Nghiên cứu, đánh giá các vấn đề ưu tiên trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ tại địa phương ven biển

08:46 02-02-2021

I. Mở đầu Hiện nay, trên thế giới, quản lý tổng hợp biển và hải đảo chủ yếu được áp dụng cho vùng bờ biển (bao gồm cả vùng bờ các hải đảo) vì vùng bờ biển là khu vực có nhiều tài nguyên, có nhiều tổ chức, cá nhân cùng khai thác, sử dụng. Ngoài ra, vùng bờ biển còn chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động của con người trong lục địa. Với nhiều hoạt động khai thác, sử dụng của con người, tài nguyên vùng bờ dễ bị suy thoái. Với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và xả thải chất nhiễm bẩn, môi trường và các hệ sinh thái vùng bờ rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra, nhiều tổ chức/cá nhân cùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ đã làm xuất hiện nhiều mâu thuẫn, dẫn tới gia tăng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển.

Khái niệm vùng bờ biển ở các quốc gia khác nhau rất khác nhau. Một số quốc gia coi vùng bờ biển là khu vực có phần đất ven biển và phần biển ven bờ với chiều rộng khoảng 3 hải lý tính từ đường cơ sở. Một số quốc gia khác lại coi vùng bờ biển là khu vực có phần đất ven biển và phần biển ven bờ với chiều rộng bằng lãnh hải… Đã có một số nước đang cố gắng mở rộng phạm vi quản lý tổng hợp ra hết vùng biển đặc quyền kinh tế như Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Quản lý tổng hợp vùng bờ (QTHVB) được coi là phương pháp quản lý các tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo ở vùng bờ nhằm đảm bảo sử dụng bền vững và phát triển hợp lý các tài nguyên đó. Thông qua QLTHVB, việc sử dụng tài nguyên cho các mục đích khác nhau và lợi ích từ tài nguyên, kể cả các vấn đề về kinh tế- xã hội và môi trường, được cân đối hài hòa. Phương thức này không chỉ hữu hiệu đối với vùng bờ, mà còn cần thiết cho việc quản lý tài nguyên và môi trường ở bất cứ khu vực nào.

II. Nghiên cứu, đánh giá các vấn đề ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ tại địa phương ven biển

Theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được lập cho khu vực vùng bờ có các đặc trưng sau:

a) Tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và có mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên cần sự phối hợp tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và cộng đồng để giải quyết;

b) Tài nguyên, giá trị các hệ sinh thái của khu vực vùng bờ có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng do hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên; là vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao;

c) Có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Một số văn bản pháp luật được ban hành gần đây đã phần nào đưa ra các giải pháp chung, định hướng chung cho các tỉnh, thành phố ven biển trong vấn đề ưu tiên khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ tại các địa phương ven biển. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp cận và triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ cụ thể tại địa phương.

Tuy nhiên, tại các tỉnh ven biển đã xuất hiện một số vấn đề bất cập, nảy sinh trong khai thác sử dụng tài nguyên vùng bờ, đó là: suy giảm không gian các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển; suy giảm đa dạng sinh học do mất không gian sống và môi trường bị thay đổi; suy giảm nguồn lợi biển và các loài quý hiếm có giá trị kinh tế và bảo tồn cao; tài nguyên nước mặt suy thoái do chất lượng kém; tài nguyên vùng bờ bị khai thác và sử dụng cạn kiệt phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Nguyên nhân do thiếu cơ sở khoa học, quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên vùng bờ còn thiếu cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo của nhiều khu vực làm cho vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ngày càng đứng trước nhiều thách thức, nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển ở vùng bờ bị ô nhiễm đến mức báo động.

Thách thức của phát triển vùng bờ bền vững là hài hòa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và con người, đảm bảo lợi ích cho các thế hệ hiện nay và mai sau. Mô hình để đạt phát triển bền vững thể hiện trên từng lĩnh vực theo cách tiếp cận khác nhau. Mỗi cách tiếp cận vấn đề cho ra nội hàm xác định và đánh giá khác nhau tuy nhiên đều đảm bảo các nguyên tắc phát triển bền vững.

Tại thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ đã nêu ra các nhóm giải pháp ưu tiên để thực hiện Chương trình QLTHVB như sau:

a) Nhóm giải pháp về thể chế, chính sách;

b) Nhóm giải pháp về tăng cường năng lực quản lý nhà nước;

c) Nhóm giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và các bên liên quan về quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;

d) Nhóm giải pháp về tài chính;

đ) Nhóm giải pháp về các công cụ kỹ thuật hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;

e) Nhóm giải pháp về hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia tích cực và hiệu quả trong quá trình quản lý;

g) Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Các địa phương ven biển có thể tham khảo các nhóm giải pháp ưu tiên này để vận dụng, đề ra hướng ưu tiên cho địa phương mình trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ.

Trên cơ sở các nhóm giải pháp được nêu ra trong thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, các tỉnh ven biển cũng cần tham khảo và đảm bảo các nguyên tắc ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ như sau:

- Thứ nhất lầ tính chiến lược: Việc lựa chọn các vấn đề quản lý ưu tiên phải đảm bảo tính chiến lược, ở từng giai đoạn nổi lên những nhiệm vụ cụ thể, nhưng xuyên suốt quá trình sẽ có những vấn đề ưu tiên theo thứ tự.

- Thứ hai là tính tổng hợp: Quản lý tổng hợp biển có tính chất đa ngành, đa mục tiêu và đa lợi ích. Các vấn đề lựa chọn ưu tiên phải đáp ứng được yêu cầu này, phục vụ nhiều lĩnh vực, đáp ứng được nhiều mục tiêu phát triển và mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là những lợi ích có tính kết hợp, vì số đông cộng đồng và vì người nghèo.

- Thứ ba là tính thích ứng: Mỗi giai đoạn quản lý có những hoàn cảnh cụ thể về kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kèm theo những vấn đề môi trường nổi bật. Vấn đề được lựa chọn ưu tiên theo giai đoạn phải phù hợp với điều kiện vùng bờ biển được dự báo.

- Thứ tư là tính cấp bách: Ở giai đoạn QLTHVB khởi đầu, sẽ nổi lên những vấn đề cần giải quyết ngay, tránh để lại những hậu quả lâu dài, khó khắc phục, mặc dù xuyên suốt quá trình.

Phát triển dịch vụ bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa, kết hợp hài hòa lợi ích kinh tế với ổn định chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh. Phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển tổng hợp du lịch biển - núi - hải đảo, tạo ra sản phẩm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, độc đáo, đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa.

Một trong những xu hướng thịnh hành toàn cầu ngày nay là sự tập trung dân số và các hoạt động phát triển ở vùng bờ biển. Sự tập trung như vậy khiến cho vùng này ngày càng trở nên quan trọng và càng cần phải sử dụng hiệu quả không gian biển, đặc biệt là không gian vùng bờ. Hầu hết các địa điểm quan trọng nhất đối với các hoạt động của con người lại nằm chính ở vùng này. Hai vùng này hỗ trợ cho nhau cả về khía cạnh các quá trình tự nhiên lẫn khía cạnh xã hội.

Vùng bờ biển là khu vực có tiềm năng vị thế cho phát triển kinh tế xã hội tại mỗi quốc gia. Các tỉnh ven biển cần tận dụng và sử dụng khôn khéo các lợi thế của nó trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế xã hội ở vùng bờ biển cũng đã và đang tạo sức ép rất lớn đến hoạt động bảo tồn, cũng như việc bảo vệ tài sản và nguồn vốn tự nhiên từ các hệ sinh thái của toàn vùng. Những hoạt động như vậy nằm ngoài sự kiểm soát của cộng đồng dễ bị ảnh hưởng tại đây, do đó cần sớm có các chính sách quản lý nhà nước mang tính liên ngành đối với vùng bờ biển.

Trong những năm qua, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Việt Nam đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển - vùng ven biển và đã đạt được những thành tựu cơ bản quan trọng. Khoảng 20 triệu người dân ven biển và trên các hải đảo có sinh kế trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào nguồn lợi biển đem lại. Mức sống của họ phụ thuộc chủ yếu vào nguồn sản vật của biển và ven biển. Điều này khẳng định nếu con người biết đầu tư vào bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái vùng bờ là đầu tư cho tương lai của chính mình, đặc biệt đối với những người dân nghèo sống ven bờ biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của Quốc hội, số 82/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Thông tư số 49/2017/TT-BTNMT ngày 30 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ;

Thông tư số 74/2017/TT-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định kỹ thuật về lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

http://vasi.gov.vn/Pages/nghien-cuu-danh-gia-cac-van-de-uu-tien-trong-qua-t-fc7a.aspx

Nguồn:vasi.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang