Nhìn sao, dò đáy biển, xuôi ngược Hoàng Sa - Trường Sa. Bài 1: Từ An Dũ ra Cù Lao Ré và Hoàng Sa 58 năm về trước
VBĐVN.vn - Ngày 20-2-2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trả lời báo chí, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với ngư dân lớn tuổi ở các tỉnh miền Trung, thông tin này đã làm nhiều người cảm động và kể lại câu chuyện 1 đời sống chết với biển khơi. Loạt phóng sự này tôn vinh những kình ngư không quản thân mình, góp phần cho nghề biển phát triển đến ngày nay.
Năm 1966, ngư dân làng An Dũ bên sông Lệ Giang (nay thuộc phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu đưa đoàn thuyền rời làng, chạy giặc, thanh niên tránh bắt quân dịch. Chàng ngư dân Phạm Văn Nhân (SN 1930) đã cùng nhiều người ra tạm cư ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Từ đây, những chiếc thuyền có điều kiện vươn khơi, tới quần đảo Hoàng Sa.
Bàn đạp vươn ra biển lớn
Năm 1966, thời điểm các đảo Hoàng Sa nằm ở cụm Nguyệt Thiềm có lính Việt Nam Công hòa đồn trú trên các hòn đảo Duy Mộng, Quang Hòa, Hoàng Sa và tàu RVNS Hương Giang HQ-04 liên tục chở lính, nước ngọt luân phiên 3 tháng đổi gác 1 lần. Chàng ngư dân Phạm Văn Nhân và những người em của mình đã đi trên thuyền đánh lưới chuồn tới gần đảo. Ông Nhân nhớ lại: "Ra tới Cát Vàng, hòn đảo thấp lài lài vậy đó. Có hòn đảo thì thấy trụ cao, nhiều bóng cây".
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển, nên ông Nhân đã sớm được rong ruổi cùng những chuyến hải hành đi đánh bắt cá. Để được theo chân cha đi chài lưới, từ năm 10 tuổi, cậu bé Nhân thường trốn dưới đống lưới và chờ cha nhổ neo ra biển thì mới chui ra "đầu thú”. Người cha biết con trai sinh ra là để làm ngư dân, nên sớm cho con đi theo học nghề. Cậu Nhân chiều lòng cha bằng cách sử dụng con cuối (dây thừng xơ dừa đã qua sử dụng) để hun lửa liu hiu suốt cả ngày lẫn đêm. Phong tục thời đó, giữ lửa là "điềm hên".
Năm 1950, ngư dân Phạm Tường (SN 1908, cha của ông Nhân), thường đi đánh cá bằng thuyền buồm. Ngày đó, đi biển nhưng phải luôn ngóng lên ngọn núi phía Nam để xem căng cờ tín hiệu. Bà con dựng một trụ cao trên núi và cử người canh gác, nếu tàu của Pháp tiến vào gần thì kéo tấm chăn lên - xuống liên hồi để ngư dân chạy ghe vô bờ, nếu không sẽ bị bắt và tra hỏi, giống như nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi từng bị: ui son lét Jet Minh? (Où sont les Viet Minh?), tức Việt Minh ở đâu.
Năm 1965, ông Nhân bị lính Duyên đoàn 21 kẹp tàu vô bắt, đưa đi khám sức khỏe, dù ông Nhân nói "tui đã 35 tuổi, vợ con có rồi, làm sao đi lính được?". Ông trốn thoát vào thời điểm làng chài liên tục bị bom đạn. Người trong làng và ông Nhân nói về việc tìm nơi trú ẩn an toàn nhất là ra đảo Lý Sơn. Vậy là khoảng 20 chiếc thuyền đưa hết người nhà lên và đi thẳng ra đảo.
Đi tít mù khơi
Năm 1966, từ đảo Lý Sơn, ông Nhân cùng những người em ruột là Phạm Lệnh, Phạm Buông, Phạm Nở chạy ghe quanh đảo Lý Sơn kiếm cá chuồn, nhưng chỉ có loại cá nhỏ. Cá chuồn rắc ở gần bờ chỉ to hơn ngón tay cái và nhiều xương, còn cá chuồn cồ thì to hơn cổ tay, thịt trắng, ít xương, rất thơm ngon. Thứ cá đó nằm ở hướng cách đảo Lý Sơn hơn 100 hải lý về hướng Đông, tận bãi Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa).
Những người đàn bà ở Lý Sơn chỉ tay và nói rằng, "xứ đó cá lút đầu, nhưng mà rất dễ chết". Nghe chuyện ớn lạnh, nhưng ông Nhân không ngán, vẫn nói anh em sẵn sàng ra đi.
Lý Sơn năm 1966 giống như một cánh rừng xanh rì giữa biển, khắp xóm làng bạt ngàn cây mù u để ép lấy dầu thắp đèn. Ngư dân ở đảo Lý Sơn thời đó chưa có ghe để đi xa, phần lớn là xuồng nhỏ để đi đánh cá, khi gió bão thì kéo tuột ghe lên bờ. Nhiều người dân đảo ra ngắm chiếc ghe gắn 2 máy của 4 anh em ông Phạm Văn Nhân và khoái nhất là ngồi thử trên chiếc thuyền và nổ máy rẽ nước chạy băng băng.
Xác định được hướng đảo Hoàng Sa qua lời kể "đảo Cát Vàng" của người dân Cù Lao Ré, đoàn thuyền An Dũ bắt đầu "mở biển". Âm thanh của 2 chiếc máy nổ đẹt đẹt và chẳng mấy chốc con thuyền đã mất hút tầm mắt của các bà vợ. Ở đảo vắng hẳn tiếng súng đạn và thỉnh thoảng mới nghe được tiếng gà gáy buồn tẻ trên thuyền. Trưa hôm trước con thuyền ra đi, sáng hôm sau vợ các ngư dân lại chạy vô dinh Tam Tòa, miếu Âm Linh Tự để vái lạy, xin Thần Nam Hải đại tướng quân phù hộ.
Ông Nhân và ông Lệnh hồi tưởng lại, cứ đi tới gần vùng biển Hoàng Sa, cúi sát mặt nước đã thấy cá bơi dày đặc. Ngư dân gọi đó là "dòm cá”. Nhưng thời đó đi biển không có đá lạnh và chỉ có cá chuồn ướp muối là thứ hải sản có thể để được dài ngày. Có chuyến ra Hoàng Sa, chỉ quăng một mẻ lưới là gỡ cá thâu đêm, sau đó chạy vô bờ.
Trở lại Cát Vàng
Sau ngày 24-3-1975, tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng, toàn bộ dân làng An Dũ tạm cư ở đảo quay trở về quê hương. Anh em ông Nhân có một chút nấn ná, vì về quê thì đường trở lại Hoàng Sa sẽ xa xôi hơn. Khi đặt chân về mảnh đất lau lách um tùm, không còn lối đi, anh em ông đã khiến người làng chài phát sốt vì bung tiền ra xây nhà. Thành quả của 9 năm ra Hoàng Sa được ông xây dựng một ngôi nhà cấp 4 vững chắc, trị giá 34 cây vàng. Thời bao cấp, 1 cây vàng mua được 9 bao xi măng, ông Nhân chạy mua được 109 bao xi măng và phải bí mật vận chuyển vào ban đêm, vì nguồn xi măng mua từ "chợ trời".
Ông Nhân bỏ tiếp ra mấy chục cây vàng nữa để nâng cấp, đóng tàu đánh bắt xa bờ, vì tính từ Bình Định, đường ra đảo giờ đã xa xăm hơn nhiều. Chiếc tàu mới có chiều dài 16,5 mét. Mấy người em trong gia đình cũng tách ra đóng tàu và tuyển bạn chài đi đánh cá chuồn. Nhờ đi với anh em ông nên ngư dân học được cách đi biển dài ngày ở vùng xa khơi. Mọi người nhìn vào tài sản và sự thành công của anh em ông nên có động lực.
Ngư dân An Dũ rời đảo Lý Sơn, nhưng 4 anh em ruột của ông thì vẫn trở lại thường xuyên, đi từ Bình Định ra đảo, kéo thêm bạn chài, sau đó tiếp tục ra Hoàng Sa, ra đảo Cát Bà ở Hải Phòng, đi các đảo Cồn Cỏ ở Quảng Trị, vào tận vùng biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Mãi tới năm 1997, thiết bị định vị vệ tinh cho tàu cá mới ra đời, vì vậy trước đó các ngư dân mò mẫm đi ngang dọc trên biển đều phải xem sao Bánh Lái, sao Hôm, thuộc lòng cả trăm câu thơ chỉ đường: "Bãi Săn, bãi Sóc thấp cao/Gió lại quay vào tới bãi Cu Đê/Bãi Dài là bãi Thanh Khê/Đà Nẵng vũng Bạc lại về Hà Thanh...".
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, "thông thường những làng chài nào có thế hệ cha ông đi biển giỏi, dám vươn khơi, vươn xa từ rất sớm ra Trường Sa, Hoàng Sa thì các thế hệ kế cận cũng sẽ đều là những kình ngư giỏi và làng biển đó phát triển giàu mạnh. Thế hệ đó giờ có nhiều người đã qua đời, nhưng họ đã truyền cho con cháu họ niềm say mê rất đáng trân trọng".
(Còn tiếp...)
VĂN CHƯƠNG - DUY TRUNG
(congan.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận