Định hướng không gian biển kỹ thuật cho điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

10:57 10-01-2024

VBĐVN.vn - Không gian kỹ thuật cho điện gió ngoài khơi là không gian đáp ứng cho các tuabin phát điện tối đa công suất, phần diện tích mặt biển, cột nước biển vẫn có thể dùng cho các ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch và nghề cá sử dụng.

Thời gian qua, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghiên cứu các khu vực xây dựng trang trại điện gió tiềm năng tại Việt Nam bằng công nghệ GIS kết hợp cho 12 tiêu chí: Tốc độ gió, mật độ năng lượng gió, địa hình đáy, khoảng cách đến các mỏ dầu/khí, khoảng cách đến các đường ống dẫn khí, khoảng cách đến các tuyến cáp internet ngầm, khoảng cách đến ngư trường một số nghề cá, khoảng cách đến các cảng biển, khoảng cách đến các tuyến hàng hải, khoảng cách đến các khu bảo tồn, khoảng cách đến vị trí đường bờ, khoảng cách đến các khu vực rùa biển kiếm ăn.

Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu đã thành lập bản đồ khu vực xây dựng các trang trại gió tiềm năng trong khu vực nghiên cứu, phản ánh tương đối đúng với bản đồ tiềm năng gió ngoài khơi tại Việt Nam trong phạm vi 200 km thuộc Chương trình hỗ trợ quản lý năng lượng của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019.

Trong tổng hơn 600.000 km2 diện tích khu vực nghiên cứu, khu vực tiềm năng có khả năng xây dựng chiếm hơn 21,62% tương đương 130,229.97 km2. Trong đó, diện tích khu vực tiềm năng xây dựng điện gió gần bờ (khu vực có độ sâu nước dưới 20 m) gần 14.330 km2 ứng với 11% trong tổng diện tích khu vực tiềm năng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau.

Về phân bố không gian biển cho ĐGNK (nghiên cứu PECC3 +QHD8).

Diện tích tiềm năng còn lại là điện gió ngoài khơi chiếm 89% (gần 116.000 km2), cụ thể: Điện gió ngoài khơi móng cố định (độ sâu mực nước dưới 50 m) chiếm 35,23% - ứng với 45.879,40 km2, phân bố tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Còn lại hơn 70.024 km2 (53,77%) diện tích khu vực có tiềm năng xây dựng các điện gió móng nổi với độ sâu mực nước từ 50 – 1.000 m, phân bố hầu như xa bờ các tỉnh, thành như Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Để phát triển ngành công nghiệp ĐGNK theo đúng với các chiến lược, quy hoạch của Việt Nam, các cơ quan quản lý cần xây dựng khung pháp lý cho năng lượng tái tạo và điện gió ngoài khơi như Luật và các văn bản nghị định, thông tư, tiêu chuẩn quốc gia...

Bên cạnh đó, cần khoanh định chi tiết hóa diện tích các khu vực không gian biển kỹ thuật trên bản đồ biển, thuộc các tỉnh, thuộc các đới gần bờ, ngoài khơi; không gian biển cụ thể (tỉnh, tọa độ) theo Quy hoạch điện 8 (đến năm 2030 là 6.000 MW, 2050 là 87 – 91,5 GW). Quy hoạch không gian biển quốc gia cần xem xét không gian biển cho điện gió ngoài khơi khoảng 90-100 GW (cả ven bờ và ngoài khơi) với diện tích biển (định mức 10MW/1km2) khoảng 10.000 km2. Mức tối đa có thể là 20000 km2, tức 5 MW/km2 phân theo các lô, vị trí… Trong đó, có không gian biển cho điện gió xuất khẩu và cho nội địa.

Để củng cố tính pháp lý, cần luật hóa không gian biển đối với các ngành cố định như điện gió ngoài khơi, nuôi biển, dầu khí, cáp biển, mạng internet, hàng hải, an ninh quốc phòng.

TS Dư Văn Toán (Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang