Đề cao công tác phòng chống cháy nổ cho các phương tiện trên biển

09:05 05-10-2023

VBĐVN.vn - Thời gian qua, công tác tuyên truyền cho các tàu cá ngư dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy nổ trên biển được lực lượng chức năng quan tâm. Để hiểu rõ hơn những giải pháp trước mắt và lâu dài trong công tác phòng, chống cháy nổ trên biển, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Bá Việt - Phó tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam về vấn đề này.

Đại tá Đào Bá Việt - Phó tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, thời gian qua công tác phòng, chống cháy nổ được lực lượng Cảnh sát biển triển khai như thế nào?

Đại tá Đào Bá Việt: Trong những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của lực lượng Cảnh sát biển thường xuyên được Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ tư lệnh và chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên trong toàn lực lượng. Từ khi thành lập lực lượng đến nay, sau 25 năm xây dựng và phát triển, hàng năm Bộ tư lệnh Cảnh sát biển luôn tổ chức xây dựng kế hoạch phòng, chống cháy nổ cũng như PCCC cho toàn lực lượng.

Trên cơ sở đó các cơ quan, tổ chức xây dựng kế hoạch PCCC cho đơn vị mình và hàng năm đều điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tập huấn, huấn luyện cũng như thường xuyên diễn tập về công tác PCCC đối với cơ quan, đơn vị, đặc biệt đối với các đơn vị tàu, thuyền. Ngoài ra không chỉ trong lực lượng, chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan như Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác để tổ chức tập huấn, huấn luyện cho lực lượng Cảnh sát biển chủ động khi có tình huống xảy ra.

Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã làm tốt công tác PCCC nên chưa có vụ cháy nổ nào xảy ra trong các cơ quan, đơn vị cũng như các tàu thuyền của Cảnh sát biển.

PV: Ngoài công tác bảo đảm an toàn tuyệt đối về PCCC trong cơ quan đơn vị, lực lượng Cảnh sát biển còn tham gia công tác PCCC cho các phương tiện trên biển và tàu cá ngư dân. Vậy công tác PCCC có thuận lợi khó khăn gì không, thưa đồng chí?

Đại tá Đào Bá Việt: Ngoài công tác bảo đảm an toàn PCCC trong lực lượng Cảnh sát biển, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng có liên quan sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra cháy, nổ trên biển. Trong thời gian qua chúng tôi đã tổ chức tham gia PCCC 26 vụ trên biển, đặc biệt tham gia chữa cháy tàu hàng Vancouver của Singapore với tải trọng 115.000 tấn, chở 9.600 container, hành trình từ Hồng Kông đi Singapore, bị cháy một container tại khoang số 7. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát biển đã điều tàu CSB 8005 cơ động trong đêm tối tiếp cận tàu bị nạn và trong 4 ngày đêm cùng phối hợp với các lực lượng chức năng dập cháy an toàn đối với tàu này.

Ngoài ra, khi phát hiện các tàu cá ngư dân trên biển gặn nạn, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng ở gần nhất nhanh chóng cơ động, tổ chức PCCC cho tàu cá. Thực tế cho thấy, các tàu cá hoạt động trên biển tuy đã có xảy ra cháy nổ nhưng tỷ lệ này rất ít. Từ tháng 10 năm 2022 đến nay mới chỉ xảy ra 5 vụ cháy nổ nhưng được chữa cháy kịp thời, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá của ngư dân.

Hiện nay, với số lượng hàng chục nghìn tàu cá đang hoạt động trên biển thì yếu tố phòng, chống cháy nổ đang là vấn đề đáng quan ngại. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, trong đó có 2 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, đa số tàu cá của ngư dân thường đã xuống cấp, các trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, PCCC trên tàu cá rất hạn chế. Vì đã xuống cấp, nên hệ thống điện, dây điện... máy móc, trang thiết bị luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Bên cạnh đó, do phải hoạt động trên biển dài ngày nên việc chứa đựng một lượng lớn nhiên liệu trong tàu luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, đa số ngư dân hoạt động trên biển sinh hoạt, nấu ăn chủ yếu bằng gas. Cho nên những vấn đề này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng chống cháy, nổ trên tàu.

Thứ hai là yếu tố con người. Cơ bản bà con ngư dân đã hiểu về hậu quả nếu khi xảy ra sự cố cháy, nổ trên tàu hoạt động trên biển. Tuy nhiên công tác phòng, chống cháy nổ vẫn chủ quan, lơ là; thậm chí là ngư dân còn đốt hương, hút thuốc trong tàu, từ đó có thể dẫn đến cháy, nổ trên biển.

PV: Qua công tác kiểm tra các tàu cá, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội nhận thấy công tác PCCC trên các tàu cá vẫn còn nhiều vi phạm, bất cập. Vậy lực lượng chức năng đã có những biện pháp xử lý như thế nào về những bất cập này, thưa đồng chí?

Đại tá Đào Bá Việt: Trong quá trình kiểm tra các tàu cá trên biển, chúng tôi nhận thấy vấn đề mất an toàn về phòng, chống cháy nổ trên biển luôn rình rập. Trước mắt chúng tôi tăng cường tổ chức tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức, đề cao các hoạt động phòng cháy để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất nếu khi có cháy nổ xảy ra.

Trong quá trình tổ chức thực hiện trừ trường hợp bất khả kháng, chúng tôi sẽ có những chế tài xử phạt vi phạm hành chính những tàu cá không đảm bảo an toàn, không có phao cứu sinh, không có phương tiện cứu hộ, cứu nạn nếu khi xảy ra cháy, nổ... Khi đã có các chế tài xử lý, nếu tàu cá không đủ phương tiện PCCC chúng tôi sẽ yêu cầu tàu cá đó quay về bờ để trang bị đầy đủ, đảm bảo an toàn tính mạng ngư dân trên những con tàu này.

Tuy nhiên, với vùng biển rộng lớn, số lượng tàu cá nhiều, trong khi để đưa được tàu cá vi phạm về bờ là rất vất vả, việc lực lượng Cảnh sát biển lai dắt phương tiện vi phạm về bờ rất khó khăn. Bởi sau khi kiểm tra, chúng tôi rời đi thì có thể tàu cá này lại tiếp tục hoạt động. Do đó nếu không xử lý dứt điểm từ trong bờ, khi áp tải đưa tàu cá về cảng thì những con tàu này lại lẩn trốn để tiếp tục hoạt động.

Thực tế cho thấy, trước đây thuyền trưởng cũng là chủ tàu cá, việc xử phạt vi phạm hành chính dễ xử lý. Tuy nhiên bây giờ hầu như thuyền trưởng chỉ là người làm thuê. Vì một chủ tàu có tới 10 - 12 con tàu nên họ thuê nhiều thuyền trưởng điều khiển. Do là lái thuê nên thuyền trưởng không quan tâm nhiều đến trang thiết bị cứu sinh, phòng chống cháy nổ, đôi khi còn lơ là chủ quan.

Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa chủ tàu và thuyền trưởng chỉ là làm ăn chia lợi nhuận, cho nên thuyền trưởng bằng mọi cách, bất chấp vi phạm để đánh bắt được nhiều thủy sản nhất, trong khi các phương tiện, trang bị phòng, chống cháy nổ lại không có và không quan tâm.

Từ thực tế trên, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã có các văn bản đề nghị cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân lao động trên các tàu cá. Để bảo đảm an ninh, an toàn tàu cá khi ra khơi, lực lượng Cảnh sát biển kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra đăng ký, đăng kiểm, PCCC, quản lý chặt chẽ tàu trước khi xuất bến. Tàu cá rời cảng phải có đầy đủ các trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị PCCC.

Theo tôi được biết, tới đây Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản sẽ có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tôi cho rằng một con tàu khi hoạt động trên biển, không chỉ tàu của các lực lượng, tàu vận tải của các cơ quan, xí nghiệp có liên quan, đặc biệt đối với tàu cá của ngư dân cần phải có đầy đủ trang thiết bị PCCC.

Khi sửa Nghị định 42 cần quy định rõ lực lượng nào kiểm tra trực tiếp, lực lượng nào gián tiếp và lực lượng quản lý trực tiếp từ khi rời cảng đến khi vào bến và trách nhiệm của người thuyền trưởng trên tàu cá đó như thế nào… Phải quy trách nhiệm của thuyền trưởng về toàn bộ các hoạt động cũng như các trang bị có liên quan trên tàu cá. Không thể để khi xảy ra sự cố chỉ xử phạt chủ tàu mà người thuyền trưởng lại vô can. Cho nên phải gắn trách nhiệm của từng cá nhân, đặc biệt là thuyền trưởng đối với con tàu và trong quá trình lao động trên biển.

Hiện nay, trong thực tế áp dụng Nghị định 42 đã bộ lộ nhiều yếu tố mới, chưa phù hợp. Vì vậy khi sửa Nghị định 42 cần điều chỉnh cho phù hợp, chi tiết hơn để các lực lượng chức năng thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bài, ảnh: Viết Tôn (baotintuc.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang