Kiên Giang hướng đến vai trò cầu nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhờ kinh tế biển

18:17 04-09-2021

VBĐVN.vn - Với vị trí và điều kiện tự nhiên đặc biệt, Kiên Giang đang hướng đến vai trò cầu nối của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong hội nhập kinh tế và hợp tác khu vực.

Vùng biển Kiên Giang rộng lớn với diện tích khoảng 63.290 km2, bờ biển dài khoảng 200km với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc. Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, Kiên Giang còn có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Kiên Giang hướng đến vai trò cầu nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhờ kinh tế biển. (Nguồn: VGP News)

Tạo thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển

Vùng biển Kiên Giang được xác định là ngư trường giàu tiềm năng của cả nước, có lợi thế hơn hẳn so với các tỉnh, thành khác trong khu vực để phát triển kinh tế biển. Kiên Giang đã được Chính phủ xác định là một trong 4 tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 492/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hơn 10 năm qua kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang đã có bước phát triển khá toàn diện, đến nay, cơ cấu giá trị các ngành kinh tế biển chiếm 73,82% GRDP toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, Kiên Giang đã và đang phát triển dự án đánh bắt xa bờ để tăng sản lượng khai thác mà vẫn bảo vệ được môi trường và nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tính đến hết quí II/2021 toàn tỉnh có tổng số 9.890 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, với tổng công suất tương đương 2.820.242 CV, trong đó tàu khai thác hải sản xa bờ là 3.987 tàu, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Tổng sản lượng khai thác bình quân hàng năm là 500.000 tấn.

Bên cạnh khai thác hải sản trên vùng biển rộng lớn, tỉnh cũng quy hoạch, xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp, đồng thời tiến hành điều tra cơ cấu tàu thuyền, xây dựng các chính sách chuyển đổi nghề, điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác, thực hiện nhiều đề án phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững. Sản lượng tôm nuôi năm 2021 ước đạt hơn 105.000 tấn, (trong đó sản lượng tôm công nghiệp-bán công nghiệp đạt gần 40.000 tấn), tập trung chủ yếu tại các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

Một nhà máy chế biến thủy sản tại Kiên Giang. (Ảnh: Nguyễn Hữu Định)

Hệ thống cảng biển cũng được quan tâm quy hoạch hoàn chỉnh, phát huy hiệu quả. Tỉnh đã tập trung khai thác các cảng bến khu vực Phú Quốc, Hòn Chông và cảng nước sâu Nam Du nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phát triển đội tàu, đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Dịch vụ vận tải biển ngày càng được đổi mới, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, chất lượng ngày càng tốt hơn. Một số công trình giao thông trọng điểm quy mô lớn, mang tính đột phá đã và đang được triển khai xây dựng như: đường Hồ Chí Minh (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), đường đê biển đoạn qua thành phố Rạch Giá, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc…

Các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển cũng được tỉnh xây dựng, dần hoàn thiện. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập 3/5 khu công nghiệp gồm Thạnh Lộc, Thuận Yên và Xẻo Rô; đã có 2/5 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉnh tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Nhiều dự án mới với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đang được triển khai thực hiện trong các khu công nghiệp.

Tỉnh cũng tập trung thực hiện việc lập, điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị ven biển và các vùng phụ cận. Trong đó, trọng tâm chú ý gắn kết thông minh theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh gắn với phát triển du lịch bền vững. Đến năm 2030, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đưa kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh. Thu hút khách du lịch tăng 30-50% so với năm 2020, xuất khẩu thủy sản tăng bình quân 10%/năm giai đoạn 2021-2030. Tầm nhìn phấn đấu đến năm 2045, Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn và kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước.

Lợi thế du lịch biển, đảo

Kiên Giang nằm trong vịnh Thái Lan và có khoảng cách rất gần với các nước ASEAN, rất thuận lợi để mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực. Là tỉnh duy nhất có 2 sân bay: sân bay nội địa Rạch Giá và sân bay Quốc tế Phú Quốc, có cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và cửa khẩu Quốc gia Giang Thành, giáp với Campuchia.

Bãi tắm Hòn Sơn. (Ảnh: Nguyễn Hữu Định)

Kiên Giang là tỉnh có nhiều tài nguyên tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển, đảo,du lịch văn hóa địa phương, du lịch sinh thái chất lượng cao Phú Quốc. UBND tỉnh Kiên Giang đã công nhận 3 Khu du lịch địa phương: Khu du lịch quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Khu du lịch Lại Sơn (Kiên Hải), Khu du lịch Quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), đều là những Khu du lịch biển đảo. Những năm qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh quan tâm khai thác, nhiều khu du lịch được tổ chức quy hoạch, nhiều dự án du lịch được đầu tư mới. Bên cạnh một số khu vui chơi giải trí hấp dẫn hiện có, nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao đã được đưa vào khai thác như Vinpearl, JW. Mariott, Sol Beach, Mường Thanh, Intercon, Novotel… với khoảng hơn 5.000 phòng, nâng tổng số phòng lưu trú ở Kiên Giang lên 28.000 phòng.

"Thành phố không ngủ" Vin Wonders Phú Quốc. (Nguồn: Báo Người Lao động)

Đặc biệt, hiện nay Phú Quốc đang triển khai xây dựng cảng biển quốc tế đủ khả năng đón các tàu khách quốc tế có sức chứa 5.000 – 6.000 khách. Nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật quan trọng về đường giao thông, hàng không, điện ở Phú Quốc đã hoàn thành; dịch vụ hàng không tiếp tục mở rộng kết nối với nhiều địa phương trong nước và quốc tế; giao thông đường biển cũng được đầu tư rất tốt, tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại của nhân dân và các nhà đầu tư.

Đưa hình ảnh Kiên Giang ra thế giới

Hoạt động hợp tác, đối ngoại của Kiên Giang trong lĩnh vực du lịch thời gian qua diễn ra sôi động. Đặc biệt, tháng 12-2018, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức chuyến công tác xúc tiến quảng bá du lịch-thương mại tại thị trường Ấn Độ do Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu. Trong chuyến công tác, UBND tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Chương trình quảng bá du lịch giới thiệu về huyện đảo Phú Quốc – “Thiên đường đảo Ngọc của Việt Nam”.

Hang Sơn Trà. (Ảnh: Kiên Lương)

Từ kết quả chuyến công tác, Phú Quốc đã được chọn làm nơi tổ chức “Chương trình đám cưới du lịch” của người dân và doanh nhân các nước trên thế giới. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về du lịch thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư, hợp tác phát triển du lịch tại tỉnh. Lượt khách quốc tế đến Kiên Giang tăng nhanh trong các năm qua.

Tỉnh tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, giới thiệu nét đẹp văn hóa, con người và hình ảnh Kiên Giang đến bạn bè trong và ngoài nước; mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường mở rộng tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế và cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ kinh tế biển, Kiên Giang đang dần khẳng định là cầu nối của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong hội nhập kinh tế và hợp tác khu vực.

Theo baoquocte.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang