Nhiếp ảnh khơi dậy niềm tự hào, tình yêu biên cương, biển, đảo Tổ quốc

16:02 13-03-2023

VBĐVN.vn - Trong những năm gần đây, giới nhiếp ảnh Việt Nam luôn quan tâm đầu tư thời gian, dồn tâm huyết sáng tác về đề tài biển, đảo, biên cương Tổ quốc. Những tác phẩm nóng hổi hơi thở hiện thực vùng biên cương, biển, đảo đã có đóng góp tích cực trong bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

1. Cách đây 70 năm, tại Đồi Cọ, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL ngày 15-3-1953 thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; nêu cao những thành tích, những gương đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam; giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh, kiến thiết của nhân dân các nước bạn; giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân”. Đó là định hướng bao quát đã soi đường cho nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam phát triển rực rỡ, đồng hành với dân tộc, đất nước trong các giai đoạn lịch sử. Đến nay, chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn nguyên vẹn trong lòng công chúng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ ở Mặt trận Đông Khê, bộ đội kéo pháo vào Mặt trận Điện Biên Phủ... Đó là những khoảnh khắc tạc vào lịch sử.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, người chiến sĩ Việt Nam đối mặt với kẻ thù cả trên không, mặt đất và trên biển. Hình ảnh “Tiếp nhanh thêm đạn”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” của Nguyễn Hân, “Tải đạn ra chiến trường” của Lê Chí Hải... ghi lại tư thế dũng cảm của bộ đội. Với những cái nhìn trực diện khác, tác phẩm “Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu” của Đoàn Công Tính, “Đánh chiếm đồn Cái Keo” của Trần Bỉnh Khuôl... đã khắc họa cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ của dân tộc ta. Đặc biệt, bộ ảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ của Triệu Đại là bằng chứng đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam. Bộ ảnh đã được in phóng kịp thời gửi sang Hội nghị Geneva trưng bày, có ý nghĩa to lớn trên mặt trận ngoại giao, góp phần tác động đến cuộc hòa đàm, đem lại hòa bình cho dân tộc ta.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham quan triển lãm Cuộc thi “Tự hào một dải biên cương” năm 2022. Ảnh: VIỆT TRUNG

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vấn đề biên cương, biển, đảo nối tiếp mạch nguồn sáng tạo trong quá khứ, tiếp tục thể hiện trách nhiệm công dân, ý thức dấn thân cho lý tưởng cách mạng, nghệ thuật vị nhân sinh của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

Biên cương, biển, đảo luôn gợi nhắc cảm xúc tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhiếp ảnh gia. Các tác phẩm nhiếp ảnh về chủ đề này luôn có giá trị tích cực trong bảo vệ chủ quyền, phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế về biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần xây dựng, củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

2. Với mong muốn quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, các nghệ sĩ và những người yêu nhiếp ảnh đã tự tổ chức những chuyến đi khám phá và ghi lại những hình ảnh đẹp ở các vùng biên giới và biển, đảo. Nhận thức được tầm quan trọng của chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ngày 22-10-2018 về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", cùng sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan đã lên ý tưởng về cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia về chủ đề biên giới và biển, đảo.

Năm 2018, Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Biển, đảo quê hương” lần đầu tiên được tổ chức. Sau hơn 5 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút 900 tác giả từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước với 5.291 tác phẩm ảnh đơn và ảnh bộ dự thi. Ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra hơn 200 tác phẩm vào vòng chung khảo và trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba, 10 giải khuyến khích. Giải Nhất được trao cho tác phẩm “Biển đợi” của tác giả Nguyễn Viết Rừng (Hải Phòng) và bộ ảnh “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo” của tác giả Trần Duy Tình (Bình Dương).

Năm 2020, Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” được tổ chức lần đầu trong bối cảnh đầy khó khăn của đại dịch Covid-19. Cuộc thi nhằm đổi mới nội dung, hình thức, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, thông tin đối ngoại về chủ quyền biên giới lãnh thổ; giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp, tiềm năng của các tuyến biên giới quốc gia đến với công chúng trong và ngoài nước.

Năm 2021, Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia về đề tài biển, đảo quê hương với tên gọi “Tổ quốc bên bờ sóng” diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, nhưng các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện tác nghiệp để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, tôn vinh vẻ đẹp biển, đảo và vùng trời Tổ quốc. Cuộc thi có sự tham gia của hơn 1.000 tác giả đến từ 59 tỉnh, thành phố, với gần 6.000 tác phẩm gửi dự thi. Ban tổ chức đã chọn ra 121 tác phẩm vào vòng chung khảo và đã trao 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 6 huy chương đồng, 10 giải khuyến khích. Hai giải Nhất của cuộc thi là tác phẩm “Phong cảnh dọc bờ biển Phú Yên” (ảnh bộ) của tác giả Lê Châu Đạo (Phú Yên) và tác phẩm “Xóm biển Tuy Phong” (ảnh đơn) của tác giả Từ Thế Duy (Kiên Giang).

Tiếp nối thành công của cuộc thi trước, năm 2022, Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” được tổ chức lần thứ hai. Cuộc thi lần này có sự gia tăng về số lượng và chất lượng tác phẩm gửi dự thi. Chỉ trong vòng 5 tháng, Ban tổ chức đã nhận được gần 10.000 bức ảnh tham gia, với 5.765 ảnh đơn và 503 ảnh bộ của 1.000 tác giả đến từ 63 tỉnh, thành phố. Ban tổ chức đã lựa chọn ra 210 tác phẩm để tổ chức triển lãm giới thiệu tới công chúng trên mọi miền của Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Trong đó vinh danh và trao giải cho 22 tác phẩm xuất sắc nhất, gồm: 2 giải vàng, 4 giải bạc, 6 giải đồng và 10 giải khuyến khích. Hai giải Vàng thuộc về ảnh đơn “Vui ngày hội té nước Khmer Nam Bộ” của Nguyễn Hoàng Nam (An Giang) và ảnh bộ “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào” của Nguyễn Văn Hoàng (Quảng Trị).

3. Từ phong trào sáng tác rộng khắp về biển, đảo, biên cương đã phát hiện nhiều nghệ sĩ trẻ tiềm năng, có nhiều tác phẩm tốt; tăng khả năng tuyên truyền về bảo vệ lãnh thổ, nâng cao tinh thần yêu nước, góp phần quảng bá kinh tế, du lịch; phát hiện và tôn vinh những tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong phát triển kinh tế-xã hội và trong bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ, vùng biển, đảo Tổ quốc.

Biển, đảo, biên cương và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng, không thể bị xâm phạm, không thể đánh đổi và không thể nhân nhượng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực còn diễn biến nhanh chóng, phức tạp, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên cương phải thực sự trở thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam, trong đó có giới nghệ sĩ nhiếp ảnh. Vì thế, trong thời gian tới, để việc sáng tác, quảng bá về chủ đề biên cương, biển, đảo hiệu quả hơn, thiết nghĩ, hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố cần phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân... tạo điều kiện cho các nhà nhiếp ảnh đi sáng tác tại các vùng biên giới, hải đảo; tổ chức nhiều cuộc thi, cuộc triển lãm về đề tài biên cương; tổ chức những hoạt động xã hội mang tính tuyên truyền, quảng bá, đưa những tác phẩm nhiếp ảnh về biển, đảo, biên cương đến gần hơn với công chúng, từ các tầng lớp học sinh, sinh viên đến trí thức và kiều bào nước ngoài.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh TRẦN THỊ THU ĐÔNG, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang