Giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương: Một thách thức lớn của thế kỷ 21
VBĐVN.vn - Đây là chủ đề của Phiên toàn thể đặc biệt trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu diễn ra chiều ngày 13-5 tại Hà Nội. Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT); bà Mona Aarhus, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý biển và Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Môi trường và Khí hậu Na Uy) và ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trường Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể, bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu lần này được xem là thời điểm khẩn cấp để hành động với tinh thần "quyết liệt" và "cấp bách" hơn nữa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), Phó Tổng cục trưởng Phạm Thu Hằng kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị cần thúc đẩy việc chia sẻ tầm nhìn, giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương trong bối cảnh cùng phục hồi sau Covid-19; xây dựng các giải pháp, lộ trình và hành động cụ thể để đạt được một kết quả thực sự đó là Thỏa thuận toàn cầu về giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Đồng thời cần thiết lập một cơ chế tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đất liền và ở biển.
Trước những thách thức từ ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, theo ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trường Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều các tuyên bố khu vực kêu gọi cần có hành động toàn cầu có tính pháp lý cao để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương như: Thỏa thuận toàn cầu chống lại rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa, Tuyên bố Bangkok và Khung hành động chống lại rác thải nhựa đại dương, Thỏa thuận toàn cầu về nhựa của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới của EU.
Bà Mona Aarhus, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý biển và Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Môi trường và Khí hậu NaUy nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa đại dương là vấn đề ưu tiên được giải quyết trong giai đoạn hiện nay với những thuận lợi là sự hỗ trợ, cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo, các nhà chính trị, sự hoàn thiện của hệ thống chính sách, pháp luật cũng như nguồn lực tài chính đã sẵn sàng cho các hành động.
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa. Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đồng thời triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Đặc biệt, theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam, mạng lưới đối tác và các bên liên quan về vấn đề rác thải nhựa đại dương có khoảng 70 dự án và chương trình được thực hiện tại 19/28 tỉnh thành ven biển và các huyện đảo. Thông qua đó đã thúc đẩy được sự tham gia và kết nối cơ hội hợp tác, đồng thời thể hiện quan điểm cấp tiến và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Tại Phiên toàn thể đặc biệt, đại diện các nước: Mocronesia, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Ghana và Haiti đã tập trung thảo luận về các giải pháp huy động sự tham gia của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, rác thải đại dương, đề xuất những mô hình sản xuất, tiêu thụ bền vững sản phẩm nhựa; xúc tiến đàm phán về một khuôn khổ pháp lý toàn cầu về ô nhiễm nhựa; …
Theo monre.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận