Giữ vững chủ quyền, lợi ích của quốc gia và trách nhiệm quốc tế

09:36 08-07-2020

(TTĐN) - Trước những biện pháp ứng phó với các vấn đề tại Biển Đông của Việt Nam, giới chuyên gia quốc tế đánh giá, đây là những bước đi đúng đắn, kịp thời, chấp hành theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, là cơ sở vững chắc giúp Việt Nam giữ vững được chủ quyền biển, đảo với tầm vóc chiến lược bền vững.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 tại Hamburg, Đức. (Ảnh: TTXVN)

Lợi ích quốc gia vẫn bảo đảm trách nhiệm quốc tế

Theo Giáo sư Vladimir Kolotov thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg của Nga, cách làm của Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền tại khu vực Biển Đông cho thấy, việc bảo vệ lợi ích quốc gia vẫn tuân thủ theo đúng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, đồng thời thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, ngay cả trong diễn biến phức tạp có tính nhạy cảm và dễ gây xung đột.

Một trong những minh chứng cho thấy Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao thể hiện rõ nét nhất ở việc Việt Nam được bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Uy tín cũng như năng lực và trách nhiệm đối với quốc tế đã giúp Việt Nam nhận được sự ủng hộ mang tính kỷ lục khi được thế giới bỏ phiếu bầu vào vị trí này.

Giáo sư Kolotov đánh giá, Việt Nam đang nắm trong tay hàng loạt cơ hội để tạo ra những bước tiến mới có hiệu quả rất cao trong hoạt động ngoại giao, đặc biệt là sự ủng hộ của quốc tế. Đây sẽ là thời điểm để Việt Nam đóng góp hiệu quả nhất cho nỗ lực kiến tạo thế giới an toàn và công bằng hơn.

Theo chuyên gia an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học Á – Âu, vấn đề Biển Đông có tầm ảnh hưởng và thu hút sự quan tâm rất lớn của thế giới, đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng đối với Liên hợp quốc. Chính vì vậy, Việt Nam không hề đơn độc trong vấn đề Biển Đông mà sẽ có sự phối hợp rất lớn từ Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam hiện nay tuân thủ và bảo đảm đúng theo quy định pháp luật quốc tế. Ngay sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, quốc tế sẽ vào cuộc mạnh mẽ với vấn đề Biển Đông, bởi nếu không đảm bảo sự hài hòa tại đây thì có thể sẽ gây nên một cuộc xung đột lớn mang tính toàn cầu.

Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, ASEAN đang là tổ chức nổi bật tại khu vực với sức ảnh hưởng lớn, ưu thế vượt trội so với các tổ chức khác liên quan đến vấn đề Biển Đông. Đặc biệt, một điểm mạnh của ASEAN được quốc tế đánh giá cao chính là sự đoàn kết mà Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 đã thể hiện rất tốt vai trò dẫn dắt, tăng cường đoàn kết nội khối và củng cố vị thế của tổ chức tại khu vực. ASEAN được kỳ vọng rất lớn là “ngọn cờ tiên phong” trong nỗ lực ổn định tình hình tại Biển Đông.

Đánh giá về những diễn biến tiêu cực còn tồn đọng trên Biển Đông, chuyên gia Trofimchuk cho rằng, để ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ xảy ra đụng độ với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực thì những đề xuất cụ thể của Việt Nam sẽ có vai trò rất quan trọng. Một tín hiệu tích cực là lập trường của Việt Nam đang khẳng định cơ sở vững chắc cho việc ổn định tại Biển Đông trên nền tảng hòa bình, thông qua các giải pháp về chính trị và ngoại giao.

Vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh rằng: "Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã thể hiện trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Chiếc “chìa khóa vàng” COC

Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, để duy trì sự ổn định trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, việc cần làm hiện nay là loại bỏ các hoạt động quân sự hóa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để thay thế Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. DOC 2002 trên thực tế đang có quá nhiều “kẽ hở” khiến cho việc duy trì trật tự, ổn định trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn, kéo theo nhiều diễn biến phức tạp. Trong khi đó, COC có hiệu quả và thực chất sẽ là “chìa khóa vàng” để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Giáo sư Carly Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nghiên cứu viên cao cấp, một trong những chuyên gia quốc tế hàng đầu về vấn đề Biển Đông nhìn nhận, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược về cả địa chính trị, thương mại cũng như nguồn tài nguyên. Từ năm 1992 tới nay, khu vực đã xảy ra nhiều hành vi gây phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng. Hiện nay, nỗ lực của ASEAN được xem là động lực thúc đẩy quá trình đàm phán COC, mở ra cơ chế giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế...

Theo Giáo sư Bun Nagara, Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia (ISIS), để có được COC hiệu quả và thực chất thì quá trình đàm phán ký kết sẽ cần thời gian nhiều hơn nữa để tránh tình trạng đưa ra một bản COC yếu kém. COC hiệu quả và thực chất cần đạt được một số yếu tố cốt lõi, điển hình như: Chuẩn hóa cách ứng xử trong mọi tình huống; xác định nhận thức chung; phân biệt hành vi vô ý và cố ý... Đây là những yếu tố giúp xây dựng nhận thức, quan điểm, sự hiểu biết lẫn nhau, lòng tin và lợi ích chung.

Đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: TTXVN)

Theo Tiến sĩ người Đức Gerhard Will, chuyên gia về Biển Đông, điều kiện hàng đầu để giải quyết tranh chấp đó là sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và quá trình đàm phán phải dựa trên luật pháp quốc tế. Đây là yếu tố cốt lõi để mang tới COC thành công. ASEAN sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình đàm phán COC và sự đoàn kết nội khối của ASEAN hiện nay đang cho thấy nền tảng để có được sự bền vững về an ninh, đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các quốc gia liên quan./.

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang