Giải pháp cho người dân nuôi biển: Bài 2: Năm giải pháp chuyển đổi mô hình

00:31 23-10-2023

VBĐVN.vn - Để thành công trong chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè truyền thống trên biển thì cần phải có những hành động, bước đi cụ thể, chắc chắn và thực chất.

Tỉnh Khánh Hòa đang có động thái giúp người nuôi chuyển đổi sang lồng HDPE. Ảnh: Kim Sơ.

Để thành công trong chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè truyền thống trên biển thì cần phải có những hành động, bước đi cụ thể, chắc chắn và thực chất. Theo đó, có 5 giải pháp để giúp người nuôi biển hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống.

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nuôi biển nhận thấy việc chuyển đổi mô hình sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn đối với họ, chẳng hạn như giảm hơn về thiệt hại kinh tế khi có sóng to, gió lớn, hay khi có bão đổ bộ, làm lồng/bè nuôi trồng thủy sản trên biển bị hư hỏng, thất thoát thủy sản nuôi; tiếp cận được công nghệ và phương pháp nuôi tiên tiến của khu vực và thế giới, làm giảm thiệt hại do bệnh dịch gây ra, nâng cao hiệu quả trong quá trình nuôi; được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển nuôi biển (được giao mặt nước, cấp mã số vùng nuôi, hỗ trợ thiệt hại, gia hạn nợ khi xảy ra các rủi ro, sự cố bất thường trong quá trình nuôi…); được kết nối tiêu thụ sản phẩm làm ra thông qua kênh xúc tiến thương mai các sản phẩm nuôi biển (sản phẩm tươi sống hoặc chế biến) của địa phương.

Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình nuôi lồng/bè truyền thống còn làm giảm ô nhiễm môi trường, ít gây suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn, làm tiền đề gắn nuôi biển kết hợp với du lịch biển. Hơn nữa, việc làm này phù hợp với chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước hiện nay.

Lồng nuôi HDPE có độ bền, thích ứng với thiên tai. Ảnh: Kim Sơ.

Thứ hai, thay đổi tư duy người nuôi biển thông qua hướng dẫn, tập huấn, tăng cường tham quan, học tập mô hình nuôi biển tiên tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn.

Người dân nuôi biển thường tư duy theo kiểu mùa vụ hay theo kiểu năng suất, sản lượng cao. Khi thay đổi tư duy từ kiểu mùa vụ sang tiếp cận chủ động hơn, sản xuất cái thị trường cần, không sản xuất cái mình có; thay đổi tư duy năng suất, sản lượng cao sang tư duy chuỗi giá trị, tiếp cận thị trường thì người nuôi biển sẽ không gặp phải rủi ro về sản phẩm làm ra.

Để làm được điều này, cần hướng dẫn, tập huấn/đào tạo và tăng cường tham quan, học tập các mô hình nuôi biển tiên tiến, hiện đại cho người dân nuôi biển. Việc làm này, cần phải được thường xuyên liên tục, không “đánh trống bỏ dùi” và phải xem đây là chiến lược “mưa dầm thấm đất” để thay đổi tư duy nhận thức của người dân nuôi biển. Có như vậy, chúng ta mới mong việc chuyển đổi mô hình nuôi biển truyền thống thành công được.

Thứ ba, có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Khuyến khích chuyển đổi mô hình nuôi trông thủy sản trên biển bằng lồng, bè truyền thống (tôm hùm, cá biển, hàu và rong biển) sang mô hình nuôi mới, nuôi biển công nghệ cao (lồng HDPE tích hợp các công nghệ khác) với các chính sách hỗ trợ tín dụng, tín dụng gắn liền với bảo hiểm vay vốn.

Lồng nuôi được lắp đặt camera chạy bằng năng lượng mặt trời, giúp người nuôi quan sát quá trình nuôi mà không cần ở trên bè. Ảnh: Kim Sơ.

Có thể áp dụng mô hình đầu tư tín dụng, gồm người nuôi biển đóng góp một phần vốn (20 - 30%) từ hệ thống lồng nuôi truyền thống tái sử dụng vào mô hình mới; ngân hàng chính sách xã hội địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, đặc biệt trong 3 năm đầu, với tỉ lệ 30 - 40% vốn trong mô hình đầu tư mới; các doanh nghiệp sử dụng mặt nước cho mục đích khác, hỗ trợ 30 - 40% cho người nuôi biển. Giao đất, mặt nước trong thời gian dài 20 - 30 năm.

Ưu tiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặt nước cho người nuôi biển ở địa phương tham gia chuyển đổi mô hình, nhất là đối với những người có quy mô sản xuất lớn hay trung bình, trong vùng sản xuất tập trung. Hỗ trợ thiệt hại, gia hạn nợ để khắc phục hậu quả và tái sản xuất cho người tham gia nuôi biển trong trường hợp xảy ra các rủi ro, sự cố bất thường trong quá trình nuôi (bão lũ bất thường, động đất, sóng thần, bùng phát dịch bệnh… Lưu ý, chỉ áp dụng cho những người dân có đăng ký nuôi biển (hồ sơ về vị trí, số lượng lồng nuôi, tổng lượng giống...).

Đồng thời với đó là chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mai các sản phẩm nuôi biển (sản phẩm tươi sống, hoặc chế biến) vào Chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của địa phương. Ngoài ra, ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi biển tập trung, gồm cảng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ công tác điều hành; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi biển; hệ thống quan trắc môi trường tại vùng nuôi tập trung; nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản trên biển, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm thủy sản; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nuôi biển.

Thứ tư, có giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn, khác biệt hơn so với nuôi biển truyền thống. Giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn, khác biệt hơn phải lượng hóa cụ thể bằng việc giảm được sức lao động, tăng được tỷ lệ sống vật nuôi, hiệu quả kinh tế hơn… so với nuôi biển truyền thống. Có như vậy, người dân nuôi biển mới có thể “tự giác làm theo”. Để làm được điều này, cần có các chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện gồm thử nghiệm, đánh giá tính hiệu quả của các mô hình lồng nuôi mới (đề xuất) ở các vùng nuôi biển, từ đó tiến tới xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống lồng, nhà bè phục vụ cho nuôi biển.

Lồng nuôi có kích thước nhỏ phù hợp với nông hộ, người nuôi thu hoạch cá cũng dễ dàng. Ảnh: Kim Sơ.

Nhân rộng các điển hình thành công trong nuôi biển theo quy mô công nghiệp, xây dựng các mô hình nuôi tiên tiến một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như cá biển, tôm hùm, hàu kết hợp với trồng rong biển; thúc đẩy ứng dụng công nghiệp phục vụ cho nuôi biển (thiết bị giám sát lồng, giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh…); ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý nuôi trồng thủy sản.

Thứ năm, cần quản lý và tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm nổi bật, đặc thù, có giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh cao. Quản lý và tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm nổi bật, đặc thù, có giá trị kinh tế, có tính cạnh tranh cao, cần lưu ý đến hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng và khuyến khích thành lập các mô hình tổ hợp tác, liên kết; hợp tác xã nuôi biển trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán nhằm tiết kiệm được chi phí sản xuất thông qua việc mua chung, bán chung và chung tay bảo vệ môi trường.

Chú trọng các sản phẩm có tính nổi bật, đặc thù; sản xuất theo chuỗi giá trị, từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất.

Cần thúc đẩy cơ chế liên kết giữa nuôi biển với hoạt động các ngành kinh tế khác để tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các hoạt động sản xuất trên biển; khuyến khích hoạt động cùng lúc nhiều lĩnh vực trên biển (nuôi biển kết hợp với du lịch, vận tải biển…). Ngoài ra, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành đảm bảo các cơ sở nuôi biển hoạt động đúng quy định của pháp luật.

PGS.TS Võ Văn Nha, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 (nongnghiep.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang