Đóng góp của Việt Nam trong việc kiến tạo Công ước Luật Biển 1982
Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea hay UNCLOS) năm 1982, được thông qua ngày 30-4-1982 đánh dấu kết quả 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc, từ năm 1973 đến năm 1982, nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia.
Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) (27/7/1994 – 27/7/2019) và đã có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước.
Công ước Luật Biển năm 1982: “Hiến pháp về biển và đại dương”
Được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương,” Công ước Luật Biển năm 1982 gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương.
Văn kiện này không chỉ kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế cũng như những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương.
Công ước Luật Biển 1982 ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau.
Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển.
Việc Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải chấp thuận sự điều chỉnh cả gói (package deal) và không cho phép bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, ngoại trừ những tuyên bố cụ thể theo quy định của Công ước, bảo đảm việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Công ước.
Với vai trò là “Hiến pháp của biển và đại dương,” Công ước Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện pháp lý khác về biển và đại dương.
Trước hết, phải kể đến Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa. Các điều ước quốc tế khác về biển và đại dương đều ít nhiều căn cứ vào các quy định của Công ước Luật biển 1982 do tính chất toàn diện, bao trùm của Công ước.
Hiện nay, trong khuôn khổ Công ước, các quốc gia đang tham gia vào tiến trình đàm phán văn kiện pháp lý mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các khu vực nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia (BBNJ) để điều chỉnh các hình thức hoạt động mới ở biển cả và đáy đại dương, hướng tới bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên chung của nhân loại.
Văn kiện này sẽ là sự bổ sung quan trọng cho các quy định của Công ước về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương.
Do vậy, có thể nói, Công ước Luật Biển 1982 góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn tài nguyên biển.
Bên cạnh các chế định về quy chế pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, Công ước Luật Biển 1982 cũng quy định cơ chế bắt buộc nhằm giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong giải thích và áp dụng Công ước.
Theo quy định tại Phần XV của Công ước, khi phát sinh tranh chấp, các quốc gia cần giải quyết một cách hòa bình, bằng các biện pháp do các bên lựa chọn như đối thoại, đàm phán, hòa giải…
Nếu các biện pháp trên không đem lại giải pháp, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS, cơ quan được thành lập bởi Công ước) hoặc tòa trọng tài, tòa trọng tài đặc biệt.
Phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của Công ước Luật Biển 1982, đặc biệt là ITLOS và tòa trọng tài đã góp phần giải thích các quy định của Công ước, loại bỏ sự mơ hồ có thể bị lợi dụng để biện minh cho các yêu sách và hành động sai trái.
Điều này giúp duy trì trật tự trên biển, bảo vệ mọi hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp và hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.
Việt Nam tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước
Là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3260 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982 và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước; luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước, đồng thời có những hành động thiết thực đóng góp vào việc thực hiện Công ước.
Từ trước khi Công ước Luật Biển 1982 ra đời, Việt Nam đã tích cực vận dụng các quy định liên quan của pháp luật quốc tế để xây dựng các văn bản pháp luật trong nước về biển.
Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam” trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác.
Tuyên bố này được đưa ra khi Công ước Luật Biển 1982 đang được xây dựng, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa tiến bộ luật biển quốc tế.
Với Tuyên bố này, Việt Nam cùng với các quốc gia khác như Kenya, Myanmar, Cuba, Yemen, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Ấn Độ, Pakistan, Mexico, Seychelles được coi như những quốc gia tiên phong trong việc đưa khái niệm vùng đặc quyền kinh tế trở thành khái niệm có giá trị tập quán và sau này trở thành một nội dung quan trọng của Công ước Luật Biển 1982.
Việt Nam là một trong 107 quốc gia ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực.
Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nói trên của Việt Nam.
Đồng thời, Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.
Năm 2019 đánh dấu 25 năm Ngày Công ước chính thức có hiệu lực, đồng thời đánh dấu 25 năm Việt Nam phê chuẩn và nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn Công ước tới Ban Thư ký Liên hợp quốc (27/7/1994-27/7/2019).
Cùng với Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam cũng gia nhập các Hiệp định thực thi Công ước, bao gồm: Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa.
Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý.
Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.
Để thể hiện trách nhiệm và thiện chí của một quốc gia thành viên Công ước, trong những năm qua Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, vận dụng các quy định của Công ước trong xác định các vùng biển và phân định ranh giới biển với các nước láng giềng, quản lý và sử dụng biển, đồng thời hợp tác với các nước trong các lĩnh vực biển phù hợp với các quy định của Công ước theo hướng bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, phục vụ phát triển bền vững.
Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Bộ Luật Hàng hải 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017, điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý và sử dụng biển và đại dương như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Biên giới quốc gia (2003), Nghị định 143/2017/NĐ-CP ngày 14/12/2017 của Chính phủ quy định bảo vệ công trình hàng hải, Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 3/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người và phương tiện trong khu vực biên giới biển.
Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả Công ước Luật Biển 1982 để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý, cụ thể là: Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biển ngày 9/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định và phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003.
Thực tiễn đàm phán, ký kết các văn kiện nêu trên đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đóng góp và làm phong phú thêm luật pháp quốc tế về phân định biển.
Trên cơ sở các quy định của Công ước, Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và đàm phán về các vấn đề trên biển với các nước láng giềng khác.
Mặt khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982,” coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo.
Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở).
Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” ký ngày 10/11/2011.
Điều đó cho thấy, Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.
Phát triển kinh tế biển gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế về biển cũng là một nội dung quan trọng.
Căn cứ các quy định của Công ước, Việt Nam đã và đang tiến hành có hiệu quả và triển khai các hoạt động kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý, phục vụ phát triển đất nước. Việt Nam cũng chủ động thúc đẩy hợp tác cùng các bên liên quan trong việc bảo vệ môi trường biển, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và triển khai các biện pháp ngăn chặn tội phạm trên biển, góp phần thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.
Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Việt Nam đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng và thành viên Hội đồng của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương.
Việt Nam tham gia đầy đủ Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước được tổ chức hàng năm tại Đại hội đồng Liên hợp quốc và luôn có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Công ước; tham gia và có những đóng góp tích cực vào các hội nghị của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương; ủng hộ tăng cường hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và nâng cao vai trò của Tòa án Luật Biển quốc tế; đồng thời đóng góp đầy đủ niên liễm để các cơ quan nói trên có thể hoạt động hiệu quả.
Tại các diễn đàn liên quan, Việt Nam luôn khẳng định: trong hoạt động sử dụng biển, các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định của Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước.
Hàng năm, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận và ủng hộ thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về “Đại dương và Luật Biển.” Trong những năm qua, Việt Nam tham gia tiến trình đàm phán xây dựng văn kiện pháp lý về BBNJ trong khuôn khổ Công ước Luật Biển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia xây dựng nhiều cơ chế và văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh hàng hải (INMARSAT), Hệ thống an toàn và cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS), tham gia Công ước Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và các công ước khác của IMO như Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978 (MARPOL 73/78), Công ước về Tìm kiếm cứu nạn 1979 (SAR 79), Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974 (SOLAS 74), Công ước quốc tế về ngăn ngừa hành vi bất hợp pháp đe dọa an toàn hàng hải 1988 (SUA 88) và một số văn kiện pháp lý trong khuôn khổ Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) như Hiệp định về biện pháp của quốc gia có cảng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ khai thác IUU.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định chung trong khuôn khổ hợp tác ASEAN liên quan đến vận tải biển và dịch vụ vận tải như: Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa quá cảnh 1998, Hiệp định khung ASEAN về Tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải liên quốc gia 2012.
Đây là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của Công ước Luật Biển 1982, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.
Trước hết, các quốc gia cần tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như các tiến trình đàm phán đang diễn ra, tránh có những động thái nhằm làm xói mòn, hạ thấp vai trò của Công ước.
Mọi yêu sách về biển của các nước cần dựa trên các quy định của Công ước, không áp đặt các yêu sách thái quá, không phù hợp với quy định của Công ước. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi Công ước, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật biển 1982.
Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tham gia đàm phán một cách xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982.
Công ước Luật Biển 1982 có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay. Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.
Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước, kể từ khi chấp nhận sự ràng buộc và trở thành một quốc gia thành viên của Công ước 25 năm trước.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận