Để thủy sản thực sự là trụ cột

12:59 17-06-2021

VBĐVN.vn - Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu, ngành thủy sản là một trong những điểm sáng tích cực trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,27 triệu tấn (tăng 2,6%) và giá trị xuất khẩu đạt 3,24 tỷ USD (tăng 12%) so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc cho rằng cần có sự đầu tư mạnh nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, xuất khẩu, để thủy sản thực sự là trụ cột tăng trưởng cho cả ngành nông nghiệp.

Thực tế, đại dịch Covid-19 khiến kênh phân phối sản phẩm thủy sản bị đứt gãy, gián đoạn ở nhiều thị trường xuất khẩu, giá thủy sản giảm, ngành thủy sản đã bộc lộ những hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, công tác tổ chức sản xuất, khai thác thủy và ứng dụng công nghệ.

Mặc dù, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản trong thời gian qua rất khả quan, nhưng chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm tỷ lệ khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng cũng như hoàn thiện các khâu bảo quản, chế biến, nâng chất lượng thủy sản và gia tăng giá trị.

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: vasep.com.vn

Nhiều chuyên gia ghi nhận những nỗ lực, quyết liệt của ngành thủy sản trong thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhưng rõ ràng đầu tư cơ sở hạ tầng cho thủy sản chưa tương xứng là trụ cột tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Hệ thống logicstic, cảng cá thiếu đồng bộ, đội tàu khai thác xa bờ mỏng và yếu, trong khi quy hoạch nuôi trồng chưa tốt.

Hiện nay, cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp; trong đó, có 415 nhà máy, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU. Ngoài ra, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống. Các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đã có mặt tại 195 thị trường trên thế giới.

Nhưng chế biến thủy sản xuất khẩu đang đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguyên liệu cho sản xuất, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chưa hợp lý, năng suất lao động thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến hải sản còn hạn chế, dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới ngày càng kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội. Điều nay đòi hỏi ngành thủy sản phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: Khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.

Rõ ràng, vấn đề cấp thiết hiện nay của thủy sản Việt Nam là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm dần tàu công suất nhỏ khai thác gần bờ và nâng cao năng suất khai thác xa bờ, tăng diện tích nuôi biển áp dụng công nghệ cao; đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản để cải thiện chuỗi giá trị.

Muốn làm được điều đó, phải xây dựng được hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ thủy sản và quản lý hiệu quả việc nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cần cơ cấu lại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị; đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nghị quyết nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021-2025 để trình Quốc hội khóa XV xem xét. Nếu các nguồn vốn này được thực thi hiệu quả, hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có những bước thay đổi đáng kể, đảm bảo cơ sở phát triển thủy sản một cách bền vững.

Văn Định (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang