Hành động mạnh mẽ làm giảm ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển

08:51 26-09-2021

VBĐVN.vn - Dự án hỗ trợ kỹ thuật khu vực “Thúc đẩy hành động về ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển ở Châu Á và Thái Bình Dương” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 1867/TTg-QHQT ngày 31 tháng 12 năm 2020. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có những cam kết chính trị mạnh mẽ và triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong quản lý giảm thiểu rác thải nhựa và trong đó có rác thải nhựa đại dương.

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế để triển khai sáng kiến này. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 cần thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.

Tại kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu GEF diễn ra vào tháng 6-2018 tại Đà Nẵng, Việt Nam đã tiếp tục đề xuất sáng kiến thiết lập mối quan hệ đối tác khu vực các quốc gia biển Đông Á để quản lý rác thải nhựa đại dương và hiện nay đang tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản tổ chức vào tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất cần phải thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển, đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển vì các đại dương xanh.

Vấn đề ô nhiễm nhựa biển đòi hỏi phải giải quyết tổng thể hiệu quả, bao gồm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và đặc biệt xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Những thay đổi này đòi hỏi phải lập kế hoạch thực hiện, tiến hành cải cách chính sách, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ, có kiến thức và cơ sở tài chính. Dự án hỗ trợ kỹ thuật này tập trung vào các nước đang phát triển ở Đông Nam Á, gồm Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Phạm vi dự kiến thực hiện Dự án tại Việt Nam: 1) Tại trung ương là Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường. 2) Địa phương gồm các Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Long An, Bến Tre và Phú Yên.

Theo văn kiện dự án, các kết quả dự kiến đạt được sẽ đảm bảo mục tiêu đề ra:

Kết quả 1: Dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ hỗ trợ xây dựng các kế hoạch hành động và chính sách để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa biển ở các cấp quốc gia, tỉnh và thành phố như phổ biến các thông tin, văn bản, chính sách của nhà nước, chuẩn bị các đầu vào quan trọng và hỗ trợ các quy trình lập kế hoạch từ biển đến nhiều bên liên quan. Nội dung này sẽ dựa trên nhu cầu của mỗi quốc gia, phối hợp với các cơ quan đối tác và phối hợp với các chương trình của ADB, như các chương trình hợp tác tiểu vùng và thành phố đáng sống.

Kết quả 2: Hỗ trợ đầu tư giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Dự án hỗ trợ kỹ thuật sẽ hỗ trợ dưới nhiều hình thức theo yêu cầu để giúp xác định, chuẩn bị và thúc đẩy thực hiện hành động của chính phủ và khu vực tư nhân để giảm ô nhiễm nhựa biển.

Kết quả 3: Chia sẻ kiến thức, hợp tác khu vực và tài chính cho các giải pháp ô nhiễm nhựa biển được cải thiện. Kết quả này tập trung vào việc hỗ trợ các hoạt động của khu vực, bao gồm các hành động ưu tiên trong các kế hoạch khu vực.

Văn kiện dự án đã được Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xây dựng, hoàn thiện theo ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, thực hiện từ năm 2021 theo kế hoạch đề ra.

Dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), với mục tiêu nhằm tăng cường hành động của các nước đang phát triển để giải quyết ô nhiễm nhựa biển, phục hồi sức khỏe của sông, bờ biển và hệ sinh thái biển.

Theo vasi.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang