Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó

12:18 21-09-2021

VBĐVN.vn - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường gấp rút hoàn thiện để trình Bộ Tư pháp thẩm định, thông qua vào cuối tháng 9 này.

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp như: Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam… cho rằng, nhiều quy định của dự thảo nghị định tăng chi phí thực hiện cho doanh nghiệp nhưng hiệu quả trong quản lý và bảo vệ môi trường không như kỳ vọng, lại dễ phát sinh thêm tiêu cực trong thực tiễn nếu được thông qua.

Liên quan tới lĩnh vực thuỷ sản, VASEP cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ chật vật phục hồi sau tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4 mà sẽ phải đối mặt với loạt gánh nặng nếu Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường được thông qua.

Cụ thể, ngành thủy sản gặp khó khăn với 3 vấn đề chính như: Quy định dung lượng nước thải tối thiểu phải quan trắc tự động, tần suất quan trắc nước thải định kỳ chưa phù hợp; xếp loại danh mục dự án đầu tư Nhóm I và II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; xếp loại ngành vào loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó trước dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Bảo vệ môi trường.

VASEP cho rằng, dự thảo đưa ngành chế biến thủy sản vào mức 3 của “Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, đây là điều không công bằng khi đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao. Bởi thực tế so với các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như: Bánh kẹo, sữa, dệt nhuộm... thì nước thải của ngành thủy sản ít ô nhiễm môi trường, ít độc hại hơn nhiều nhưng lại bị xếp vào mức độ cao hơn. Về khí thải, hiện chỉ có một số ít nhà máy chế biến thủy sản có công đoạn gia nhiệt (nhà máy đồ hộp, nhà máy sản xuất hàng chín, hàng chần như chả cá, tôm luộc, tôm bao bột,...) có sử dụng lò hơi chứ không như một số nhà máy chế biến thực phẩm khác như sản xuất bánh kẹo bánh, sữa, cà phê hòa tan...

Về chất thải rắn, các chất thải rắn chính trong quá trình chế biến chủ yếu là các phế liệu từ thủy sản như xương cá, da cá, mỡ cá, vỏ tôm, đầu tôm, vỏ ngao, sò... Các phế liệu thủy sản đa phần được các cơ sở bên ngoài thu gom để làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất khác như sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất đồ mỹ nghệ, lấp đất, lấp đường... hoặc nếu phải bỏ đi thì cũng không phân hủy tạo thành các chất thải nguy hại.

Một bất cập khác cũng được các doanh nghiệp thuỷ sản đề cập tới đó là dự thảo Nghị định quy định ngành nuôi trồng (vốn phải sử dụng lượng nước lớn để nuôi) lại nằm trong “Danh mục dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao”. Như vậy, quy định này đang đi ngược lại với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, khuyến khích nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” của Chính phủ. Dẫn tới, các cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ cũng phải xin cấp phép Bộ Tài Nguyên và Môi trường, gia tăng thủ tục hành chính, tăng thêm gánh nặng cho các cơ sở nuôi trồng. Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, dự thảo chỉ nên áp dụng quy định này cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang các mục đích khác thì phù hợp hơn.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang