Hợp tác khai thác tài nguyên Biển Đông của Việt Nam

18:49 03-11-2021

VBĐVN.vn - Hợp tác khai thác tài nguyên Biển Đông của Việt Nam góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới để từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, giúp phát huy nguồn lực kinh tế biển để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các turbin điện được xây dựng ngoài bãi biển Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Tài nguyên Biển Đông

Biển có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và an ninh của các nước nói riêng và thế giới nói chung. Một số nước và vùng lãnh thổ đã tận dụng tài nguyên biển làm thế mạnh để phát triển kinh tế đất nước rất hiệu quả. Các nước có biển đều vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và bảo vệ biển. Vùng biển Việt Nam chiếm phần lớn diện tích Biển Đông, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với diện tích khoảng 1 triệu km2. Đảng và Nhà nước ta khẳng định, biển có ý nghĩa to lớn để đất nước phát triển, mở cửa giao thương với quốc tế và ngày càng có vai trò rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh trong tương lai.

Tài nguyên Biển Đông bao gồm: Dầu khí: đến nay đánh giá tiềm năng dầu khí ở Biển Đông hầu như chưa có kết quả chính xác nhưng hiện nay, phần lớn dầu khí ở Biển Đông vẫn chưa được khai thác, trữ lượng còn rất lớn và được các nước trên thế giới đánh giá cao. Thủy sản: trữ lượng hải sản trên lãnh hải Việt Nam năm 2020 khoảng 8,4 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng trên 2,5 – 3 triệu tấn/năm1. Năng lượng: tiềm năng khai thác tài nguyên năng lượng trên Biển Đông là rất lớn, như: điện sóng, điện gió, điện mặt trời…

Hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế về khai thác tài nguyên trên biển Đông

Với vai trò là một tuyến đường giao thông thương mại quan trọng, các quốc gia có lãnh hải thuộc hoặc tiếp giáp Biển Đông có thể khiến khu vực này trở thành một điểm nóng phát sinh các căng thẳng không thể kiềm chế, xuất phát từ việc các bên có lợi ích trong khu vực cương quyết khẳng định chủ quyền và cố hiện thực hóa tuyên bố của mình bằng mọi giá. Thúc đẩy hợp tác khai thác tài nguyên Biển Đông của Việt Nam chính là một biện pháp giúp giảm bớt căng thẳng đang gia tăng một cách đáng chú ý với các quốc gia có yêu sách chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ những lợi ích của mình ở biển Đông, với các quốc gia có lợi ích gián tiếp từ Biển Đông.

Một số giải pháp nhằm tăng cường hợp tác khai thác tài nguyên Biển Đông của Việt Nam và các nước

Một là, học hỏi kinh nghiệm hợp tác về đánh bắt cá trên các vùng biển chồng lấn, đang tranh chấp giữa các quốc gia trên Biển Đông từ kinh nghiệm “vùng trắng” giữa Liên Xô và Thụy Điển tại vùng biển Baltic; thỏa thuận “vùng xám” giữa Liên Xô và Na Uy tại vùng biển Barents và thỏa thuận “vùng xám nhạt” về hợp tác nghề cá giữa Ca-na-đa và Hoa Kỳ tại vịnh Maine. Việc thiết lập “vùng xám” trên vùng biển còn tranh chấp, chưa được phân định giữa hai nước là một cách giải quyết khả quan cho các nước có cùng lợi ích khai thác tài nguyên và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hướng tới khai thác hiệu quả và bảo tồn, quản lý nguồn tài nguyên trên Biển Đông bền vững.

Hai là, hợp tác khai thác tài nguyên trên vùng biển chồng lấn tùy thuộc vào sự cân bằng giữa yêu cầu về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo pháp luật quốc tế và nhiệm vụ quản lý nguồn tài nguyên biển. Xem xét việc phân định trên biển thông qua phán quyết của một bên thứ ba trung lập (Tòa Công lý quốc tế – ICJ), lấy đó làm cơ sở cho hoạt động hợp tác sẽ đương nhiên trở nên dễ dàng hơn.

Ba là, trong hợp tác khai thác tài nguyên trên Biển Đông, cần thực hiện nhận thức chung của các quốc gia với tinh thần duy trì có hiệu quả hòa bình, ổn định Biển Đông, nỗ lực nâng cao ý nguyện hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ môi trường biển của Biển Đông; đối với các lĩnh vực ít nhạy cảm thì tiếp tục xây dựng cơ sở hợp tác, gia tăng sự tin cậy chính trị.

Bốn là, ngoài hợp tác khai thác tài nguyên còn cần song hành với nhiệm vụ hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên, như: phòng chống ô nhiễm rác thải, bảo hộ môi trường sinh thái. Xây dựng phương án cụ thể cho các vấn đề ô nhiễm môi trường cụ thể, tiêu chuẩn và trình tự; tăng cường tính hiệu quả của việc quản lý và cuối cùng là hình thành một quan hệ đối tác hợp tác cùng gánh rủi ro và cùng hưởng lợi ích. Xâu chuỗi liên thông vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường trên đất liền và trên biển.

Năm là, xây dựng một cơ chế hợp tác có tính ràng buộc cộng đồng chung lợi ích đối với môi trường Biển Đông (Việt Nam, Trung Quốc, ASEAN…). Xây dựng cơ chế bảo hộ hợp tác khai thác tài nguyên trên Biển Đông; các bên cùng thiết lập một tổ chức quản lý đối với tài nguyên biển, bảo vệ san hô, chống ô nhiễm rác thải nhựa…

Sáu là, sử dụng có hiệu quả các kênh vốn, xây dựng các quỹ bảo đảm hoạt động của nguồn vốn hợp tác lâu dài với các đối tác.

Bảy là, tăng cường giao lưu, mở rộng các kênh hợp tác giữa các nước ASEAN. Khai thác, giao lưu học thuật và hợp tác nghiên cứu, thông qua các tổ chức phi chính phủ có thể triển khai đối thoại, tìm kiếm con đường giải quyết hợp tác chung.

Tám là, đánh giá đúng giá trị, sản lượng các loại tài nguyên Biển Đông, từ đó, có chiến lược hợp tác đúng đắn, phù hợp với yêu cầu chính trị, kinh tế, hạn chế những xung đột giữa các bên có cùng mối quan tâm lợi ích trên Biển Đông.

Chín là, thực hiện tốt các chương trình hợp tác quốc tế. Chương trình hành động khu vực chống ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động có liên quan tới đất liền và kế hoạch hành động khu vực về rác thải trên biển (thuộc khuôn khổ COBSEA – Cơ quan điều phối biển Đông Á), Tuyên bố Ma-ni-la về đẩy mạnh thực hiện quản lý tổng hợp đới bờ cho phát triển bền vững và thích nghi với biến đổi khí hậu trong các vùng Biển Đông.

ThS. Phạm Quốc Vinh
Học viện Hành chính Quốc gia

Theo quanlynhanuoc.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang