Kết nối văn hóa đọc: Đào sâu một hướng nghiên cứu văn hóa biển, đảo Việt Nam

07:52 31-01-2024

VBĐVN.vn - Nhân học biển là xu hướng tập trung nghiên cứu chuyên sâu về các hoạt động của con người ở không gian biển. Từ hướng nghiên cứu này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và các cộng sự đã hoàn thành cuốn sách “Biển đảo Việt Nam-Từ góc nhìn nhân học” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2022). Công trình này đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng thưởng giải Ba A năm 2022.

Bìa cuốn sách.

Với dung lượng 483 trang, ngoài lời nói đầu, lời tựa, kết luận, nội dung chính của cuốn sách gồm 6 chương: “Nhân học biển-Những mối quan tâm và các khuynh hướng”; “Thuyền, bè”; “Ngư cụ và kỹ thuật đánh bắt”; “Muối và cá”; “Tri thức dân gian”; “Đời sống tín ngưỡng của ngư dân”.

Mở đầu cuốn sách, các tác giả cung cấp cho người đọc những kiến thức chung nhất mang tính lý thuyết về nhân học biển. Trong đó, tóm lược về các quan niệm, quá trình phát triển và hiện trạng nhân học biển trên thế giới và ở Việt Nam. Các chương tiếp sau là những chuyên đề chuyên sâu về nhân học biển, đảo.

Người đọc cũng dễ dàng nhận thấy cách tiếp cận để viết cuốn sách của các tác giả tuân thủ nguyên tắc diện và điểm. Ví dụ đi từ biển thế giới đến biển Việt Nam, đi từ nhân học biển thế giới đến nhân học biển Việt Nam. Về thuyền bè chẳng hạn, người viết đã đi từ tổng quan về bức tranh thuyền bè rất đa dạng trên toàn bộ vùng biển Việt Nam đến 3 loại hình truyền thống đặc trưng ở 3 khu vực: Thuyền ba vách ở biển Bắc Bộ, bè tre ở biển Bắc Trung Bộ và ghe bầu ở biển Nam Trung Bộ...

Cũng về mặt phương pháp, các tác giả đã áp dụng rất thành công “thuật loại trừ”. Ví như ở chương “Đời sống tín ngưỡng của ngư dân”, ở phần tổng quan đầu chương, người viết điểm lược bức khảm tín ngưỡng hết sức đa dạng đã và đang được thực hành trong ngư dân, so sánh chúng với các tín ngưỡng của cư dân trong nội đồng để loại trừ (những tín ngưỡng giống nhau) và chỉ còn giữ lại 3 loại hình tín ngưỡng đậm đặc tính biển, đảo để giới thiệu chi tiết, đó là: Tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu, tục thờ cúng âm hồn và tín ngưỡng thờ Cá Ông. Phương pháp loại trừ này cho phép người viết không bỏ qua bất kỳ một loại tín ngưỡng nào mà vẫn làm nổi bật được những tín ngưỡng đặc trưng ở biển, đảo.

Phương châm của tác giả khi viết về văn hóa biển, đảo luôn từ góc nhìn nhân học, ví dụ về nước mắm, người viết đã đặt nội dung này trong chương “Tri thức dân gian”, không kể lể mà nhấn mạnh cách làm nước mắm thuộc loại hình văn hóa chế biến thức ăn không qua lửa (mà bằng cách để lên men)-một tập quán phổ biến trong khu vực Đông Nam Á nhiệt đới gió mùa (ví dụ người Campuchia làm mắm Prahok, người Lào làm mắm Pá đẹk) đã làm nổi bật tính tương đồng và tính khác biệt về văn hóa của các khu vực khác nhau. Cũng cần phải nói, trong toàn bộ cuốn sách người viết luôn nêu, luận giải ý tưởng trước, sau đó lựa chọn các dẫn liệu rất phong phú để nâng ý tưởng lên. Có thể nói đây là cách viết khắc phục được tình trạng liệt kê các tư liệu một cách tràn lan.

Trong phạm vi một bài viết ngắn, chẳng thể giới thiệu hết được cả về ý tưởng, dẫn liệu lẫn cách tiếp cận và các phương pháp để có được một cuốn sách dày dặn. Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng đây là một cuốn sách khá hấp dẫn, ngoài các vấn đề học thuật còn rất hữu ích và có ý nghĩa về nhiều mặt khác.

Nguyễn Viên

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang