Luật Cảnh sát biển và quá trình lớn mạnh của lực lượng Cảnh sát biển

10:35 01-10-2021

VBĐVN.vn - Sau gần 3 năm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống, Luật Cảnh sát biển đã khẳng định cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển đảo của tổ quốc.

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Với đường bờ biển dài hơn 3.260km, hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ cùng với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn, biển đảo đã mang lại nguồn lợi đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là mối nguy cơ của việc gia tăng tình hình vi phạm, tội phạm trên biển. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác trật tự, an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, nhằm khai thác các nguồn lợi từ biển.

Có thể kể đến, Việt Nam đã chủ động tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (năm 1982), ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (năm 1998) và nhiều văn bản, chỉ thị khác. Qua 20 năm thực hiện Pháp lệnh, lực lượng Cảnh sát biển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự trên biển, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trước tình hình an ninh diễn biến hết sức phức tạp trên Biển Đông hiện nay, nhất là việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo, buôn lậu, cướp biển, vi phạm lãnh hải trong khai thác thủy sản, hải sản,… và xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải có đạo luật cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng Cảnh sát biển thực thi pháp luật trên biển, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.

Theo đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trung ương và ngày 19-11-2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019). Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển của lực lượng Cảnh sát biển nói riêng, ngành an ninh biển Việt Nam nói chung, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh pháp lý trên biển.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 08 chương, 41 điều với nhiều nội dung chi tiết; trong đó, trọng tâm Luật đã quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”; Cảnh sát biển Việt Nam có 03 nhóm chức năng, 07 nhóm nhiệm vụ, 10 quyền hạn. Ngoài ra, Luật còn quy định về tổ chức lực lượng Cảnh sát biển; hoạt động và quy chế phối hợp hoạt động; công tác bảo đảm, các chế độ, chính sách; công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan đối với Cảnh sát biển Việt Nam...

Theo thoidai.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang