Kinh nghiệm quốc tế về quản lý biển, hải đảo
Kinh nghiệm của các quốc gia có biển trên thế giới cho thấy, thời gian gần đây, các quốc gia tập trung cho việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia để thực hiện quản lý tổng hợp biển, theo xu thế hướng ra biển, trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế biển, tăng cường nghiên cứu khoa học về biển, tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý biển; đặc biệt, các chính sách tập trung hướng tới hình thức cơ quan điều phối, chỉ đạo thống nhất như các Bộ về biển và Ủy ban điều phối về biển.
Bài viết dưới đây tập trung phân tích kinh nghiệm của các quốc gia có biển; việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển; tổ chức, bộ máy quản lý biển được hoàn thiện để tạo sức mạnh quản lý tổng hợp, thống nhất, điều phối, liên kết, phân bổ nguồn lực bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý; các hình thức thành lập cơ quan điều phối, chỉ đạo thống nhất về biển của các nước như Nhật, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Canada,…
Nhật Bản thành lập Ban chỉ đạo Chính sách biển, do Thủ tướng làm trưởng Ban.
Nhật Bản có tổng diện tích đất tự nhiên là 378.000 km2, với tổng chiều dài bờ biển là 35.000 km và 6.847 hòn đảo lớn, nhỏ. Thủy sản là ngành kinh tế rất được chú trọng ở Nhật Bản, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II; thể hiện ở việc mở rộng vùng biển đánh bắt theo pháp luật quốc tế, đầu tư khoa học - kỹ thuật và tài chính, phát triển ở các vùng biển quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu bằng đường biển, chính sách biển của Nhật Bản chú trọng bảo đảm sự an toàn về hàng hải; không để xảy ra bất kỳ sự gián đoạn nào trong vận tải biển và trong các hải cảng. Ngoài ra, Nhật Bản còn đảm bảo cho các chuyến tàu đi qua các eo biển bằng cách yêu cầu hải quân phải đảm bảo an toàn hàng hải trong phạm vi 1.000 hải lý từ các cảng của Nhật.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng chú trọng khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển, tích cực tham gia vào Ủy ban quyền lực đáy đại dương trên cơ sở các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
Cụ thể:
Về cơ cấu quản lý hoạt động khai thác biển
Nhật Bản quản lý theo ngành dọc, mỗi ngành liên quan đến biển sẽ thuộc sự quản lý tương ứng của bộ chuyên ngành như vận tải biển do Bộ Giao thông vận tải quản lý, thủy sản do Bộ Thủy sản quản lý v.v. Tuy nhiên, sự quản lý biển theo ngành dọc cũng gây nên sự bất lợi khi giải quyết một vấn đề về tài nguyên và môi trường (TN& MT) biển liên quan đến nhiều Bộ, ngành. Bởi vậy, Nhật Bản đã sớm quan tâm đến việc quản lý thống nhất đại dương bằng việc thành lập Hội đồng Phát triển đại dương từ năm 1971 với chức năng xây dựng các ý tưởng cơ bản về phát triển dài hạn đại dương và đóng góp ý kiến cho Thủ tướng ra quyết định về chính sách biển trong từng giai đoạn với thời hạn 10 năm.
Năm 2007, Nhật Bản thành lập cơ quan chính sách đại dương, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Các thành viên của cơ quan này là các Bộ trưởng của các Bộ có liên quan đến biển; bao gồm: Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo giao thông trên biển, bảo vệ và quản lý các đảo, quản lý tổng hợp vùng ven biển; Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chính trong việc nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ biển; giữ gìn và BVMT tự nhiên của biển; Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy sự phát triển một cách hệ thống về năng lượng và tài nguyên khoáng sản trong khu vực biển; Bộ Nông nghiệp, Rừng và Nghề cá có trách nhiệm chính trong việc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, nâng cao năng suất của các vùng khai thác thủy sản; Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo việc điều phối quốc tế và thúc đẩy hợp tác quốc tế; thúc đẩy sự phát triển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa...; Bộ Nội vụ và Thông tin có trách nhiệm chính trong việc xác định những biện pháp giải quyết những thảm họa thiên tai tự nhiên từ biển gây ra; Bộ Môi trường có trách nhiệm chính trong việc BVMT biển, giảm bớt sức ép về môi trường; Bộ Tài chính có trách nhiệm chính trong việc kiểm soát việc xuất, nhập khẩu hàng hóa và phương tiện thủy theo các quy định của hải quan; Bộ Tư pháp có trách nhiệm chính trong việc thông báo cho các quốc gia có cắm cờ về những vi phạm hàng hải tuân thủ theo các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982; Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chính trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, duy trì luật lệ, phép tắc trên biển; Bộ Y tế, Lao động và Sức khỏe có trách nhiệm chính trong việc tập huấn tăng cường nguồn nhân lực trong các vấn đề về biển và hàng hải. Giúp việc cho cơ quan này có bộ phận thư ký.
Về chính sách, ngày 20/07/2007, Nhật Bản đã ban hành chính sách cơ bản về đại dương đề cập những phương hướng tổng thể về quản lý biển. Tiếp đó, ngày 18/03/2008, Nhật Bản đã ban hành kế hoạch hành động nhằm triển khai việc đưa các nội dung của chính sách cơ bản về đại dương đi vào cuộc sống.
Chính sách biển của Nhật Bản được cụ thể hóa tại Luật cơ bản về Chính sách đại dương (Basic Act Ocean Policy) được ban hành năm 2007 và Kế hoạch cơ bản về chính sách đại dương (Basic Plan on Ocean Policy) được Nội các Nhật Bản thông qua cứ 5 năm/lần.
Luật cơ bản về Chính sách đại dương gồm 38 điều, được kết cấu làm 04 chương (và 02 điều khoản bổ sung về ngày có hiệu lực và yêu cầu đánh giá việc thực thi). Luật này quy định các nguyên tắc cơ bản, trách nhiệm của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và công dân; việc xây dựng kế hoạch cơ bản liên quan đến các đại dương và các vấn đề cơ bản khác liên quan đến các biện pháp thực thi; thiết lập Cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách đại dương nhằm góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đời sống của công dân, thúc đẩy sự hòa hợp giữa đại dương và con người, giữa phát triển tích cực, hòa bình với sử dụng biển một cách bền vững trên cơ sở Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) và các điều ước quốc tế khác có liên quan.
Về cơ quan chỉ đạo thực hiện Chính sách biển của Nhật Bản: Cơ quan chỉ đạo thực hiện Chính sách biển của Nhật Bản được thành lập bởi Nội các Nhật Bản, chịu trách nhiệm trước Nội các về các vấn đề liên quan đến: (i) việc dự thảo và đề xuất các biện pháp thực hiện Kế hoạch cơ bản chính sách biển; (ii) việc điều phối, liên kết thực hiện chính sách giữa các cơ quan, Bộ, ngành và tổ chức trong Kế hoạch cơ bản; (iii) thực hiện các vấn đề liên quan đến quy hoạch và dự thảo những vấn đề quan trọng đối với đại dương cũng như công tác phối hợp.
Theo quy định của Luật cơ bản về chính sách đại dương, về mặt tổ chức, đứng đầu cơ quan chỉ đạo là Thủ tướng nội các, chịu trách nhiệm và chỉ đạo toàn diện các hoạt động của cơ quan. Giúp việc trực tiếp cho Trưởng cơ quan là Chánh văn phòng của Ban thư ký chính sách đại dương quốc gia (National Ocean Policy Secreteriat), hàm Bộ trưởng. Các thành viên còn lại của Cơ quan chỉ đạo là tất cả các Bộ trưởng đương chức của Nội các.
Cơ quan chỉ đạo này có Ban thư ký chính sách đại dương quốc gia (National Ocean Policy Secreriat) và Hội đồng tư vấn quốc gia (Advisory Council). Ban thư ký chính sách quốc gia là cơ quan tham mưu, thực hiện giúp việc hành chính cho Cơ quan chỉ đạo. Hội đồng tư vấn quốc gia chịu trách nhiệm đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị chính sách, biện pháp thực thi Kế hoạch cơ bản, vừa có tính thường xuyên, vừa mang tính đột xuất. Thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia gồm 13 người, đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan đến biển, do Thủ tướng Nội các lựa chọn và quyết định.
Cơ quan chỉ đạo thực hiện chính sách biển của Nhật Bản là câu trả lời cho những khó khăn vướng mắc trong thực thi chính sách. Phía Nhật cho rằng cần phải tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quá trình quản lý nhà nước, phải chuyển từ quản lý theo chiều dọc, thiếu tính liên kết sang tăng cường quản lý theo chiều ngang, tăng cường tính điều phối, kết nối và nâng cao vai trò của cơ quan chỉ đạo, mà trực tiếp là Ban thư ký chính sách quốc gia. Trong 02 Kế hoạch cơ bản trước đây, mỗi Bộ, ngành có cách triển khai riêng, tính liên kết phát huy lợi thế, sức mạnh còn yếu, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn không được giải quyết ngay; vai trò của cơ quan tham mưu, giúp việc trong điều phối tổ chức, phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn chưa thể hiện rõ ràng.
Mặc dù chính sách biển Nhật Bản được ban hành (năm 2007) và thực thi được 12 năm nhưng Nhật Bản đã đạt được nhiều thành công trên nhiều mặt về quốc phòng an ninh trên biển; về phát triển các ngành kinh tế biển. Một trong 3 nguyên nhân chính của những thành công đó là do chính sách biển phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước, luôn thay đổi theo chu kỳ (5 năm/1 lần) để phù hợp với sự biến động và xu thế phát triển của thế giới. Chính sách biển của Nhật Bản đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo đảm quốc phòng an ninh trên biển nhưng vẫn giữ được mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy sự cùng tồn tại giữa biển và con người, cân bằng phát triển và khai thác biển với bảo tồn môi trường biển.
Hoa Kỳ thành lập Ủy ban quốc gia về biển, Hội đồng biển quốc gia (NOC) nằm trong Văn phòng điều hành của Tổng thống và Quỹ Ủy thác để thực hiện Khung chính sách biển quốc gia mới
Mỹ là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển. Luật Quản lý Vùng Ven biển (CZMA) được Mỹ thông qua năm 1972 nhằm tăng cường sự tham gia và phối hợp của các bên liên quan trong việc đưa ra các chương trình liên quan đến vùng ven biển và cân bằng giữa các nhóm cạnh tranh về lợi ích ở vùng ven biển.
Chiến lược biển quốc gia Hoa Kỳ ra đời với mục tiêu: Để duy trì tính đa dạng sinh học và năng suất trong một đại dương đang thay đổi bằng cách xây dựng một phong trào bảo tồn đại dương mạnh mẽ hơn, thúc đẩy lãnh đạo Bờ Tây và bảo vệ chính sách đại dương quốc gia. Theo đó, có 03 nhóm sáng kiến: (1) thúc đẩy nghề cá bền vững, (2) bảo tồn môi trường sống của sinh vật biển, (3) quản lý tác động của biến đổi khí hậu lên các hệ sinh thái biển.
Để thực hiện Chiến lược biển, Quốc hội Hoa Kỳ rõ ràng đã nhận thức được cả về tiền năng và sự đe dọa tới biển khi thông qua Luật Biển năm 2000, đã thành lập Ủy ban Chính sách biển để tìm kiếm và đề nghị một Chính sách biển quốc gia toàn diện và hợp tác. Theo Luật, Tổng thống bổ nhiệm 6 thành viên ban đầu của Ủy ban và họ có các điều kiện khác nhau, bao gồm cả các thành viên được đề cử bởi lãnh đạo Hạ viện Hoa Kỳ và Viện dân biểu. Ủy ban đã tổ chức nhiều cuộc họp mở với các quốc gia khu vực và các chuyến thăm khu vực, nhận các bằng chứng bằng miệng và bằng văn bản từ hàng trăm người. Hơn nữa, Ủy ban cũng đã nghe các nhân chứng, bao gồm cả khách được mời trình bày tham luận và bài bình luận từ công chúng, kết quả thu được lên tới con số hơn nghìn trang tư liệu. Cơ quan này cũng đã chỉ ra rằng phương pháp quản lý theo liên bang, tiểu bang, địa phương gây sự khó hiểu và khó thực hiện, đồng thời trách nhiệm quản lý thì lại bị tản mát và chưa thực sự đổi mới để phải ánh được tính phức tạp này. Chính sách biển quốc gia Hoa Kỳ đã đưa ra Khung chính sách biển quốc gia mới, trong đó có nêu đến vấn đề cải thiện sự lãnh đạo và điều phối quốc gia.
Thực trạng cho thấy, ở cấp liên bang, 11 trong số 15 bộ cấp Chính phủ và 4 cơ quan độc lập đóng vai trò quan trọng trong phát triển chính sách biển và vùng ven biển. Các phòng này phối hợp với một trong các đơn vị thuộc cơ quan quản lý cấp địa phương, bang, tỉnh, cấp xã phường theo một vài cách khác nhau. Cải thiện phương tiện thông tin và sự phối hợp sẽ nâng cao đáng kể hiệu quả chính sách biển quốc gia.
Văn phòng của Tổng thống có 3 bộ phận có một số trách nhiệm liên quan đến biển: Văn phòng Chính sách khoa học, công nghệ chuyên về vấn đề khoa học và công nghệ cấp Chính phủ, trong đó có cả tiểu ban biển; Hội đồng chất lượng môi trường (CEQ) giám sát nỗ lực bảo vệ môi trường của các bang và việc thực thi Luật Chính sách môi trường quốc gia; và Ủy ban Phối hợp chính sách môi trường toàn cầu thuộc Hội đồng an ninh quốc gia, trong đó có cả Tiểu ban giải quyết các vấn đề biển quốc tế, nhưng không có cơ chế liên ngành, đa ngành trong các cơ quan này để hướng dẫn, kiểm soát và phối hợp tất cả các mặt của chính sách và khoa học biển và vùng ven biển. Như là một phần của Khung chính sách biển quốc gia mới, Ủy ban kiến nghị Quốc hội thành lập Hội đồng biển quốc gia (NOC) nằm trong Văn phòng điều hành của Tổng thống, được chủ trì bởi Trợ lý của Tổng thống và bao gồm các thư ký nội các của các phòng và người quản lý của các văn phòng độc lập với trách nhiệm liên quan vùng ven biển và Great Lakes, phát triển, hướng dẫn thực hiện chính sách biển quốc gia phù hợp, phối hợp với các phòng cấp bang và các phòng khác chịu trách nhiệm về biển và vùng ven biển. Trợ lý Tổng thống sẽ đưa ra các khuyến nghị cho OMB và các phòng về mức độ tài trợ phù hợp cho các hoạt động vùng ven biển và biển quan trọng, chuẩn bị bản báo cáo hai năm một lần như nhiệm vụ tại Phần 5 của Luật biển năm 2000. Ủy ban Khoa học, kỹ thuật, giáo dục và hoạt động biển và một Ủy ban Quản lý tài nguyên biển được thành lập dưới sự quản lý của NOC để hỗ trợ phối hợp các chức năm đã lập kế hoạch.
Thành lập Hội đồng tư vấn của Tổng thống về Chính sách biển, bao gồm đại diện của các bang, vùng lãnh thổ, bộ tộc, các cấp chính quyền địa phương, đại diện lợi ích các nhà nghiên cứu và cộng đồng, các tổ chức tư nhân sẽ nhằm đảo bảo đầu vào có tính chất khung của các cơ quan không thuộc liên bang giúp NOC và Tổng thống về các vấn đề chính sách biển và ven biển.
Một Văn phòng chính sách biển nhỏ sẽ cung cấp nhân viên hỗ trợ cho tất cả các cơ quan được thảo luận nêu trên. Trong khi chờ hành động của các quốc hội, Ủy ban kiến nghị Tổng thống ban hành cơ cấu này thông qua lệnh thi hành.
Mô hình quản lý trên đã củng cố phương pháp tiếp cận theo khu vực của Khung chiến lược, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các bang, vùng lãnh thổ, các bộ lạc và địa phương vào phát triển và thực thi chính sách biển, là nhân tố quan trọng trong Khung chính sách biển quốc gia. Nhiều vấn đề cấp bách nhất của vùng ven biển và biển của quốc gia là các cùng biển tại các địa phương và các vùng tự nhiên, giải quyết các vấn đề này yêu cầu sự năng động của các nhà xây dựng chính sách ở đại phương và bang, cùng với sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan.
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Hội đồng biển quốc gia là phát triển và thúc đẩy sự tự nguyện một cách năng động của nhóm một số bang trong việc thành lập Hội đồng biển cấp vùng. Các hội đồng biển cấp vùng sẽ tập trung vào các điểm then chốt trong các buổi thảo luận, hợp tác và phối hợp. Chúng sẽ thúc đẩy khả năng phản ứng đối với các vấn đề đường biên giới chồng lắp/lấn và giúp nhà xây dựng chính sách giải quyết mối liên hệ trên phạm vi rộng và có xung đột trong sử dụng các lưu vực sông, vùng ven biển và ngoài khơi. Để bổ sung và hỗ trợ nỗ lực này, Tổng thống chỉ đạo tất cả các cơ quan liên bang có chức năng liên quan đến biển, ngay lập thức cải thiện sự phối hợp trong khu vực của họ, hướng tới thông qua một khung khu vực chung.
Để giải quyết vấn đề bức xúc về nhu cầu đầu tư để thực hiện chiến lược biển, Ủy ban vẫn phải cân nhắc đến những khó khăn do ngân sách hạn hẹp ở cả cấp liên bang, bang. Để trang trải chi phí cho các khuyến nghị của mình, Ủy ban Quốc gia tin rằng điều quan trọng là xác định được nguồn tài chính phủ hợp. Về vấn đề này, các mối quan hệ giữa các các hoạt động của liên bang ở ngoài khơi và trách nhiệm quản lý chúng gây ra là hiển nhiên. Vì vậy, Ủy ban đề xuất thành lập một Quỹ Ủy thác cho Chính sách Biển tại Kho bạc Hoa Kỳ, bao gồm các khoản thu từ các hoạt động được cấp phép ở các vùng biển liên bang.
Quỹ Ủy thác sẽ bắt đầu với các khoản thu OCS dầu và khí đốt chưa được đưa vào nguồn thu cho Quỹ Bảo tồn Đất và Nước và Quỹ Bảo vệ Các di sản lịch sử quốc gia. Sau khi các chương trình hiện tại được tài trợ theo quy định của pháp luật, còn lại các khoản tiền OCS sẽ gửi vào Quỹ Ủy thác. Các hoạt động ngoài khơi mới hình thành, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, hoặc khảo sát sinh học cũng có thể tạo doanh thu sớm hay muộn và chúng phải được bổ sung cho Quỹ. Việc thành lập và hoạt động của Quỹ Ủy thác cho Chính sách biển cần được thực hiện độc lập với các hoạt động cấp phép cho các hoạt động sản xuất vùng xa bờ. Tiền của Quỹ Ủy thác phải được sử dụng để hỗ trợ các nghiên cứu bổ sung, giáo dục và trách nhiệm quản lý đề xuất cho các cơ quan liên bang, bang và các cơ quan thích hợp khác ven biển, phù hợp với chính sách biển quốc gia được phối hợp và toàn diện. Quyx này sẽ được sử dụng để bổ sung, nhưng không phải là thay thế, phù hợp với các chương trình biển và vùng ven biển hiện tại và tài trợ cho các nhiệm vụ mới hoặc mở rộng.
Trung Quốc chú trọng phát triển “toàn diện” kinh tế biển
Trung Quốc có điều kiện địa lý về biển rất thuận lợi, đường bờ biển của Trung Quốc đại lục dài hơn 19.000km với hơn 5000 hòn đảo lớn nhỏ trong hải phận.
Chương trình Nghị sự 21 về đại dương của Trung Quốc đã được xây dựng năm 1996 hình thành nên chiến lược phát triển bền vững và các chương trình biển của quốc gia. Chiến lược biển của Trung Quốc với bốn yếu tố cơ bản là: xác định việc mở rộng quản lý biển là hạt nhân của chiến lược chính trị biển; khẳng định việc xây dựng chiến lược cường quốc biển là hạt nhân của chiến lược phát triển kinh tế biển; xác định an ninh biển và an ninh quốc gia là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phòng vệ biển; khẳng định và coi trọng việc sử dụng kỹ thuật cao kết hợp với kỹ thuật thông thường trong chiến lược khoa học - kỹ thuật biển.
Về chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung Quốc, Trung Quốc chú trọng phát triển “toàn diện” kinh tế biển, bao gồm: thực hiện đồng thời hoạt động khai thác tài nguyên ở các khu vực ven biển với việc khai thác tại các vùng biển ngoài xa; xây dựng và phát triển nhiều ngành, nghề kinh tế biển như nghề cá biển, giao thông vận tải biển, nghề khai thác dầu khí biển, nghề làm muối biển và hóa muối, phát triển nghề đóng tàu biển, nghề du lịch biển gần, phát triển nghề sử dụng nước biển; Trung Quốc phát triển kinh tế biển “hiệu quả cao” với các nội dung: tích cực xây dựng và phát triển những nghề mới về biển, tăng cường năng lực hoạt động của các nghề khai thác thủy sản truyền thống, nâng cao khả năng cạnh tranh của các nghề và sản phẩm biển trên thị trường trong và ngoài nước; không ngừng hoàn thiện các chính sách và pháp luật về quản lý biển, tạo môi trường xã hội công bằng và công khai trong việc phát triển kinh tế biển; kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan quản lý biển, tăng cường xây dựng cơ cấu quản lý hành chính biển, tạo điều kiện để phát triển mạnh kinh tế biển; Trung Quốc chủ trương phát triển kinh tế biển bền vững, gồm các nội dung: Phòng ngừa và xử lý ô nhiễm biển; bảo vệ tài nguyên sinh vật biển; tăng cường xây dựng sinh thái biển; tăng cường quản lý, sử dụng vùng biển.
Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy định liên quan đến biển như: Luật Quản lý sử dụng không gian biển, có hiệu lực năm 2002; Luật Bảo vệ môi trường biển của Trung Quốc năm 1982 (sửa đổi năm 1999); Quy hoạch phát triển biển quốc gia; Đề cương quy hoạch phát triển kinh tế biển toàn quốc; Luật Nghề cá; Điều lệ bảo vệ nuôi trồng thủy sản; Tiêu chuẩn chất lượng nước cho nghề cá; Luật về an toàn giao thông hàng hải; Luật Khoáng sản; Đề cương công tác lập khu bảo vệ tự nhiên biển; Quy tắc quản lý tầu thuyền nước ngoài; Điều lệ hợp tác, khai thác dầu mỏ biển với bên ngoài...
Nhằm mục tiêu hướng tới quản lý tổng hợp, hiệu quả và khoa học các vùng biển quốc gia, từ năm 1989 đến năm 1995 đã có 3663 vùng biển được phân vùng chức năng thành các khu vực phát triển và sử dụng, khu vực kiểm soát và bảo vệ, khu vực bảo tồn tự nhiên, khu vực chức năng đặc biệt và các khu vực bảo tồn khác.
Về tổ chức, bộ máy: Cục Hải dương Quốc gia (SOA) được thành lập năm 1964, là cơ quan chức năng của Quốc vụ viện Trung Quốc, trực thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên, có nhiệm vụ chính là bảo vệ quyền và lợi ích biển, bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng biển. Cơ cấu của SOA được chia thành 3 cấp. Cấp cao nhất bao gồm các Cục: Tài chính, Quản lý không gian biển; Bảo vệ môi trường biển; Khoa học và kỹ thuật, Hợp tác quốc tế. Cấp thứ hai gồm các chi nhánh của SOA và các trung tâm giáo dục, thông tin, nghiên cứu và khảo sát. Cấp thứ 3 là mạng lưới gồm 16 cục quản lý ở địa phương cấp tỉnh và thành phố. SOA cũng có 3 cục phụ thuộc chịu trách nhiệm thực thi Biển Bắc, Biển Đông và Biển Nam Trung Quốc.
Cục Hải giám Trung Quốc (CMS) thành lập năm 1998, thuộc Cục Hải dương Quốc gia, là cơ quan thực thi pháp luật hàng hải bán quân sự trong vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, bờ biển của Trung Quốc, bảo vệ môi trường biển, nguồn tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ hàng hải và các điều kiện thuận lợi khác, thực hiện điều tra hàng hải. Tính đến tháng 1 năm 2013, CMS đã được trang bị tới hơn 400 tàu tuần tra, trong đó có 6 tàu có trọng tải trên 3000 tấn, 3 tàu có trọng tải trên 1500 tấn, 27 tàu trọng tải 1000 tấn, và 10 máy bay giám sát hàng hải.
Cục Hải sự Trung Quốc - Cơ quan An toàn hàng hải (MSA) trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, chịu trách nhiệm về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển từ các tàu, và bảo vệ quyền lợi của người đi biển. MSA có trụ sở chính ở Bắc Kinh và tất cả 14 chi nhánh khác ở địa phương, đặt chủ yếu ở các tỉnh ven biển và một số ở các trung tâm cảng sông trong nội địa.
Cơ quan Thực thi pháp luật ngư nghiệp Trung Quốc (Cơ quan Ngư chính FLEC thuộc Cục Hải dương Quốc gia, trước đây là một tổ chức của Cục quản lý thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp), có trách nhiệm thực thi luật liên quan đến đánh bắt cá và tài nguyên biển trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, bảo vệ tàu cá Trung Quốc và nhân viên, giải quyết tranh chấp trong hoạt động đánh bắt cá, ngăn ngừa đánh bắt bất hợp pháp, và bảo vệ nguồn tài nguyên biển. Tính đến năm 2011, FLEC có hơn 8 tàu có trọng tải trên 1000 tấn.
Cơ quan Tuần duyên Trung Quốc (The Maritime Police), hiện nay trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia (trước đây, là chi nhánh trên biển của Cục Quản lý Biên phòng, là đơn vị trực thuộc tinh nhuệ của Lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân, thuộc Bộ Công an). Cơ quan Tuần duyên Trung Quốc là lực lượng cảnh sát bán quân sự chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Bộ Công an. Cơ quan này có nhiệm vụ: Tuần tra vùng lãnh hải và vùng biển tranh chấp; chống buôn lậu, chống vi phạm bản quyền; kiểm soát hàng hải và kiểm tra tàu; đảm bảo an ninh cảng và ven biển; nghiên cứu, khảo sát; tìm kiếm cứu hộ; bảo vệ thủy sản. Lực lượng Tuần duyên được trang bị chủ yếu là tàu cao tốc và tàu thủy loại nhỏ với súng máy và pháo.
Cục Chống buôn lậu đường biển của Trung Quốc, hiện nay trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia (trước đây thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc) và nhận chỉ đạo nghiệp vụ từ Bộ Công an. Lực lượng Chống buôn lậu đường biển được thành lập từ năm 1998, là cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn, trấn áp và xử lý các hoạt động buôn lậu và tội phạm tại các khu vực kiểm soát hải quan và các khu vực ven biển, biên giới theo quy định mà cơ quan Hải quan được thành lập.
Việc Trung Quốc tái cơ cấu sáp nhập bốn lực lượng Hải giám, Ngư chính, Cơ quan Tuần duyên và Cảnh sát chống buôn lậu vào Cục Hải dương Quốc gia đã giúp cho công tác quản lý biển thống nhất, tránh chồng chéo, phân tán, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động thực thi pháp luật biển.
Bốn cơ quan Hải giám, Ngư chính, Cơ quan Tuần duyên và Cảnh sát chống buôn lậu hiện nay hợp thành một cơ quan thống nhất có tên gọi là Cảnh sát biển Trung Quốc, với nhiệm vụ chính là “bảo vệ quyền và lợi ích biển, thực thi pháp luật biển”. Cảnh sát biển Trung Quốc là một lực lượng bán quân sự, hoạt động dưới danh nghĩa của Cục Hải dương Quốc gia triển khai chấp pháp trên biển và tiếp nhận chỉ đạo nghiệp vụ từ Bộ Công an.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan cấp cao để duy trì, bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc, với tên gọi Ban Chủ quyền biển quốc gia. Ban chủ quyền biển quốc gia là cơ quan cấp cao, điều tiết liên ngành, điều tiết cả Cục Hải dương Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an,… giúp quân đội Trung Quốc trực tiếp tham gia bảo vệ quyền và lợi ích biển. Cơ quan này gồm có các thành viên thuộc Cục Hải dương quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và quân đội, do các lãnh đạo cấp cao đích thân chỉ đạo. Việc thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động của Ban chủ quyền biển quốc gia của Trung Quốc đã thể hiện tầm nhìn xa của nước này trong việc bảo vệ quyền và lợi ích biển, thực hiện chiến lược cường quốc biển, góp phần tăng cường sức mạnh quản lý biển của Trung Quốc.
Indonesia quản lý tổng hợp và phát triển bền vững các vùng biển và ven biển
Indonesia có 17.508 đảo với bờ biển dài khoảng 80.791 km, các vùng biển khoảng 3,1 triệu km2. Vùng biển của Indonesia chủ yếu là vùng biển nông (chiếm khoảng 78%).
Chương trình nghị sự 21 của Indonesia dành một chương (Chương 18) về Quản lý tổng hợp và phát triển bền vững các vùng biển và ven biển là một kế hoạch chi tiết toàn diện để giải quyết 7 vấn đề ưu tiên: quy hoạch tổng hợp và phát triển nguồn tài nguyên trong vùng ven biển; giám sát và bảo vệ môi trường biển và ven biển; sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển; nâng cao chất lượng và trao quyền cho cộng đồng dân cư ven biển; phát triển bền vững các đảo nhỏ; duy trì an ninh của EEZ; quản lý các tác động của thay đổi khí hậu và thủy triều.
Về pháp luật quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, Indonesia đã ban hành các luật như: Luật Thủy sản; Luật Dầu và khí đốt; Luật Quản lý môi trường, Luật Bảo tồn tài nguyên sinh học và hệ sinh thái, Luật Quy hoạch không gian...
Về tổ chức, bộ máy, ở Indonesia hiện nay có 17 Bộ, 6 cơ quan quản lý không thuộc Bộ, 31 cơ quan cấp tỉnh và 265 cơ quan cấp huyện tạo ra một cơ cấu phức tạp với các cấp độ khác nhau liên quan đến quản lý biển.
Các Bộ Biển và Nghề cá, Khoáng sản và Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại, Du lịch là các cơ quan chính chịu trách nhiệm phát triển kinh tế biển. Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Cơ quan Đánh giá và Áp dụng Kỹ thuật (BPPT) và Cơ quan Phối hợp quốc gia đối với Khảo sát và Đo đạc (BAKOSURTANAL) cũng đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và khảo sát biển. Cơ quan Quản lý tác động môi trường (BAPEDAL) là cơ quan chủ chốt đảm bảo phát triển biển bền vững. Hội đồng biển Indonesia (DMI) phối hợp, đồng bộ, thống nhất chính sách liên quan đến biển và vùng ven biển. Thêm vào đó, tất cả 31 chính quyền cấp tỉnh có thẩm quyền đối với vùng biển 12 hải lý tính từ đường bờ biển hướng ra phía biển hoặc vùng nước quần đảo về việc quản lý và bảo tồn với các nội dung: thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên; thỏa thuận lợi ích quản lý; thỏa thuận không gian; thực thi pháp luật; hỗ trợ an ninh và thực thi nước ngoài. 265 Cơ quan cấp huyện có thẩm quyền đối với vùng biển từ 0 đến 4 hải lý của vùng nước quần đảo.
Malayxia
Malayxia có đường bờ biển dài 4.675 km. Đại bộ phận dân cư Malayxia sống tập trung ở vùng bờ biển phía Tây của Bán đảo Mã Lai.
Về pháp luật quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, Malayxia đã ban hành Luật về vùng thềm lục địa năm 1966, trong đó có quy định về các hoạt động khai thác tài nguyên tại vùng này); Luật về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) năm 1984, trong đó có quy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển; các nghiên cứu về khoa học biển; các vùng đảo nhân tạo, các công trình trên biển; các đường ống dẫn và đường cáp biển; các hoạt động bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển; các hình thức xử phạt và bồi thường; Luật Thuỷ sản năm 1985, sửa đổi năm 1993 (bao gồm vấn đề bảo tồn, quản lý và phát triển thuỷ sản biển và vùng cửa sông); Luật dầu khí 1966...
Theo Luật về vùng đặc quyền kinh tế EEZ, một Ủy ban đặc biệt được hình thành để quản lý các hoạt động liên quan trong khu vực. Các hoạt động này bao gồm việc cấp phép cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo, các công trình và cấu trúc trên biển, cũng như việc lắp đặt các đường dây cáp ngầm và đường ống dẫn trong vùng EEZ.
Cơ chế quản lý môi trường của Malayxia được hình thành theo Luật Chất lượng môi trường năm 1974 (sửa đổi năm 1985 và 1996), trong đó có các quy định về ô nhiễm không khí, tiếng ồn và ô nhiễm nước; sự suy giảm tài nguyên đất và ô nhiễm dầu.
Về tổ chức, bộ máy, Malayxia hoạt động theo cơ chế liên bang. Ở cấp độ liên bang, các Bộ khác nhau chịu trách nhiệm tư vấn và đóng vai trò liên lạc với các bang liên quan đến các lĩnh vực quản lý tài nguyên tự nhiên. Việc quản lý và bảo tồn biển và tài nguyên biển được chia sẻ giữa các Bộ khác nhau, bao gồm các Bộ như: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông, Bộ Quốc phòng.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Malayxia hiện nay (MOSTE) được thành lập năm 1973 với tên ban đầu là Bộ Công nghệ, Nghiên cứu và Quản lý các Vấn đề địa phương. Tổng cục Biển quốc gia (NOD) được thành lập ngày 01/11/2000 như là một đơn vị trực thuộc của MOSTE để chỉ đạo và điều phối các hoạt động nghiên cứu và phát triển về biển của Malayxia. Tổng cục Biển quốc gia là cơ quan đầu mối cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển về hải dương học của Malayxia và xây dựng Chương trình nghiên cứu và phát triển về Hải dương học quốc gia; xây dựng và củng cố các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về hải dương học tại các cơ sở nghiên cứu của các địa phương; hỗ trợ việc thực hiện các chương trình nghiên cứu và phát triển biển quốc gia và liên quốc gia; tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực con người và nguồn lợi thiên nhiên cho phát triển. Cục Môi trường của MOSTE là cơ quan chịu trách nhiệm chính về quản lý môi trường của Malayxia, chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên thiên nhiên được bảo tồn và quản lý theo phương thức bền vững về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.
Canada là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc
Canada là quốc gia với ba mặt giáp biển, là một trong những quốc gia có đường bờ biển dài nhất thế giới. Với tổng diện tích vùng biển khoảng 3 triệu km2 và khoảng 24% tổng dân số sinh sống dọc bờ biển, biển từ lâu đã trở thành một lợi thế to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Canada.
Canada là một trong những nước đi đầu trong việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia để thực hiện quản lý tổng hợp biển. Việc xây dựng chính sách biển quốc gia Canada được bắt đầu bằng việc xây dựng Luật biển Canada (Canada’s Ocean Act). Dựa trên đạo luật này, Chiến lược biển Canada được xây dựng và ban hành năm 2002. Chiến lược biển quy định việc áp dụng phương thức quản lý tổng hợp, nhấn mạnh sự hợp tác và hỗ trợ về chính sách và chương trình quản lý giữa các cơ quan và các chủ thể liên quan. Đồng thời, Chiến lược biển xác định rõ ba mục tiêu lớn trong quản lý biển, đó là: hiểu biết và bảo vệ môi trường biển; hỗ trợ các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; và nâng cao vị thế về biển của Canada trên trường quốc tế. Để đạt được các mục tiêu này, Chiến lược cũng đã đề ra nguyên tắc chủ đạo cần phải tuân theo trong quá trình xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý biển; bao gồm: nguyên tắc quản lý tổng hợp; nguyên tắc phát triển bền vững; nguyên tắc cẩn trọng.
Nguyên tắc quản lý tổng hợp được xem là vấn đề trọng tâm của Chiến lược biển Canada. Nguyên tắc này đưa ra mục tiêu xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý tổng hợp ở tất cả các vùng biển của Canada. Chiến lược biển Canada cũng nhấn mạnh cơ quan quản lý liên ngành là điểm mấu chốt của quản lý biển tổng hợp ở Canada.
Để thực hiện quản lý biển, Chiến lược biển đề ra các phương hướng hoạt động như: thiết lập một cơ chế và bộ máy cho sự liên kết và hợp tác giữa các chủ thể liên quan; tăng cường hoạch định quản lý tổng hợp cho tất cả các vùng biển của Canada kể cả các vùng ven biển.
Hàn Quốc đã tái lập lại Bộ Đại dương và Nghề cá có chức năng, nhiệm vụ giúp Chính phủ Hàn Quốc thực hiện quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo.
Về pháp luật quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển: Hàn Quốc có cả một hệ thống luật để phục vụ quản lý tổng hợp biển và hải đảo như Luật quản lý biển, Luật quản lý đảo và Luật quản lý vùng bờ…
Về tổ chức, bộ máy: trước năm 1996, ở Hàn Quốc có khoảng 10 Bộ thực hiện quản lý chuyên ngành liên quan đến biển. Do xuất hiện nhiều vấn đề liên quan tới quản lý ngành, Hàn Quốc đã lập Bộ Đại dương và Nghề cá để chủ trì thực hiện quản lý tổng hợp biển và hải đảo; sau đó, do cải tiến bộ máy hành chính, Bộ này bị chia đôi và nhập vào 2 Bộ. Tuy nhiên, do việc quản lý biển và hải đảo bị phân tán ở hai Bộ, không tăng cường được hiệu quả quản lý tổng hợp nên Quốc hội Hàn Quốc đã tái lập lại Bộ Đại dương và Nghề cá vào tháng 3 năm 2013. Bộ Đại dương và Nghề cá có chức năng, nhiệm vụ giúp Chính phủ Hàn Quốc thực hiện quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo.
Một số quốc gia khác
Chính sách Biển của Australia được thực hiện thông qua sắp xếp các thể chế, tập trung chính là trách nhiệm của các Bộ, sự tư vấn và sự tham gia của các bên liên quan, sự hỗ trợ của các cấp chính quyền phải được phối kết hợp tốt. Các cơ quan chính: Hội đồng Bộ trưởng quốc gia về biển; Nhóm Tư vấn biển quốc gia; Văn phòng Biển quốc gia; Ban chỉ đạo Kế hoạch biển khu vực.
Chính sách quốc gia về Biển và vùng bờ (PNOEC) của Colombia nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững biển và vùng bờ và các lợi ích về biển của quốc gia. Nhà nước thông qua sự điều phối của Ủy ban biển Colombia (CCO) sẽ củng cố sự phát triển của quốc gia thông qua việc sử dụng bền vững các tài nguyên được khai thác trong vùng lãnh hải, vùng thềm lục địa và vùng bờ. PNOEC sẽ được tổng kết và điều chỉnh để đảm bảo tính cập nhật và phù hợp với nhu cầu của xã hội, thị trường, an nih, môi trường và các công nghệ toàn cầu trong tương lai. PNOEC giữ vai trò chỉ đạo trong các vấn đề về biển của Colombia, cũng như chỉ đạo các tổ chức đa ngành để tạo điều kiện điều phối tổng hợp các vấn đề biển ở các cấp cao nhất của Chính phủ, tuân thủ nghiêm ngặt các sứ mệnh đã đặt ra. Ban Thư ký thường trực của CCO sẽ tiếp tục đóng vai trò như một cơ quan đầu mối về kỹ thuật của quốc gia tại UNESCO IOC và IOC trong Tiểu Ủy ban về Vùng biển Caribe và Vùng tiếp giáp (IOCA-RIBE) và trong các tổ chức quốc tế có liên quan khác. CCO, thông qua Ban Thư ký thường trực sẽ thiết lập Nhóm Công tác Kỹ thuật nội bộ có bản chất là một tổ chức pháp lý liên cơ quan để tư vấn, phân tích và đánh giá khung pháp lý tổng hợp biển và vùng bờ. Theo đó, các đề xuất về việc sửa đổi sẽ được đệ trình lên Quốc hội bởi các Bộ tương ứng để thống nhất khung pháp lý quốc gia cho việc quản lý nhà nước về biển và vùng bờ.
Như vậy, qua kinh nghiệm của các quốc gia có biển trên thế giới cho thấy, thời gian gần đây, các quốc gia tập trung cho việc xây dựng chính sách biển tổng thể ở tầm quốc gia để thực hiện quản lý tổng hợp biển, theo xu thế hướng ra biển, trong đó chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế biển, tăng cường nghiên cứu khoa học về biển, tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý biển. Các quốc gia cũng không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển. Tổ chức, bộ máy quản lý biển được hoàn thiện để tạo sức mạnh quản lý tổng hợp, thống nhất, điều phối, liên kết, phân bổ nguồn lực bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý.
Hiện nay, mô hình quản trị biển, đại dương của các nước trên thế giới nhìn chung đều hướng tới mục đích quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; thiết lập, xây dựng hoặc điều chỉnh các cơ quan/ đơn vị có chức năng, nhiệm vụ đảm bảo tính điều phối, kết nối và nâng cao vai trò của cơ quan điều phối, chỉ đạo. Tổ chức, bộ máy quản lý biển được hoàn thiện để tạo sức mạnh quản lý tổng hợp, thống nhất, điều phối, liên kết, phân bổ nguồn lực bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý.
Các nước trên thế giới đang hướng tới một số hình thức thành lập cơ quan điều phối, chỉ đạo thống nhất như các Bộ về biển và Ủy ban điều phối về biển. Giúp việc cho Cơ quan điều phối thường là các Văn phòng thường trực, các Hội đồng tư vấn và các Quỹ Ủy thác. Thành viên của các cơ quan điều phối thường là lãnh đạo, Bộ trưởng của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan mà đứng đầu cơ quan điều phối là Thủ tướng/Tổng thống hoặc cấp Phó Thủ tướng/Tổng thống.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận