Một lần đến Trường Sa
VBĐVN.vn - Biểu tượng cho sự sống - trời biển - trên những hòn đảo mà chúng tôi đã đến là chủ quyền lãnh thổ Việt Nam sẽ được kể lại với nhiều người khác trong các cộng đồng người Việt Nam ở các phương trời.
Trường Sa gần lắm
Hôm nay là ngày sinh nhật 4 tuổi của cháu, mẹ cháu hỏi: "Ba có nhớ 4 năm về trước, ngày 21-4-2016, ba ở đâu và đang làm gì không?". "Nhớ chứ, làm sao quên được" - tôi trả lời. Đó là ngày mà cháu cất tiếng khóc chào đời, tôi lênh đênh giữa biển mênh mông cùng đoàn kiều bào gồm 80 người từ 22 quốc gia do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chuyến đi thăm và động viên các chiến sĩ, người dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, từ ngày 18 đến 28-4-2016.
Hành trình 48 giờ vượt biển khá xa nhưng Trường Sa gần lắm, nằm trong trái tim của dân tộc. Một nắm đất trên đất nước, một vốc cát tại Trường Sa hay Hoàng Sa do tổ tiên ta để lại đều không thể mất. Sau 2 ngày lênh đênh trên biển thì thấy cụm đá nhô lên giữa trời và biển. Đây rồi, đảo Đá Lớn sừng sững thu hút lấy tôi. Nhìn các anh lính hải quân với nụ cười hồn nhiên của tuổi trẻ, làn da rám nắng, khỏe mạnh và luôn sẵn sàng chiến đấu, hăng say lao động, chúng tôi cảm thấy an lòng.
Nơi đây, khác với cuộc sống trên đất liền, phải tự giải quyết tất cả mọi vấn đề hằng ngày để có được chút đầy đủ cho cuộc sống, như trồng rau trong chậu, tổ chức nuôi gia súc, gia cầm. Các anh lính hải quân phải tiết kiệm từng giọt nước cho bản thân nhưng vẫn phải dành nước cho rau xanh, cho đàn gà, vịt và bầy heo lớn khỏe. Mọi suy nghĩ xáo trộn trong tôi nảy ra nhiều câu hỏi: Giữa trời nước mênh mông xa đất liền, làm sao tổ chức cuộc sống hằng ngày? Vì sao các chiến sĩ vẫn lạc quan, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió khi đời sống tinh thần thiếu thốn, xa gia đình, xa người yêu thương, xa tất cả những gì xã hội hiện đại đang có?...
Các anh hy sinh cả cuộc đời để phục vụ cho hai tiếng Việt Nam. Dù rằng hiện nay có phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, đến mỗi ngày chứ không còn đằng đẵng như xưa nhưng vẫn thật sự cách xa gia đình và cuộc sống hằng ngày của xã hội. Con vắng cha, vợ vắng chồng, vắng tất cả người thân yêu, vì Tổ quốc, thương lắm!...
"Trường Sa" ơi, hai chữ quá thiêng liêng! Bao nhiêu dũng khí của con người quyết một lòng bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn từng tấc đất không lùi bước trước sức mạnh của kẻ thù. Lịch sử đã chứng minh, ngày 14-3-1988, câu chuyện huyền thoại về thuyền trưởng Vũ Huy Lễ dưới mưa đạn của địch, quyết chí chỉ huy lao con tàu đang cháy lên bãi cạn đảo Cô Lin để giữ lấy đảo, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Hình ảnh trận chiến đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin còn đọng lại quá khứ hào hùng của các chiến sĩ Hải quân. Thà chết chứ không mất đảo! Sự hy sinh thầm lặng ấy họ không bao giờ nói ra mà luôn chung sức, đồng tâm hiệp lực cùng đồng đội làm bừng lên sức sống nơi đảo xa, giữ vững vị trí tiền tiêu, hiên ngang trước ngọn cờ đỏ sao vàng luôn luôn bay phất phới trên đảo.
Kể cho kiều bào nghe về chủ quyền
Đặt chân lên đảo Nam Yết, đứng trước tượng đài Trần Hưng Đạo uy nghi, sừng sững, hướng mắt ra vùng biển rộng lớn, tôi nghĩ ngay đến trận đại thắng Bạch Đằng, nghĩ về tinh thần đấu tranh dân tộc bảo vệ chủ quyền trên đất liền và ngoài biển. Các đảo như Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh, Trường Sa Đông và Trường Sa Lớn, cây xanh bóng mát rợp đảo, có nhiều hộ gia đình sinh sống, các cháu nhỏ được đến trường học.
Đến Trường Sa, "thủ đô" của quần đảo, nơi đây cuộc sống trên đảo thu nhỏ lại với tiện nghi như đời sống đất liền; có trường học cho các em, chùa chiền đáp ứng nhu cầu tâm linh; có trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho chiến sĩ, cư dân trên đảo và ngư dân; có trại chăn nuôi gà, vịt, heo và vườn rau sạch quanh năm… Cũng tại đây, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghiêm, đài tượng niệm liệt sĩ hiên ngang vươn lên bầu trời xanh giữa những cây cổ thụ phong ba, bàng vuông và có cả phong lan.
Đặc biệt, cây bàng vuông với hoa nở về khuya mang lại vẻ huyền bí cho đảo, được mệnh danh là nữ hoàng ở Trường Sa. Bàng vuông là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, vẫn vững vàng hiên ngang như người lính Hải quân Việt Nam trên quần đảo này.
Về đêm trên đảo, giữa trời biển bao la, tiếng sóng rì rầm, đầu sóng trắng xóa và gió biển mát dịu êm, chỉ muốn kéo dài thời gian để tận hưởng giờ phút thiêng liêng này vì không biết bao giờ đuộc trở lại để nhìn thấy đời sống giữa thiên nhiên trời và biển đẹp như nơi đây. Tiếng nhạc vang lên - phần trình diễn của đoàn văn công cùng đi với đoàn đến động viên các chiến sĩ trong hành trình thăm đảo.
"Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ/ Ta ca vang, triền miên qua tháng ngày, lượn bay trên núi đồi biên cương đến nơi đảo xa...". Chúng tôi không muốn rời nơi đây nhưng rồi phải ra đi với nỗi lưu luyến.
Chặng cuối cùng của hành trình là thăm nhà giàn DK1 - cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Trên nhà giàn DK1, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ở đây vẫn trồng được những vạt rau xanh trên một ngôi nhà "sàn" cắm chân giữa biển, không đất, không nguồn nước ngọt tự nhiên. Dù diện tích chật hẹp nhưng mỗi chiến sĩ ở nhà giàn đều nỗ lực tự tăng gia sản xuất, đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Sự cần cù, chịu khó, sáng tạo và đoàn kết của bộ đội trên Nhà giàn DK1 đã vượt qua mọi yếu tố thời tiết, khí hậu bất lợi, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, vững vàng bám trụ nơi đầu sóng và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Theo hoinhap.vietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận