biển hoặc liên quan đến biển như IMO, UNEP, FAO, tổ chức nghề cá khu vực, các thiết chế hợp tác biển khu vực, liên khu vực. Trong quá trình này, cần tích cực thúc đẩy ASEAN- Trung Quốc triển khai DOC, phấn đấu sớm đạt COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển trong đó việc hợp tác biển được chú trọng.
Bốn là, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, phương tiện nghiên cứu khoa học biển từ các đối tác có khả năng; tăng cường năng lực của đội ngũ làm về hợp tác biển thông qua việc đưa cán bộ đi đào tạo về khoa học công nghệ biển, khoa học pháp lý, năng lực thực thi pháp luật trên biển, an ninh biển…
Là một quốc gia ven Biển Đông, có nhiều tiềm năng và lợi thế trong việc hợp tác biển, trên cơ sở kinh nghiệm và thành quả của hợp tác biển trong những năm qua, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác biển, đưa hợp tác biển thành một nhân tố quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, vì sự phồn thịnh của đất nước và lợi ích quốc gia dân tộc trên biển.
Theo thoidai.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận