Phát triển kinh tế biển bền vững ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Khai thác hải sản an toàn kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo

18:10 10-05-2023

VBĐVN.vn - Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có bờ biển dài hơn 305km cùng thềm lục địa rộng hơn 100.000km2; có 5/8 huyện, thành phố giáp biển. Đây cũng là địa phương có lợi thế phát triển kinh tế biển, trong đó có nghề khai thác, chế biến hải sản. Hiện tại, toàn tỉnh có 4.671 tàu cá thường xuyên hoạt động. Để các tàu này khai thác hải sản an toàn, bền vững kết hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Vì một nghề cá an toàn, bền vững

Ông Võ Duy Tiến, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, là chủ của nhiều tàu đánh bắt xa bờ nghề lưới kéo đôi. Mỗi khi các tàu xuất bến, ông Tiến đều căn dặn kỹ lưỡng các thuyền trưởng phải tuân thủ pháp luật, treo cờ Tổ quốc, mở thiết bị giám sát hành trình và tuyệt đối không sử dụng chất nổ, xung điện, ngư cụ cấm để khai thác hải sản. Ông Võ Duy Tiến tâm sự: “Biển nuôi sống ngư dân, khai thác tận diệt hải sản và hủy hoại môi trường chính là hất đổ nồi cơm của mình. Cho nên, mỗi ngư dân phải có trách nhiệm với biển, với nguồn lợi thiên nhiên để nghề cá tồn tại và phát triển bền vững”.

Đánh bắt hải sản có trách nhiệm vì một nghề cá an toàn, bền vững là một trong những mục tiêu mà tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định trong Đề án "Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia giai đoạn năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghề này cũng là thế mạnh trong chiến lược làm giàu từ biển của tỉnh. Bởi vậy, UBND tỉnh và các ngành chức năng tập trung triển khai đồng bộ hệ thống giải pháp vì một nghề cá bền vững, thân thiện với môi trường. Bà Phạm Thị Na, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Chúng tôi kiên quyết xử lý những trường hợp ngư dân đóng mới tàu giã cào khai thác hải sản ven bờ theo kiểu tận diệt; vận động ngư dân tăng cường nuôi trồng để tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản và cấm khai thác hải sản trong mùa sinh trưởng... Đi cùng với các biện pháp này, Sở cũng tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân; giảm đánh bắt ở vùng ven, tập trung đánh bắt xa bờ ở vùng khơi, vùng lộng, đánh bắt có chọn lọc”.

Theo thống kê, tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh hiện nay đã giảm 20% so với năm 2020, chỉ còn 4.671 tàu. Số lượng giảm chủ yếu là tàu khai thác gần bờ, hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Điều này đồng nghĩa với số lượng lao động cũng giảm tương ứng, buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp. Các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng phương án hỗ trợ ngư dân chuyển sang nuôi cá lồng bè, chế biến hải sản; chuyển đổi tàu lưới kéo có chiều dài dưới 6m sang hoạt động lĩnh vực du lịch, trải nghiệm câu cá giải trí; tàu lưới kéo có chiều dài từ 6m đến dưới 12m sang nghề lưới rê đáy và tàu lưới kéo có chiều dài từ 15m trở lên sang nghề câu, nghề lồng bẫy... Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thành lập tổ nghề cá tự quản, đôi bạn đi biển, đặc biệt là hơn 350 tổ, đội đoàn kết... để giám sát và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình vươn khơi.

Theo ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chuyển đổi nghề, giảm thiểu tiến tới chấm dứt khai thác hải sản tận diệt, hủy hoại môi trường là cả một quá trình cần có thời gian, nhưng vì mục tiêu lâu dài nhất định phải thực hiện để khai thác hải sản an toàn, bền vững. Do vậy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động kiểm soát chặt chẽ số lượng, kích cỡ tàu, thuyền, kích cỡ mắt lưới, phương tiện, thời gian đánh bắt, tránh khai thác mùa sinh sản; đồng thời tích cực tuyên truyền cho bà con ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi và hỗ trợ ngư dân tìm kiếm thêm việc làm để không phụ thuộc quá nhiều vào nghề đánh bắt hải sản. Các biện pháp này nhằm hướng tới mục tiêu vì một nghề cá an toàn, bền vững.

Để mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền

Hơn 15 năm mưu sinh trên biển, nhiều lần rong ruổi qua những điểm đảo chưa có người ở, chưa có tên, ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ, ngụ tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, từng vài lần phát hiện cờ lạ của nước ngoài cắm trên gò nổi thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những lúc đó, ông liên lạc ngay về đất liền báo cáo tình hình, rồi cho tàu cơ động lại gần, lên gò nổi nhổ chiếc cờ lạ vứt xuống biển. Cũng trong những lần vươn khơi đánh bắt xa bờ, ông Nhỏ đã cung cấp nhiều thông tin cho Bộ đội Hải quân về trường hợp tàu nước ngoài có biểu hiện bất thường ở khu vực giáp ranh... Tại Chương trình “Cà phê sáng cùng ngư dân” do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng Phước Tỉnh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Nhỏ tâm sự: “Được bộ đội và đoàn thể địa phương tuyên truyền nâng cao trách nhiệm bám biển, bảo vệ chủ quyền nên trong quá trình vươn khơi đánh bắt hải sản, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc vai trò của mình, thực sự là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển”.

Không chỉ ông Nhỏ mà nhiều ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thể hiện rõ trách nhiệm công dân với Tổ quốc, kịp thời thông báo tình hình an ninh trên biển cho lực lượng chức năng; bảo ban nhau treo cờ Tổ quốc trong suốt hải trình, đánh bắt hải sản đúng pháp luật, tránh mọi hiềm khích không đáng có.

Đại diện Vùng 2 Hải quân tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho ngư dân huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo Đại tá Lê Xuân Bình, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là địa bàn chiến lược của Quân khu 7 từ hướng biển, những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với quốc phòng, an ninh, củng cố vững chắc khu vực phòng thủ. Với chủ trương đó, LLVT tỉnh tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Vùng 2 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 3, Chi đội Kiểm ngư số 2 và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các chương trình: “Ăn sáng cùng ngư dân”, “Cà phê sáng cùng ngư dân”, “Đồng hành với ngư dân”, “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”... Các chương trình này nhằm kịp thời quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ngư dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Điểm nhấn trong các chương trình này là ngoài việc tặng quà, tặng cờ Tổ quốc, đại diện đơn vị LLVT đóng quân trên địa bàn còn tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn ngư dân đi biển an toàn; thống nhất các biện pháp phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến chủ quyền biển, đảo cho lực lượng chức năng... Theo thống kê, trong quý I-2023, đã có 191 thông tin liên quan đến tình trạng vi phạm an ninh chủ quyền trên biển, hoạt động của tàu lạ... do ngư dân cung cấp cho lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp nhận, xử lý, trong đó nhiều tin có giá trị. Đồng chí Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh: "Khai thác hải sản an toàn phải gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng LLVT vững mạnh. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chăm lo phát triển kinh tế biển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh và bảo vệ vững chắc biển, đảo theo tinh thần “mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

CHÂU GIANG (qdnd.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang