Không gian lịch sử về biển đảo độc đáo tại Đà Nẵng
Sau gần 2 năm hoạt động, Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) thực sự là một điểm đến có ý nghĩa đối với những ai quan tâm, tìm hiểu lịch sử về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung bình từ 2.600 lượt khách mỗi tháng
Hơn 8 giờ sáng, theo chân đoàn du khách từ TP.Hồ Chí Minh đến thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa (tọa lạc trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Đà Nẵng), chúng tôi được anh Nguyễn Văn Quân (một thành viên trong đoàn) cho biết, anh và các bạn tham quan các tỉnh duyên hải miền Trung từ 3 ngày qua. Hôm nay khi đoàn vào thăm Nhà trưng bày Hoàng Sa, được tận mắt thấy và nghe giới thiệu về các tư liệu, hiện vật gốc về Hoàng Sa, Trường Sa đã giúp các thành viên trong đoàn hiểu hơn về lịch sử quản lý, thực thi chủ quyền biển đảo của cha ông trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
TS Lê Tiến Công- Phó Giám đốc Phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa cho biết: Lượng khách đến tham quan, tìm hiểu tại đây khá đông và đa dạng, nhưng đông nhất vẫn là các em học sinh đến từ các trường ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh lân cận. "Thống kê cho thấy, trung bình có từ 2.600 lượt khách/tháng đến tham quan, tìm hiểu. Tổng lượng khách ghé thăm từ khi Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập (3/2018) đến nay có khoảng 45.000 lượt với gần 600 đoàn".
Theo TS Lê Tiến Công, hàng ngày rất đông người dân, cán bộ, công chức từ các cơ quan, đơn vị, hội đoàn của TP và trong cả nước cũng đến tham quan, tìm hiểu. Các đoàn công tác từ các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước khi đến làm việc tại Đà Nẵng cũng được TP bố trí đến tham quan. Riêng trong các tháng đầu năm có nhiều đoàn từ Bộ Nội vụ, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Hội sử học … Với đối tượng khách này, hầu hết đều xuất phát từ yêu cầu nghiên cứu nên qua các giới thiệu của chúng tôi, họ còn hỗ trợ, cung cấp thêm nhiều thông tin, tư liệu có liên quan.
TS Lê Tiến Công thông tin thêm: Khi đến tham quan, tìm hiểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu rất quan tâm, đánh giá cao mô hình và hệ thống hiện vật trưng bày, giới thiệu tại đây; đồng thời nhiều người cũng đã có những góp ý để Nhà trưng bày tiếp tục cải tiến, tổ chức sắp xếp, trưng bày và giới thiệu các tư liệu, hiện vật thật sự phong phú, khoa học và chất lượng hơn.
"Đây thực sự là sự tương tác hai chiều rất thiết thực, có giá trị mà khách tham quan cũng như đội ngũ cán bộ làm việc tại đây rất cần”- TS Lê Tiến Công chia sẻ.
Vì thế, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã trở thành một địa chỉ du lịch, tham quan lịch sử tại Đà Nẵng thời gian qua.
Tiếp tục mở rộng không gian giới thiệu về Hoàng Sa
Với ý tưởng ban đầu khi xây dựng, đưa Nhà trưng bày Hoàng Sa đi vào hoạt động là để quảng bá, giới thiệu tư liệu về Hoàng Sa, xem đây như một nhà truyền thống. Tuy nhiên, theo thời gian hoạt động, hiệu quả mang lại rất nhiều mặt, nhất là trong giáo dục truyền thống và tạo ra điểm tham quan để giới thiệu về lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa, về biển đảo Việt Nam và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta…Đến nay lãnh đạo TP Đà Nẵng và các ngành chức năng có liên quan nhận thấy cần phải tiếp tục bổ sung, mở rộng và hoàn thiện công năng của Nhà trưng bày. “Hướng ưu tiên và chủ yếu là chủ động bố trí không gian và sắp xếp tư liệu, hiện vật khoa học, hợp lý hơn, tránh trưng bày dàn trải mà tập trung theo các chủ đề…; đồng thời mở rộng một số vị trí có điều kiện để có thêm không gian trưng bày, giới thiệu đến khách tham quan, kể cả không gian dành cho đối tượng khách là trẻ em để giúp các em trải nghiệm, hiểu sâu sắc và ấn tượng hơn về lịch sử Hoàng Sa. Chủ trương này đã được UBND thành phố thông qua và dự kiến trong năm 2020 sẽ tiến hành”- TS Lê Tiến Công nói.
Theo số liệu do Ban Quản lý Nhà trưng bày Hoàng Sa cung cấp, tổng diện tích mặt sàn của Nhà trưng bày là 1.500m2 và diện tích xây dựng là 2.000m2 với 3 tầng. Trong đó khu vực trưng bày chiếm hơn 1.500m2. Tổng số hiện vật đang được trưng bày tại đây khoảng hơn 300 đơn vị hiện vật. Ngoài ra, ở đây còn có một lượng lớn hiện vật khác đang được lưu giữ tại kho, cần biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục sắp xếp, đưa ra trưng bày, giới thiệu.
Với hơn 300 đơn vị hiện vật đang được trưng bày, giới thiệu, đây là những hiện vật được lựa chọn, tiêu biểu cho từng giai đoạn và có tính tượng trưng, vừa có thông tin, vừa đẹp về hình thức, hài hòa giữa tài liệu bản đồ, tài liệu giấy và tài liệu hình ảnh để trưng bày.
Ngoài các hiện vật, tư liệu giới thiệu tổng quan về Hoàng Sa qua các thời kỳ, không gian trưng bày, giới thiệu tại đây được được bố trí thành 05 chủ đề theo tuyến lịch sử để thấy được sự quản lý liên tục của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa gồm: Tư liệu và bản đồ Hoàng Sa trước thời Nguyễn; tư liệu và bản đồ Hoàng Sa trong thời Nguyễn; tư liệu và bản đồ Hoàng Sa dưới thời Pháp thuộc; Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hòa; Hoàng Sa từ sau năm 1975 tới nay.
Nói về những hỗ trợ, tiếp nhận tư liệu phục vụ việc trưng bày, giới thiệu tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, TS Lê Tiến Công cho hay: “Đây là việc làm thường xuyên. Từ nhiều năm qua UBND huyện đảo Hoàng Sa đã kêu gọi và tiếp nhận các hiện vật, tư liệu của các tổ chức, cá nhân là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, người sưu tầm trong và ngoài nước có sở hữu các tài liệu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa cũng như nhiều bằng chứng pháp lý khác khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và tự nguyện trao lại để Đà Nẵng đưa vào trưng bày, giới thiệu tại đây”.
Được biết, từ khi Nhà trưng bày Hoàng Sa đi vào hoạt động, ở góc độ quản lý Nhà nước, một số trung tâm có tính chuyên ngành, đặc biệt như: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 4… đã trao tặng lại hoặc phối hợp phục chế từ nguyên bản những tài liệu gốc có liên quan mà các đơn vị này lưu giữ để giao cho Nhà trưng bày Hoàng Sa bổ sung vào hệ thống tư liệu, hiện vật nhằm giới thiệu rộng rãi đến công chúng và du khách trong nước, quốc tế.
Nhiều nhà khoa học quốc tế khi đến đây cũng đã tạo sự kết nối, giúp chúng ta tiếp cận được nhiều nguồn tư liệu quý đang được lưu trữ ở nước ngoài. Nhiều người đã trao tặng lại các công trình nghiên cứu của họ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa để trưng bày, giới thiệu tại đây…
Đặc biệt, từ khi đưa chiếc tàu cá ĐNa 90152 - con tàu bị tàu Trung Quốc đâm chìm vào chiều 26/5/2014 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Trước đó, UBND TP xác định, mục đích đưa con tàu này vào trưng bày ở đây là tạo thêm điểm nhấn bên cạnh hệ thống các tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, thì con tàu này chính là nguồn tư liệu đặc biệt, có giá trị để minh chứng, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ngay trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam./.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận