Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam
VBĐVN.vn - Sáng 2-8, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế biển xanh tạo động lực phát triển bền vững” tại trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Hơn 10 năm qua, Đảng đã ban hành hai nghị quyết riêng về chiến lược phát triển kinh tế biển, là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã xác định rõ quan điểm “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển”.
Tiếp đó, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các vùng biển, đảo Việt Nam.
Gần đây nhất, ngày 28-6-2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 139/2024/QH15 về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với mục tiêu tạo lập cơ sở cho phát triển nhanh và bền vững kinh tế biển, góp phần hình thành, phát triển các ngành kinh tế biển vững mạnh.
Để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng không gian biển để xây dựng Việt Nam thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo ông Phan Xuân Thủy, đòi hỏi cần phải có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, trong đó xây dựng kinh tế biển xanh được coi là nền tảng.
Là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong thời gian qua, Việt Nam về cơ bản đã bắt kịp xu hướng này để phát triển kinh tế biển bền vững, hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và đạt các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, biểu hiện ở tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường tại một số vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững… Do đó, trong thời gian tới cần có các giải pháp căn cơ, trọng tâm, trọng điểm, trong đó vừa chú trọng vào các hoạt động kinh tế vừa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững.
Tại Hội thảo, tham luận và các ý kiến phát biểu của các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm rõ một số nội dung: ý nghĩa của kinh tế biển xanh, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm thúc đẩy và tạo động lực cho phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng các ngành kinh tế biển, phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam và các địa phương; vai trò của công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại và các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; vai trò, tiềm năng và đóng góp của các doanh nghiệp vào phát triển kinh tế biển xanh.
Theo Đại tá Nguyễn Khắc Vượt, Trưởng phòng Khoa học Quân sự (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), phát triển bền vững kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Để thực hiện tốt nội dung trên, cần chú trọng một số giải pháp như đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo, gắn với bảo vệ, củng cố quốc phòng-an ninh trên biển; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; xây dựng, củng cố thế trận lòng dân trên khu vực biển, đảo; đẩy mạnh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết hiệu quả vấn đề an sinh xã hội.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn An Thịnh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng khái niệm kinh tế biển xanh phản ánh tổng hợp các lĩnh vực kinh tế và chính sách liên quan, cùng quyết định sử dụng bền vững tài nguyên đại dương. Kinh tế biển xanh không chỉ tập trung vào khai thác bền vững tài nguyên biển mà còn hướng tới duy trì và bảo vệ các hệ sinh thái biển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo các lợi ích từ đại dương được chia sẻ công bằng và lâu dài cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Thực tiễn hiện nay, phát triển kinh tế biển xanh được xem là một phương thức để giải quyết những thách thức của kinh tế biển truyền thống trong bối cảnh phát triển bền vững.
Nhấn mạnh phát triển kinh tế biển xanh nền tảng để phát triển kinh tế biển một cách bền vững là mục tiêu quan trọng của Nghị quyết 36 NQ/TW, Tiến sĩ Hoàng Quốc Lâm, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, việc thực hiện Chiến lược cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển từ nền kinh tế biển “nâu” sang kinh tế biển “xanh” một yêu cầu thực tế, cấp thiết phù hợp với luật pháp quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Để thực hiện thành công Chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp trong đó giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh được xem là một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và cơ bản đặt nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận