Hàng hải trước "cửa sáng" để quay lại đà tăng trưởng cao

18:51 03-11-2021

VBĐVN.vn - Bất chấp dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động kinh tế, khối lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng tốt. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cơ chế tài chính đủ mạnh giúp kinh tế hàng hải tiếp tục đột phá trong thời gian tới, góp phần duy trì sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Hàng hóa qua cảng biển duy trì tăng trưởng

Từ năm 2020 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới lao đao vì dịch Covid-19 bùng phát, tiếp đó là khó khăn do mưa bão, lũ lụt tại miền Trung, thế nhưng ngành hàng hải lại là "điểm sáng" tăng trưởng giữa bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều thách thức.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, trong 10 tháng năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 587 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, trong khi sản lượng nhiều mặt hàng qua cảng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, hàng container vẫn duy trì được đà tăng trưởng hai con số với khối lượng 10 tháng ước đạt gần 20,3 triệu TEU, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng container xuất khẩu ước đạt hơn 6,6 triệu TEU, tăng 11%; hàng container nhập khẩu đạt gần 6,7 triệu TEU, tăng 14%; hàng nội địa đạt gần 7 triệu TEU, tăng 10%.

Để duy trì mức tăng trưởng này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là khu vực cảng biển phía Nam trong quý III vừa qua, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các cảng vụ triển khai hàng loạt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành hàng hải đã thay đổi các phương thức làm việc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải, các thuyền viên, các cảng vụ triển khai và duy trì các hoạt động hàng hải nhằm giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong bức tranh khó khăn chung của nền kinh tế; trong đó có ngành giao thông vận tải thì kinh tế hàng hải vẫn có nhiều khởi sắc mặc dù cũng bị ảnh hưởng so với các năm trước. Đây được xem là động lực thúc đẩy các ngành nghề khác khôi phục và phát triển trong thời gian tới.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng phòng Tuyên giáo-Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-VIMC (đơn vị đang quản lý 16 cảng biển lớn của cả nước) cho biết, trong bức tranh khởi sắc chung của ngành hàng hải, 10 tháng năm 2021, VIMC đã hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp đã đề ra. Cụ thể, năm 2021, VIMC đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm là 944 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ sau 2 quý đầu năm, VIMC đã đạt lợi nhuận 1.300 tỷ đồng.

Bốc xếp hàng tại Tân Cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

"Nếu tính đến cuối năm không có biến động gì lớn thì dự kiến cả năm 2021, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ đạt lợi nhuận hợp nhất từ 2.700 -2.800 tỷ đồng. Lợi nhuận này đến từ việc mảng cảng biển của Tổng công ty vẫn duy trì được tăng trưởng. Hơn thế nữa, mảng vận tải biển vốn không được đặt nhiều kỳ vọng từ đầu năm nay nhưng lại có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Trần Tuấn Hải cho hay.

Cơ chế nào giúp kinh tế hàng hải tiếp tục đột phá

Nhằm tạo đà cho doanh nghiệp hàng hải giữ "phong độ" và bứt phá thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn nữa. Bởi từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều chịu những tác động sâu sắc. Trong đó, doanh nghiệp lĩnh vực hàng hải cũng không nằm ngoại lệ khi các doanh nghiệp này chịu nhiều áp lực về chi phí vận hành.

Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Cục Hàng hải Việt Nam đã tham mưu, báo cáo Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Tài chính kịp thời ban hành Thông tư số 74/2021/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.

Theo Phó Cục trưởng Hoàng Hồng Giang, các chính sách phí, lệ phí hàng hải tại thông tư này đã ban hành đúng, trúng mong muốn của các doanh nghiệp, như: Miễn, giảm các khoản phí trọng tải tàu, thuyền; phí bảo đảm hàng hải và phí sử dụng vị trí neo, đậu trong thời gian tàu thuyền phải neo đậu thực hiện việc kiểm dịch, điều động sang khu vực hàng hải khác để cách ly y tế trong một số trường hợp bắt buộc theo quy định trước khi được phép vào cảng biển thực hiện xếp dỡ hàng hóa, đón nhận trả khách.

Quy định mới cũng tiếp tục duy trì hoặc gia hạn thời gian thực hiện các chính sách giảm phí tàu thuyền có dung tích lớn chở container xuất nhập khẩu, trung chuyển tại Cái Mép - Thị Vải; gia hạn áp dụng mức thu phí cho tàu thuyền chuyển tải dầu tại vịnh Vân Phong - Khánh Hòa...

"Bên cạnh Thông tư 74/2021/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cho phép giảm mức thu đối với 30 loại phí, lệ phí đến hết ngày 31-12-2021. Trong đó, đối với lĩnh vực hàng hải, phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tàu biển đều được giảm 20%…", ông Hoàng Hồng Giang thông tin.

Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, nhằm "trợ lực" cho doanh nghiệp vận tải biển vượt "bão Covid-19", Cục Hàng hải Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp hoa tiêu, lai dắt áp dụng mức thu giá tối thiểu trong khung giá hoặc giảm giá dịch vụ hiện nay theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải về khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo.

Đánh giá về vấn đề này, một doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng cho hay, chính sách hỗ trợ về giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt đã giúp doanh nghiệp vận tải biển giảm chi phí vận hành từ 3 - 5 triệu đồng/chuyến tàu thay vì phải nộp mức thông thường. Mặc dù mức giảm không quá nhiều, song trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, sự hỗ trợ này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vận hành để bù cho các chi phí khác (chi phí xét nghiệm của thuyền viên, phun trùng, khử khuẩn tàu…).

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn (đơn vị trực thuộc VIMC) cho biết, thời gian qua, để duy trì hoạt động cảng biển phục vụ hàng hóa thông suốt, các cảng biển đã phát sinh không ít chi phí để duy trì nhân lực "3 tại chỗ". Thời gian tới, doanh nghiệp cảng mong muốn các cấp chức năng sẽ có những cơ chế chính sách giảm thuế đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân, góp phần ổn định sản xuất, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Một vấn đề mấu chốt giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cảng biển mà ông Hoàng Hồng Giang chỉ ra, đó là các địa phương cần có những chính sách kiểm soát việc đi lại nhất quán để tạo động lực cho ngành sản xuất phục hồi nhanh hơn, từ đó, doanh nghiệp cảng mới có điều kiện hưởng lợi gián tiếp.

Đặc biệt, ông Hoàng Hồng Giang nhận định, thời gian tới, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng lên, cảng biển Việt Nam có "cửa sáng" để quay lại đà tăng trưởng cao như lúc trước dịch. Tuy nhiên, để tranh thủ được những cơ hội trên, các địa phương cần tăng tốc phủ hai mũi vaccine cho toàn bộ nhân lực liên quan đến hoạt động hàng hải để giữ chắc vùng an toàn tại mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics.

Ngoài ra, ông Giang cũng cho rằng, khi sẵn nguồn vaccine, chúng ta cần có kế hoạch tiêm cho cả thuyền viên nước ngoài khi đến cảng Việt Nam giống Singapore và một số nước để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến an toàn và là quốc gia tạo thuận lợi cho vận tải biển, từ đó thu hút các chuỗi cung ứng, tuyến dịch vụ đến Việt Nam, giúp cảng biển hưởng lợi và phục hồi nhanh sau dịch...

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang