Kiến tạo tự do biển cả
VBĐVN.vn - Ngày 10-12-2022, thế giới kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) được mở ký tại Montego Bay (Jamaica), là văn bản luật cơ bản nhất thay thế cho các quy phạm của Luật Biển tồn tại dưới dạng tập quán quốc tế.
UNCLOS 1982 được mở ký và có hiệu lực từ ngày 16-11-1994 là một hệ thống các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới; thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Giữa các quốc gia nếu xảy ra tranh chấp thì có thể viện dẫn để giải quyết trên cơ sở pháp lý.
Theo các chuyên gia về biển và đại dương, với vai trò là văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, Công ước không chỉ nhằm giải quyết tranh chấp, mà còn kiến tạo cơ chế hợp tác công bằng và hòa bình trong việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, vì sự phát triển bền vững.
Đến thời điểm này, đã có 168 quốc gia, vùng lãnh thổ và thể chế tham gia UNCLOS 1982. Trong bối cảnh các vấn đề về biển cũng như đại dương đối diện nhiều thách thức mới, UNCLOS 1982 được coi là “Hiến pháp của biển và đại dương”, đã và đang là cơ sở pháp lý quan trọng nhất trong việc đấu tranh và hợp tác, dựa trên hai nguyên tắc cơ bản là tự do biển cả và chủ quyền các quốc gia trên biển. Thực tế, UNCLOS đã giúp giải quyết tranh chấp được khoảng gần 1/2 trong tổng số 500 vùng biển chồng lấn.
Là một trong các nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn UNCLOS 1982, Việt Nam cũng phê chuẩn một số công ước biển chuyên ngành về hàng hải quốc tế; cứu hộ trên biển, mớn nước, phòng chống ô nhiễm biển… Qua đó, chúng ta được hưởng đầy đủ các quyền trong vùng biển từ 200 hải lý trở vào, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; cũng như được hưởng quy định, quy chế về quyền khai thác tài nguyên.
Với UNCLOS, Việt Nam không chỉ theo đuổi quyền lịch sử, mà còn theo đuổi cả quyền pháp lý, đề nghị các quốc gia liên quan tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Đặc biệt, khi đề cập đến các tranh chấp khu vực Biển Đông trên các diễn đàn quốc tế, chúng ta kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo.
Những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, trong đó có Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20-7-2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Chúng ta tuyên bố dứt khoát rằng, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thực tế đó cho thấy chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc một quốc gia nào đó ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với một số thực thể trên Biển Đông, tiến hành bồi đắp đảo, gia tăng các hoạt động quân sự, rõ ràng là hành vi bất chấp luật pháp quốc tế, cần phải lên án, ngăn chặn.
Kỷ niệm 40 năm ra đời UNCLOS 1982 cũng là dịp nước ta kỷ niệm 10 năm ban hành Luật Biển Việt Nam - Bộ luật được xây dựng trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế; hướng tới thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vận dụng UNCLOS 1982 để đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, chúng ta kiên trì, kiên quyết bảo vệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Đây còn là nền tảng để Việt Nam cùng các quốc gia trên thế giới hướng đến những cơ chế hợp tác, phát triển, mang lại thịnh vượng chung. Đồng thời chung tay bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nhân loại trước những hệ lụy nguy hại của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận