Giảm chất thải nhựa ra môi trường biển là yêu cầu cấp bách

12:05 30-03-2023

VBĐVN.vn - Việt Nam với hơn 3.260km đường bờ biển trải dài theo hướng Bắc - Nam, trung bình cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Dọc bờ biển còn có 114 cửa sông, trung bình 20 km có một cửa sông và hơn 50 vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, song cũng luôn tiềm ẩn ô nhiễm rác thải ra môi trường biển.

Rác thải nhựa tại bãi biển Việt Nam

Một trong những lý do khiến ô nhiễm nhựa vẫn là một vấn đề nan giải, đơn giản bởi rác thải nhựa bị phân hủy thành những hạt nhựa nhỏ hơn gọi là hạt vi nhựa mà được xác định là nguồn gây ô nhiễm môi trường. Các nghiên cứu cho thấy, rác thải nhựa trong đại dương có nguồn gốc từ đất liền, bị cuốn theo những dòng chảy từ các đô thị, do tràn cống, xả rác, chất thải từ các hoạt động công nghiệp và xây dựng và đặc biệt là các hoạt động du lịch.

Ô nhiễm nhựa trên đại dương cũng còn bắt nguồn từ nghề đánh bắt cá, các hoạt động hàng hải và nuôi trồng thủy sản. Dưới tác động của bức xạ tia cực tím, gió, dòng chảy và các yếu tố tự nhiên khác, nhựa bị phân hủy thành các hạt nhỏ được gọi là hạt vi nhựa hoặc nano nhựa. Kích thước nhỏ khiến chúng dễ dàng bị các sinh vật biển vô tình ăn phải.

Ô nhiễm nhựa đại dương đã tác động đến sự sống của các loài sinh vật biển như rùa biển, cá voi, chim biển, cá, rạn san hô và vô số loài sinh vật biển và môi trường sống khác. Rác thải nhựa ra biển sẽ làm giảm khả năng hấp thu của sinh vật biển. Sinh vật biển như chim, rùa, động vật có vú… thường nhầm rác thải nhựa là thức ăn và nuốt chúng vào.

Chim biển ăn nhầm rác thải nhựa. (Nguồn ảnh: beritabeta)
Lưới đánh cá bị bỏ đi đã gây ra cái chết của rất nhiều sinh vật biển. (Nguồn ảnh: Báo lao động)
Rác thải nhựa gây ra cái chết cho rất nhiều sinh vật biển khi chúng bị mắc kẹt và không thể tìm kiếm được thức ăn. (Nguồn ảnh: biodiversitywarriors)

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy. Điều này, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa đại dương hàng đầu trên thế giới. Tổ chức này đã đề xuất Việt Nam cần giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa.

Cần có các giảp pháp mang tính toàn cầu

Tại Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, diễn ra vào giữa năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, cho biết “Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này”. Tuy nhiên, điều đáng nói đây là vấn đề quốc tế, nên cần phải có cách tiếp cận quốc tế. Trong khi đó, những nỗ lực của các quốc gia và các khu vực trong thời gian qua chưa đủ để giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.

Nguyên nhân là do các công cụ quốc tế để giải quyết rác thải nhựa bao gồm phạm vi chưa đủ đối với các nguồn chính gây ô nhiễm nhựa, miễn trừ và thiếu các tiêu chuẩn thực thi…Điều này để lại hạn chế cho mỗi quốc gia vì hệ thống pháp luật, hoàn cảnh và năng lực môi trường khác nhau.

Ngoài ra, sự hợp tác thiếu hiệu quả và sự tham gia không đầy đủ của các quốc gia vào các sáng kiến khu vực và quốc tế. Điều này sẽ để lại những lỗ hổng trong các nỗ lực toàn cầu và khu vực đối với việc giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, và thực tế rằng ô nhiễm nhựa đại dương là một vấn đề xuyên biên giới. Đó còn chưa kể đến thiếu cơ chế báo cáo, giám sát và đánh giá chung về ô nhiễm nhựa…

Do vậy, một thỏa thuận chung toàn cầu nhằm giải quyết những vấn đề trên đã được Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đề xướng. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã và đang ngày càng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa dùng một lần nói riêng thông qua các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.

Bắt đầu từ chính sách

Cũng như các nước trên thế giới, hình thức tái chế sơ cấp, thứ cấp và tứ cấp được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng khả năng kiểm soát ô nhiễm thứ cấp còn hạn chế. Việt Nam hiện đang có nhiều chính sách khuyến khích nhằm đẩy mạnh việc tái sử dụng và tạo ra các vật liệu thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học hoặc có thể phân hủy sinh học.

Đối với vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường. Điển hình như việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.

Xác định rõ, biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Với nhận thức trên, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Gần đây nhất, Việt Nam đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương.

Gần đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực từ 25-8-2022. Với việc ban hành Nghị định này sẽ góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đến người dân nhằm thay đổi hành vi, lối sống và thói quen tiêu dùng của người dân.

Tháng 6-2022, Chính phủ Việt Nam cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Điều này không những sẽ góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải nhựa ra môi trường đồng thời còn biến rác thải nhựa thành những nguồn tài nguyên quý giá quay trở lại phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với ngành du lịch, ngày 16-2-2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”. Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu do gây ra những tác động rất nguy hại tới môi trường đặc biệt môi trường biển. Do đó, thông qua dự án, ông Siêu mong muốn nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa được nâng cao. Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa được triển khai hiệu quả và phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Dự án do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện, UNDP Việt Nam tài trợ và được triển khai trong 2 năm 2023 - 2024 với 3 hợp phần chính: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu/điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”; Xây dựng Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.

Muôn Nguyễn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang