Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị cho các tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển
Lữ đoàn 127 là lực lượng nòng cốt của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế biển, du lịch và dịch vụ, nhưng tương đối phức tạp vì chưa được phân định rõ ràng, còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam–Campuchia; vùng chồng lấn giữa Việt Nam–Thái Lan–Malaysia và Việt Nam–Thái Lan.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước tại vùng biển này, các tàu của Lữ đoàn 127 thường xuyên hoạt động dài ngày trong điều kiện cơ sở vật chất, tàu thuyền, vũ khí, trang bị kỹ thuật và công tác bảo đảm có mặt còn hạn chế, đời sống hậu phương gia đình của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn. Thực tiễn đó đặt ra cho Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn phải có chủ trương lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các mặt công tác, trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) cho các tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển là một nội dung được đơn vị quan tâm, lãnh đạo nhằm xây dựng tổ chức và con người vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Những năm qua, hoạt động CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển của các tàu thuộc Lữ đoàn đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sự lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ và vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên được giữ vững và phát huy. Trong điều kiện nguy hiểm, phức tạp, sóng to, gió lớn, bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, tinh thần khắc phục khó khăn của bộ đội càng được nâng lên. Tuy nhiên, hoạt động CTĐ, CTCT của một số tàu vẫn còn những mặt hạn chế nhất định, như: Một số cấp ủy, cán bộ chưa thấy hết được vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT, coi đó là việc riêng của chính trị viên. Kế hoạch CTĐ, CTCT chưa bám sát nhiệm vụ quân sự, chưa dự kiến được những tình huống có thể xảy ra, các biện pháp xử lý còn mang tính chung chung. Trước khi tàu thực hiện nhiệm vụ, chưa tổ chức quán triệt, triển khai một cách toàn diện, cụ thể các mặt hoạt động CTĐ, CTCT cho cán bộ, chiến sĩ. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, công tác báo cáo, rút kinh nghiệm còn chậm, chưa kịp thời.
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động CTCĐ, CTCT cho các tàu làm nhiệm vụ dài ngày trên biển trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình và yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chất lượng, hiệu quả quá trình thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển của các tàu phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của từng cấp ủy, chi bộ. Do vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là một nội dung cơ bản của CTĐ, CTCT.
Trước hết, từng chi ủy, chi bộ phải chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo chính trị, tư tưởng, bảo đảm quá trình thực hiện nhiệm vụ có định hướng chính trị đúng, hiệu quả cao. Muốn vậy, phải thường xuyên chú trọng kiện toàn cấp ủy, xây dựng chi ủy, chi bộ trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; rèn luyện đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống trung thực lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí, đồng đội, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ. Thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết của cấp ủy đảng các cấp, mệnh lệnh, kế hoạch, chỉ thị của cấp trên; nắm vững tình hình mọi mặt của chi bộ và tàu để đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, coi trọng tính quyết đoán của thuyền trưởng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, nhất là khi có các tình huống xảy ra.
Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cấp ủy, chi bộ, chính trị viên về hoạt động CTĐ, CTCT. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT của các tàu. Bởi vì, khi tàu hoạt động trên biển là khi đang thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, là khi cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ xa sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ trực tiếp của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn. Do vậy, nhận thức tốt, sâu sắc, đầy đủ mới hành động đúng và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ngược lại, nhận thức sai hoặc chưa đầy đủ thì không thể động viên, phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu, ý chí quyết tâm, tinh thần khắc phục khó khăn của bộ đội, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí thực hiện không đúng quan điểm, đường lối của Đảng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Mặt khác, khi tàu hoạt động độc lập, dài ngày trên biển sẽ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống phức tạp. Vì vậy, cấp ủy, chi bộ cần nắm vững chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Luật biển Việt Nam năm 2012, những quan điểm, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; quan điểm, chủ trương giải quyết các tranh chấp trên biển của Đảng, Nhà nước ta; đối tác, đối tượng, những diễn biến mới trên các vùng biển, đảo… để đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, tiến hành CTĐ, CTCT sát nhiệm vụ, kịp thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bộ đội. Khắc phục biểu hiện sơ sài hoặc coi nhẹ các hoạt động CTĐ, CTCT trong quá trình tàu thực hiện nhiệm vụ.
Đội ngũ chính trị viên tàu phải có bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức toàn diện về các ngành trên tàu; nắm chắc tình hình, nhiệm vụ, những thuận lợi, khó khăn, tư tưởng chính trị, ý chí quyết tâm của bộ đội, thực trạng chất lượng tiến hành CTĐ, CTCT để tham mưu cho chi ủy, chi bộ lãnh đạo, triển khai kịp thời, đồng bộ, thường xuyên. Đồng thời phải phát huy được vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí cấp ủy viên, trưởng ngành trong tàu nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng quyết tâm cho bộ đội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ba là, dự kiến được những tình huống phát sinh; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành CTĐ, CTCT và xử trí có hiệu quả các tình huống xảy ra. Khi tàu hoạt động dài ngày trên biển, ngoài việc phải đối phó với hiểm nguy, sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ còn phải căng mình cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù nên dễ phát sinh nhiều tình huống ngoài kế hoạch đã xác định. Do vậy, nội dung, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT của các tàu phải dự kiến được những tình huống có thể xảy ra cùng các biện pháp xử trí hiệu quả để tránh bị động, bị bất ngờ, giữ vững niềm tin, ý chí, quyết tâm cho bộ đội.
Thực tiễn hiện nay, quá trình tàu hoạt động dài ngày trên biển không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định mà còn phải làm tốt công tác tuyên truyền biển đảo, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. Cho nên, hoạt động CTĐ, CTCT không thể tiến hành một cách đơn điệu, rập khuôn, máy móc mà phải đi sâu, bám sát từng vị trí chiến đấu, từng ngành, từng bộ phận, khi đó mới xác định được nội dung, biện pháp tiến hành các hoạt động CTĐ, CTCT phù hợp, hiệu quả.
Vì vậy, cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất chính trị tốt, tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao và ý thức chủ động, sáng tạo trong đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền biển, đảo cho ngư dân gắn với làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tốt trong thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Các tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển trong điều kiện căng thẳng, khó khăn, độc hại, cường độ hoạt động liên tục nên cán bộ, chiến sĩ có nhu cầu cao về đời sống vật chất và tinh thần. Do đó, bên cạnh thực hiện tốt Thông tư số 104/2014/TT-BQP ngày 13-8-2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trang bị, vật tư, sách báo và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa phục vụ CTĐ, CTCT trong quân đội, cấp ủy, chỉ huy tàu cần phải thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần, nhất là các hoạt động văn hóa văn nghệ, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội trước, trong và sau khi đi biển về để giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nâng cao chất lượng CTĐ, CTCT trong quá trình tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển là một nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết trong bối cảnh tình hình trên các vùng biển nước ta có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, đòi hỏi các tàu cần phải thực hiện đồng bộ, tổng thể các giải pháp nêu trên. Đây là những giải pháp cơ bản, có vai trò, ý nghĩa quan trọng, có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau. Khi tiến hành, cần phải nắm vững, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhiệm vụ để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc./.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận