Người của đảo

09:14 19-12-2019

Anh Danh Tốt đứng ở mũi tàu, tay khum khum che mắt nhìn xa tít tắp ngoài khơi, biển xanh biếc, gợn sóng nhấp nhô theo những làn gió nhẹ. Nắng sớm chan hòa trên mặt biển lóng lánh như dát bạc. Tàu của anh đã ra khá xa đảo Hòn Ngọc. Anh sinh ra trên hòn đảo nhỏ này và thừa hưởng nghề đánh cá của ông cha truyền lại. Sóng, gió, nắng biển đã ngấm vào máu thịt của anh từ lúc nào không biết, nó là đời sống của anh cũng như của bà con trên đảo quê anh. Bỗng anh Danh Tốt giật mình khi thấy từ đường chân trời, một màn đen nhô lên rồi từ từ dâng cao, những ánh chớp xẹt ngang, sáng lóa trong vùng mây đen, báo hiệu một cái gì không bình thường đang kéo đến.

Anh Danh Tốt lẩm bẩm:

Đang trời yên biển lặng, sao có đám mây kỳ lạ thế?

Kinh nghiệm những lần đi biển cho anh nhận định chính xác những gì sắp xảy ra. Anh cầm máy bộ đàm gọi cho bà con Hòn Ngọc đang đánh bắt trong vùng:
- Bà con chú ý, có bão. Chuẩn bị thu lưới để quay về đất liền ngay lập tức!
Tiếng Mai Hường vọng lên trong máy bộ đàm:

- Anh à, em cũng thấy hiện tượng lạ quá, nhưng sao không thấy đài khí tượng thông báo?

Anh Danh Tốt đáp:

- Có thể đây là một cơn bão xuất hiện bất ngờ. Mọi người hãy rút về ngay!
Tiếng Mai Hường:

- Dạ, chúng em đang thu lưới đây, anh cũng nhanh lên vì lưới của anh nhiều lắm. Em sợ anh không thu kịp.

- Anh biết rồi, anh lo cho em đấy. Tàu của em cũng nhanh lên nhé!
Anh Danh Tốt cài máy vào thắt lưng rồi nói với các thuyền viên:

- Hùng, Thắng, Quân, thu lưới mau kẻo bão đến.

Không cần đợi anh Danh Tốt giục, các thuyền viên đã nhanh tay ào ào kéo lưới. Tàu của anh Danh Tốt là tàu có nhiều lưới câu mực nhất. Anh có đến ba ngàn mét lưới. Hơn một ngàn mét lưới câu mực ống, còn lại là lưới câu mực bạch tuộc. Loại lưới câu mực bạch tuộc là do anh Danh Tốt “phát minh” ra. Một lần nọ anh nhảy xuống biển gỡ lưỡi câu. Trong lúc gỡ lưới, anh thấy mấy con ốc biển, con nằm ngửa, con nằm sấp. Anh nhặt mang lên thuyền và nhận ra con ốc nằm sấp là ốc còn sống, con ốc nằm ngửa là con đã chết. Anh ngạc nhiên khi một lúc sau thấy một con bạch tuộc chui ra từ con ốc đã chết. Anh lẩm bẩm: “Bọn bạch tuộc chui vào vỏ ốc làm gì nhỉ? Sao lúc mình bắt, nó không chui ra, đến bây giờ mới ló mặt là cớ làm sao?”.

Còn Mai Hường, cô nhìn anh Danh Tốt thân thể cường tráng đứng trước mũi thuyền, cười sảng khoái. Anh mặc quần đùi, ở trần, ngực vồng lên những múi như lực sĩ thể hình.

Anh Danh Tốt cười đưa cho cô hai con ốc vừa thu được. Anh nói:

- Đố em biết trong hai con ốc này có cái gì?

- Ốc này là ốc chết chỉ có cái vỏ mà thôi.

- Rồi em sẽ thấy.

Quả nhiên mấy phút sau, từ trong vỏ ốc chú mực bạch tuộc ngo ngoe những chiếc xúc tu rồi từ từ bò ra.

Anh Danh Tốt cười tươi nói với Mai Hường:

- Em biết không, loại mực bạch tuộc chui vào vỏ ốc làm tổ. Thậm chí chúng còn tha đồ ăn về “nhà” vì thấy nó “ấm cúng”. Vậy thì ta sẽ có cách làm nhà cho chúng ở.
- À, ra là vậy! - Mai Hường mừng rỡ thốt lên, rồi cô nói đùa - Anh ác lắm nghen, dám phá nhà của người ta.

Anh Danh Tốt cãi:

- Anh chẳng vừa bảo phải làm nhà cho mực ở là gì.

- Anh khéo chống lắm, em chịu thua anh rồi. Cũng tại loài mực này lười lao động. Ở đời không có chuyện không làm mà có sẵn nhà để ở. Chết là phải lắm.
Từ bữa đó, anh Danh Tốt đi kiếm vỏ ốc. Cần số lượng nhiều, anh vào Kiên Giang đặt những nhà hàng hải sản thu mua thêm. Rồi anh mua máy cưa, máy đục, mua dây cước về sản xuất đồ nghề câu mực. Vỏ con ốc, anh cắt cho gọn lại, khoét một lỗ để ròng sợi dây. Anh nghĩ ra cách câu đại trà là dùng một sợi dây chính, loại này phải to bền, có gắn phao để dây nổi trên mặt nước. Cứ mỗi đoạn chừng hai mét nối một sợi dây phụ sao cho độ dài đủ đụng đáy biển mang theo một con ốc. Hôm đầu tiên anh rải khoảng hai trăm mét với một trăm con ốc làm thí nghiệm. Ngày hôm sau khi kéo lưới, có hơn năm mươi chú mực bạch tuộc dính câu.
Mai Hường thích lắm, cô cười sung sướng nói với Danh Tốt:

- Phải trao giải Nobel cho anh thôi, đây là một “phát minh vĩ đại”!

Anh Danh Tốt làm thêm lên năm trăm mét. Hôm sau, anh cùng Mai Hường và Hùng, Thắng, Quân ra biển. Mọi người hồi hộp kéo lưới. Khi “đoàn quân bạch tuộc thất trận lũ lượt ra hàng” thì mọi người nhảy lên hoan hô, ôm chầm lấy anh Danh Tốt. Buổi thu hoạch đầu tiên họ đã có gần chục ký mực. Sáng kiến này của anh Danh Tốt được anh phổ biến cho tám chiếc thuyền của đảo Hòn Ngọc. Từ đó người ta tôn anh Danh Tốt là thủ lĩnh của đảo. Nhưng anh Danh Tốt chỉ cười hiền, tiếng cười rất vô tư. Bởi thế mà người dân trên đảo đều yêu quý anh. Riêng Mai Hường, cô nhìn anh bằng ánh mắt hình trái tim đỏ thắm. Đã có lần đứng bên anh, cô giục:

- Anh à, anh ngoài ba mươi tuổi rồi, lấy vợ đi chứ

Danh Tốt nhìn Mai Hường, thật thà:

- Anh thô vụng lắm, chẳng cô nào để ý đến anh đâu.

Mai Hường cười, đôi mắt lấp lánh:

- Ở Hòn Ngọc này, có nhiều cô gái để ý đến anh đấy!

Mai Hường thầm nghĩ, anh Danh Tốt đúng như cái tên của anh, tốt thật. Nếu là người ta, họ sẽ giữ bí mật sáng kiến này để một mình làm giàu. Còn anh lại phổ biến cho nhiều người. Nhiều nhà chung tiền mua thêm tàu câu mực như anh, chẳng mấy mà hòn đảo nhỏ đã có chín con tàu câu mực. Vùng biển quanh Hòn Ngọc được khoanh vùng, chia lô như trên đất liền, mỗi con tàu nhận một lô và buông câu ở lô của mình. Anh Danh Tốt không chiếm chỗ tốt của người khác, anh cho thuyền đi xa hơn để đánh bắt ở nơi mà bà con không ra tới.

Hòn đảo như có một sức sống mới, người ta hăng hái vào đất liền mua ốc, mua lưới. Tiếng máy cưa vang lên rộn ràng, tiếng cười nói râm ran khắp đảo vì câu càng nhiều, thu hoạch càng lớn. Từ khi có nghề câu bạch tuộc, nhà Mai Hường cũng sắm hẳn một con tàu câu. Cô trở thành thuyền trưởng, còn thủy thủ là cha cô và hai em trai. Có lần cập bến, gia đình cô thu được hai tạ mực. Mỗi ký mực bạch tuộc bán được tám mươi ngàn đồng. Hai tạ mực vị chi thu được mười sáu triệu đồng, có tháng gia đình cô thu được hơn hai trăm triệu đồng. Nhà cô bây giờ sắm được ti-vi, tủ lạnh, xe máy và nhiều tiện nghi khác. Cô nhẩm tính, chỉ nửa năm thôi nhà cô đã có bạc tỷ. Ôi, nằm mơ cũng không nghĩ đến có được ngày hôm nay!

Cô lại nhớ đến anh Danh Tốt đứng trước mũi tàu, da thịt bắt nắng ánh lên như đồng hun, chân tay, ngực vồng lên những múi như lực sĩ, lòng dạt dào thương nhớ.
Tấm màn đen ở phía chân trời đã dâng lên cao, che lấp ánh nắng mặt trời làm biển tối sầm lại. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, sóng biển dâng lên từng đợt vỗ vào mạn tàu làm con tàu lắc lư lúc trồi lên, lúc hụp xuống khiến các thuyền viên vốn quen với nghề đi biển cũng thấy chóng mặt, bụng dạ cồn cào. Anh Danh Tốt hét to át cả tiếng gầm rú của sóng gió:

- Mọi người nhanh tay, bão lớn lắm.

Tiếng Mai Hường vang lên trong máy bộ đàm:

- Em lo cho anh lắm, anh Danh Tốt! Anh ở xa nhất, em sợ anh về không kịp.
Anh Danh Tốt cũng hét lên trong tiếng gió vù vù và tiếng sóng cuồn cuộn vỗ ầm ầm vào mạn tàu:

- Anh lo cho em, tàu nhà em nhỏ mà mọi người lại chưa quen, em vào trước đi!
Nói rồi anh Danh Tốt thoăn thoắt cùng các thuyền viên kéo lưới lên tàu, vỏ ốc va nhau kêu lốc cốc. Bỗng một tiếng sét chói tai ngay trên mui thuyền. Sóng biển dâng cao như những mái nhà, đổ ập xuống thuyền anh. Nước biển tràn vào, ngập lưng lửng các khoang tàu. Anh Danh Tốt hét lên, chỉ huy mọi người:
- Nổ máy bơm, hút nước ra ngoài.

Thắng vội bỏ lưới chạy lại đuôi tàu giật máy. Tiếng máy bơm vang lên, nước được bơm ra khỏi mạn tàu tung tóe, nhưng những đợt sóng khác dâng lên, nước lại lênh láng trên thuyền. Anh Danh Tốt ra lệnh:

- Dùng cả bơm tay

Anh nói với các thuyền viên:

- Đã thu hết lưới câu bạch tuộc, giờ thu lưới câu mực ống.

Mọi người nhanh tay kéo đường lưới ở cách đó không xa, đó là lưới câu mực ống. Loại lưới này còn đắt hơn lưới câu mực bạch tuộc. Đây cũng là sáng kiến của anh Danh Tốt. Sau thắng lợi trong việc câu mực bạch tuộc, bà con nói với anh, mực bạch tuộc giá thấp hơn mực ống, giá mà ta câu được mực ống thì tốt biết mấy. Anh Danh Tốt ngẫm nghĩ, đúng là giá mực ống đắt gấp đôi mực bạch tuộc, trên thị trường khoảng một trăm sáu mươi ngàn đồng một ký. Anh Danh Tốt lại lặn xuống biển theo dõi những đàn mực ống bơi và xem chúng bắt mồi như thế nào. Anh phát hiện ra chúng thích bắt tôm. Anh Danh Tốt nghĩ làm sao mình kiếm được tôm mồi thật giống để đánh lừa mực. Anh làm thử con tôm giả, cũng cong cong, sơn màu rồi gắn ở đuôi con tôm một chùm lưỡi câu sắc lẻm.

Buổi thí nghiệm có Mai Hường, Hùng, Thắng, Quân. Mọi người cùng hồi hộp thả chú tôm giả xuống biển. Anh Danh Tốt lặn theo quan sát. Từ dưới nước anh thấy chú mực ống nhìn con mồi nhưng không lao đến chộp. Cả một buổi chiều, anh không giật được chú mực nào. Nhiều đêm trằn trọc, anh đi đến kết luận, “chỉ tại tôm của mình còn thô quá, cần có con tôm y như thật mới lừa được loài mực ống”. Đợt thử nghiệm thứ hai, khi con tôm giả của anh nhấp nháy theo làn nước thì một chú mực ống lao đến chộp mồi. Hắn ta chụp đúng vào đuôi con tôm đã gắn lưỡi câu sắc lẻm, thế là hết đường chạy trốn. Chiếc phao nhấp nháy trên mặt nước báo hiệu con mồi đã dính câu, Mai Hường giật mạnh và reo lên:

- Dính rồi, dính rồi! Một chú mực ống…

Cuộc thí nghiệm đã thắng lợi. Mai Hường nhìn anh Danh Tốt bước lên mũi tàu, nước chảy ròng ròng từ mái tóc xuống chân, miệng cười chưa bao giờ tươi đến thế. Câu đầu tiên anh thốt lên:

- Đảo chúng ta giàu rồi, giàu rồi!

Sau này nhớ lại, Mai Hường cứ rưng rưng, bởi anh không reo lên “chúng ta giàu rồi” mà là “đảo chúng ta giàu rồi”. Câu đầu tiên anh đã nghĩ đến quê hương của mình. Từ hôm đó hòn đảo nhỏ lại như có một làn sóng vui mừng khác, tưng bừng còn hơn Tết. Tuy vậy anh Danh Tốt và những người tìm ra nghề câu mực ống lại gặp khó khăn mới: nếu cứ buông từng cần câu như thế thì thu được bao nhiêu mực một ngày? Phải có cách nào câu mực đại trà chứ. Anh Danh Tốt lại nhớ đến cách câu mực bạch tuộc của mình. Anh làm một đường câu gắn những chiếc phao cho nổi trên mặt biển, rồi gắn thêm sợi dây nối với con tôm giả lơ lửng dưới nước, cách mặt biển chừng hai mét, đường lưới của anh có thể dài đến hàng nghìn mét, cứ hai mét có một con mồi. Cách câu mực đại trà quả nhiên thu được thắng lợi như câu mực bạch tuộc vậy. Mỗi gia đình đánh bắt một lô khoảng mấy cây số vuông, đến lúc thu hoạch chỉ việc kéo đường dây lên thuyền là dính hàng đàn mực ống. Thật thú vị vì lúc này câu mực ống, bạch tuộc chỉ toàn dùng mồi giả. Mỗi ngày, một con tàu cũng thu được hơn một tạ mực ống. Điều này có nghĩa là thu nhập của tàu câu mực nhân lên gấp đôi.

Hòn Ngọc những năm qua giàu lên trông thấy. Nhà ngói đã được xây tươi roi rói quanh những rặng dừa xanh biếc, dân giàu lại thu hút người đến du lịch. Hòn Ngọc còn trở thành hòn đảo du lịch. Mai Hường nghĩ, sáng kiến của anh Danh Tốt làm giàu cho quê hương cô, bây giờ anh lại nhường cho mọi người câu ở gần đảo, anh phải đi xa. Bởi thế khi bão đến anh là người chịu nhiều nguy hiểm nhất.
Cơn bão đang lồng lộn chực nhấn chìm tất cả tàu thuyền trên đường nó đi qua. Bão đã lên cấp 10 mà anh Danh Tốt vẫn chưa vào. Mai Hường hét lên trong máy:

- Anh vào nhanh lên, nguy hiểm lắm rồi!

Anh trả lời:

- Mọi người cứ vào trước đi.

Mai Hường khóc:

- Mọi người không thể bỏ anh được, mọi người đang chờ anh vào, có sống phải cùng sống.

Cả tám thuyền trưởng các tàu khác đều giục anh vào. Họ nói, anh đã hết lòng vì quê hương thì họ cũng không bỏ anh. Anh biết, nếu mình tiếc đường lưới mà ở lại sẽ làm liên lụy đến cả tám con tàu khác nên quyết định bỏ lưới lại.
Người đi biển sợ nhất những con sóng bỏ vòi. Gió đẩy nước lên không trung tạo thành những cột nước như vòi rồng rồi chiếc vòi ấy đổ ập vào khoang tàu mang theo một lượng nước khổng lồ, nhấn con tàu chìm xuống biển sâu. Chiếc tàu của anh Danh Tốt đã ăn mấy vòi nước như thế làm khoang tàu ngập chìm trong nước. Những chiếc máy bơm vẫn hoạt động hết công suất, hai thuyền viên vẫn ráng hết sức bơm nước ra khỏi tàu. Anh Danh Tốt rút dao cắt phăng đường lưới, chịu hy sinh một khối tài sản khá lớn nằm lại đáy biển rồi nói to:
- Quay đầu, tiến vào bờ. Không được chạy ngang chiều gió, phải lựa theo chiều gió để tránh các đợt sóng lớn.

Anh cũng hét lên trong máy bộ đàm:

- Chúng tôi đang vào bờ, các thuyền viên hãy cho tàu chạy xuôi theo chiều gió sẽ gặp chúng tôi.

Mai Hường nhìn ra phía xa, cô cười sung sướng khi thấy con tàu của anh Danh Tốt rập rình theo sóng biển, tiến tới gần. Có lúc tưởng như con tàu mất hút sau đợt sóng bỏ vòi cao như ngọn núi ập xuống. Hơn một tiếng sau, tàu anh Danh Tốt mới đuổi kịp những con tàu đang chạy chầm chậm chờ anh. Khi chín con tàu đã chạy song song nhau thì sóng gió cũng đã bớt nguy hiểm.

Lúc đó trên bãi biển hàng ngàn người dân đội mưa gió đứng nhìn về phía khơi xa. Hầu như những người sống trên đảo đều có người thân đang vật lộn với sóng gió. Bão ở ngoài đảo khác với trong đất liền, cường độ gió và sóng dữ dội hơn nhiều. Nhìn ngoài biển chỉ thấy một màu trắng đục, những con sóng đổ vào ghềnh đá bị hất tung lên trời cao với cường độ dữ dội. Khi từ đường chân trời nhô lên một đoàn tàu đang rập rình, lúc ngoi lên, lúc hụp xuống trong sóng gió cuồng nộ, những người dân đảo đồng thanh reo lên:

- Về rồi, về rồi. Sống rồi, sống rồi!

Khi đoàn tàu cập bến, những người trên tàu nhảy xuống, những người trên đảo cũng ào xuống theo, họ ôm lấy nhau trong gió, trong mưa. Mai Hường hớt hải chạy tìm tàu của anh Danh Tốt. Kia, anh Danh Tốt đây rồi, cô lao đến với anh, họ ôm chầm lấy nhau. Mai Hường vừa khóc, vừa cười:

- Anh ơi, em tưởng không được nhìn thấy anh nữa!

Anh Danh Tốt siết chặt Mai Hường vào lòng, cười vang:

- Anh là người của biển, chết làm sao được.

Mai Hường hét lên bên tai anh:

- Anh còn là người của đảo, của em nữa!

Theo: Nhân dân cuối tuần.

Nguồn:Nhân dân cuối tuần

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang