Vững chãi Trường Sa - Bài 5: Mầm xanh mọc lên từ muối mặn Biển Đông

11:52 20-02-2024

VBĐVN.vn - “Chúng tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình để Trường Sa giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, thỏa lòng mong mỏi của nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài”. Đó là lời hứa tôi đã nghe thấy từ chính những cán bộ chỉ huy đảo, từ những chiến sĩ bảo vệ đảo, từ những người dân và cả các cháu học sinh đang sinh sống trên các xã đảo, những nơi đoàn công tác tới thăm, chúc Tết và kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu.

Lời hứa từ biển

Vâng! Chúng tôi đã nghe thấy những lời hứa ấy từ những cán bộ, chiến sĩ đã, đang công tác tại quần đảo Trường Sa, và cả những lời hứa của thế hệ tương lai, là những em, những cháu đang sinh sống tại các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Dù rất nhỏ, nhưng các em đã thể hiện rõ mong ước, lớn lên sẽ đi bộ đội Hải quân để bảo vệ quần đảo quê hương.

Lời hứa ấy tôi đã nghe thấy trong diễn văn đọc tại Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma.

Các chiến sĩ thả hoa, hạc giấy tại Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma.

Tại buổi lễ ấy, trong không khí linh thiêng ở vùng biển năm xưa nơi các Anh hùng liệt sĩ Hải quân đã chiến đấu quả cảm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Trung tá Bùi Văn Quê, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, thay mặt đoàn công tác xúc động phát biểu: “Từ ngày các đồng chí hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân luôn quan tâm, đầu tư xây dựng quần đảo phát triển mạnh về mọi mặt. Đồng bào cả nước vẫn luôn hướng về Trường Sa, quan tâm giúp đỡ về cơ sở vật chất và tinh thần. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn phát huy bản chất và truyền thống tốt đẹp, phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, để bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa, xứng đáng với sự công hiến, hy sinh của các đồng chí, xứng đáng với sự quan tâm và lòng tin yêu của Đảng, đồng bào chiến sĩ cả nước”.

Lễ chào cờ đầu năm tại đảo Sinh Tồn.

Để thực hiện lời hứa ấy, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã quên đi tình riêng, quên đi những vất vả, khó khăn để tập trung cho nhiệm vụ cao cả, xây dựng các xã đảo ngày càng giàu mạnh, xanh - sạch - đẹp, tiện nghi, là nơi đáng sống, có điều kiện cơ sở vật chất tốt để hỗ trợ nhân dân vươn khơi, bám biển, làm giàu nhờ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng.

Ở đâu đó trên các xã đảo, vẫn có những câu chuyện buồn của một công nhân gác ngọn hải đăng, anh ít về nhà, để khi người vợ vì không chịu được cô đơn,… đã tìm bến đỗ hạnh phúc mới. Đâu đó vẫn có chị em thấy nhớ nhà, nhớ đất liền, lo lắng cho tương lai con trẻ liệu có được học hành đủ đầy, rồi sau này, có theo kịp bạn bè cùng trang lứa trong đất liền...

Cuộc sống ở đâu cũng vậy, cái lo, nỗi buồn vẫn hiện diện. Kể ra như thế để thấy, không ít người đã vượt lên chính mình, quên đi cái riêng của mình, biết hy sinh vì cái chung, vì sự nghiệp dài lâu.

Các cháu nhỏ ở xã đảo Song Tử Tây được quan tâm thiết thực với trường học, khu vui chơi sạch, đẹp.

Những vất vả, nỗi buồn riêng tư rồi sẽ qua đi, sự lo lắng cũng được xua tan khi cuộc sống trên đảo luôn tràn đầy sự yêu thương, đoàn kết thật lòng, giúp đỡ nhau thật trong sáng, tất cả vì một ngày mai tốt đẹp, vì một tương lai vững mạnh của toàn huyện đảo.

Tôi đã nghe thấy những lời chia sẻ thật lòng của chị Hảo, chị Châu Úc… ở xã đảo Song Tử; những lời cảm ơn tự đáy lòng của gia đình chị Ngọc, chị Huyền… ở xã đảo Sinh Tồn đối với các thầy Phan Quang Tuấn, thầy Nguyễn Hồng Lĩnh ở Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn; thầy Lê Anh Chiến, thầy Bùi Tiến Anh ở xã đảo Song Tử Tây....khi các thày luôn hết lòng chăm lo, dạy dỗ con em họ.

Thầy Nguyễn Hồng Lĩnh và học sinh lớp 4 Huỳnh Minh Trí tại Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn.

Các chị nói với chúng tôi rằng, con chúng em những ngày đầu ra đây vốn dĩ chưa ngoan đâu. Do ở đất liền chúng em bận bịu công việc, các cháu ở nhà chủ yếu sống với ông bà lên các cháu tự do, nói năng chưa lễ phép, kết quả học cũng chưa tốt. Thế nhưng, chỉ sau mấy tháng ra xã đảo, được sự chỉ bảo tận tình, nghiêm khắc nhưng cũng rất tình cảm, ân cần của các thầy, tất cả các con đều tiến bộ vượt bậc. Kết quả học tập đã tốt hơn, các cháu đã ngoan và lễ phép hơn, biết vâng lời bố mẹ, thầy giáo và các chú bộ đội trên đảo.

Những “đại sứ” của Trường Sa

Làm thế nào để những đứa trẻ 10 tuổi, 9 tuổi cho đến 2 tuổi hoặc 3 tuổi lại có thể nhanh hòa nhập với cuộc sống ở trên đảo như vậy? Qua câu chuyện hàng giờ với các thầy giáo ở hai xã đảo Song Tử TâySinh Tồn chúng tôi đã hiểu. Chính tấm lòng, tình yêu với con trẻ, ý chí quyết tâm vượt khó đã giúp các thầy vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, xây dựng ngôi trường dưới bóng bàng vuông, dù chỉ hai lớp học thôi nhưng luôn đầy ắp tiếng cười.

Học sinh mầm non và tiểu học tại xã Sinh Tồn.

Thầy giáo “già” Phan Quang Tuấn chia sẻ câu chuyện về quá trình thầy đăng ký ra giảng dạy ở xã đảo Sinh Tồn để tôi hiểu hơn về công việc và cuộc sống của thầy ở đảo; để tôi hiểu hơn tại sao các cháu ở đây lại nhanh ngoan như thế; để tôi hiểu hơn lời hứa của thầy với các phụ huynh rằng, nhất định các cháu đủ trình độ thi học sinh giỏi với các bạn trong đất liền.

Xin giải thích thêm tại sao tôi gọi thầy Phan Quang Tuấn - người thầy với khuôn mặt hiền lành, hơi khắc khổ, thâm trầm, giọng nói ấm áp, chậm rãi, đặc sệt âm địa phương, là thầy giáo “già”. Vì so với tuổi được phép đăng ký ra các xã đảo thực hiện công tác giảng dạy, thầy vượt 15 tuổi so với quy định. Thầy Tuấn sinh năm 1968, đã có 37 năm trong nghề dạy học sinh tiểu học. Mà độ tuổi được phép đăng ký ra giảng dạy ở huyện đảo Trường Sa là không quá 40, nhất định phải là nam giới.

Thầy Phan Quang Tuấn đang lên lớp.

Thầy Tuấn kể, để được công tác tại xã đảo, thầy đã phải vượt qua nhiều cuộc “kiểm tra”, “sát hạch”. Bước đầu tiên và khó nhất là việc thầy vượt qua chính mình. Nhiều đêm thầy tự vấn lòng mình xem mình có thực sự muốn làm công việc giảng dạy ở đảo không? Mình có đủ sức khỏe, sự tự tin và liệu có thể làm tốt được công việc ở đảo không? Và thầy đã vượt qua bài kiểm tra chính mình. Tự làm công tác tư tưởng rằng mình có thể vượt qua tất cả để đến với các em học sinh thân yêu ở huyện đảo Trường Sa. Bước tiếp theo, thầy phải làm công tác tư tưởng với gia đình, đặc biệt là vợ thầy. Vợ thầy sức khỏe không tốt lắm. Bao năm thầy vẫn trợ giúp vợ mình trong mọi việc nhà. Giờ con thầy đã lớn, phụ giúp cho mẹ, điều này khiến thầy vơi bớt nỗi lo.

Sau đó, thầy phải vượt qua cuộc kiểm tra y tế xem có đủ sức khỏe không. Tiếp đó, thầy phải giải trình với lãnh đạo về sự tình nguyện của mình… Vượt qua tất cả, thành ý của thầy, tâm huyết, trách nhiệm với Trường Sa, với Tổ quốc của thầy Phan Quang Tuấn đã được tổ chức chấp thuận, gia đình cũng động viên thầy yên tâm lên đường làm nhiệm vụ, hoàn thành tâm nguyện được cống hiến những năm cuối cùng của sự nghiệp trồng người tại đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Gia đình hạnh phúc, các con được sự quan tâm của chính quyền, các thầy cô, chỉ huy đảo, nhất định các cháu sẽ trở thành những công dân tốt.

Ở Trường Tiểu học xã đảo Sinh Tồn, thầy Tuấn được phân công dạy hai nhóm lớp. Lớp mẫu giáo 2-3 tuổi và lớp 2, lớp 3. Thầy nói, mỗi ngày lên lớp là mỗi câu chuyện, chuyện nào cũng vui, tiếng cười của con trẻ, khí hậu trong lành trên đảo, sự ấm cúng như trong gia đình ở nơi đây giúp thầy khỏe hơn.

Thầy nói: "Mỗi ngày tôi cũng đi bộ ít nhất là trên 5km, sức khỏe tôi giờ đã tốt hơn nhiều". Thầy nói đùa rồi khoe cơ bắp tay, và nói thêm, dạy các cháu tiểu học thì khá đơn giản, đó là sở trường của thầy. Thầy tự tin là các cháu do thầy phụ trách nhất định có trình độ tương đương học sinh giỏi trong bờ, vì ở đây học sinh ít, thầy có nhiều điều kiện kèm cặp, hướng dẫn, kiểm tra sát sao, giúp các em tiến bộ rất nhanh, kiến thức chắc chắn, tự tin khi sau này về lại đất liền.

Còn với lứa tuổi mầm non, mẫu giáo… làm thầy vui nhiều, nhưng cũng mệt. Tôi ngồi ở một góc kín quan sát mới thấy thật thương thầy. Thầy giáo già vừa phải múa, phải hát, vừa phải dỗ dành, nhắc được đứa này, đứa khác lại quậy. Lớp học thật náo nhiệt, vui, nhưng cũng khá quy củ, các em học sinh rất biết nghe lời thầy.

Thầy tâm sự, không có chuyên môn sâu về cấp học mầm non, mẫu giáo, nên phải tự học, tự đọc rất nhiều tài liệu để có thể hiểu hết giáo trình, hướng dẫn các em học sinh theo trình tự giáo án, phải duy trì lớp học vừa vui nhưng vẫn quy củ. “Các cháu tuy hiếu động, hồn nhiên nhưng khá thông minh, tiếp thu bài tốt, lễ phép. Sau mấy tháng, cháu nào cũng ngoan hơn. Được phụ huynh đánh giá rất cao. Chỉ huy đảo, cán bộ xã cũng đánh giá cao chất lượng lớp học”, thầy Tuấn nói.

Các cháu nhỏ tại xã đảo Song Tử Tây trình bày tiết mục văn nghệ.

Trái với lớp học náo nhiệt của thầy Tuấn, lớp học của thầy Nguyễn Hồng Lĩnh lại khá yên tĩnh, khi chỉ có một học trò, đó là em Huỳnh Minh Trí, học sinh lớp 4 duy nhất của trường. Thầy lĩnh được phân công dạy nhóm lớp 4 tuổi, 5 tuổi và lớp 4, lớp 5. Thầy Lĩnh cho biết, việc dạy cho một học sinh trong thời gian dài cũng có những thuận lợi và cả khó khăn. Thuận lợi thì đã rõ, đó là việc kèm cặp, truyền tải kiến thức, kiểm tra và hướng dẫn, nâng cao trình độ…

“Hai thầy trò nhiều khi như hai cha con vậy. Cháu học lớp 4 nên đã hiểu biết nhiều thứ. Khổ nhất là cháu không có bạn cùng trang lứa để tâm sự, học hỏi, chơi cùng. Các em ở trên đảo thì lại bé hơn, nhiều khi cháu chỉ biết bầu bạn với thầy. Hai thầy trò tôi phải đóng vai là những người bạn, thầy hỏi trò, rồi trò hỏi thầy về những vấn đề hợp với lứa tuổi của Trí. Tránh tối đa việc để cháu hụt hẫng về cảm xúc, tình cảm. Ngoài ra, để nâng cao trình độ cho cháu, tôi đã phải cài thêm các phần mềm dạy tiếng Anh, nhạc, mỹ thuật… những môn học thường phải có giáo viên chuyên biệt”.

Các cháu nhỏ luôn nhận được sự quan tâm của toàn đảo.

Thầy Lĩnh khoe, Trí đặc biệt thích vẽ, vẽ khá đẹp. Nắm được sở trường của Trí, thầy đã tìm hiểu các giáo trình trên mạng, nhờ người trong đất liền gửi tài liệu, giáo án ra đảo, tự nghiên cứu và bồi dưỡng môn vẽ cho Trí. Thầy Lĩnh đưa điện thoại cho tôi và khoe một số bức vẽ của Trí được thầy chụp lại. Thầy nói rằng, tôi đã gửi các bức vẽ về cho tổ giáo viên ở đất liền, nhờ các thầy có chuyên môn nhận xét, sau đó, thầy nói lại với Trí những nhận xét đó. Việc kết nối với người có chuyên môn giúp Trí phát triển kỹ năng vẽ rất tốt.

Tôi hỏi chuyện Trí, được em kể: "Em thích nhất là vẽ cảnh quê em và cảnh đẹp ở đảo Sinh Tồn cũng như các hòn đảo khác ở Trường Sa; cảnh những người nông dân, ngư dân và các chú bộ đội Hải quân. Em ra đảo Sinh Tồn này được gần 1 năm, em đã vẽ khá nhiều bức tranh về các chú bộ đội, về cảnh đẹp những vòm cây xanh, về biển với cột mốc chủ quyền, về những âu tàu tấp nập tàu cá ra vào… Sau này lớn lên em mong muốn đi bộ đội, rồi làm họa sĩ để vẽ lại thật nhiều cảnh đẹp ở Trường Sa".

Trí cũng tâm sự em thương thầy Lĩnh nhiều. Cả ngày em học với thầy, lớp có hai thầy trò, cũng hơi buồn, nhưng em học được nhiều kiến thức hơn, được thầy quan tâm nhiều hơn. Thầy nói với em rằng, trình độ của em tốt, em có thể yên tâm khi vào trong đất liền học với các bạn.

Các con thật hồn nhiên trong những trò chơi như bao đứa trẻ ở đất liền.

Chia sẻ với chúng tôi về tương lai của Trí và cả ngôi trường trên đảo Sinh Tồn, thầy Lĩnh cho biết, để người dân yên tâm sinh sống, để các em yên tâm ở lại, tới đây, một ngôi trường Trung học cơ sở có thể được xây dựng thêm để các em có thể học từ cấp tiểu học lên cấp trung học cơ sở. Đây cũng là chủ trương chung của Nhà nước, giúp nhân dân thuận tiện nhất trong quá trình sinh sống, lập nghiệp tại các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.

Một tiết mục văn nghệ đón Xuân Giáp Thìn 2024 do chiến sĩ đảo Song Tử Tây biểu diễn.

Mong ước của các thầy giáo tại xã đảo Sinh Tồn cũng là mong ước của các thầy giáo tại xã đảo Song Tử. Thầy Lê Anh Chiến cho biết, nếu có thêm một trường trung học cơ sở thì rất tốt. “Các em sẽ là lứa học sinh đặc biệt. Những công dân lớn lên từ Trường Sa, học tập tại Trường Sa. Các em chính là những “đại sứ” của Trường Sa. Chỉ có các em là người cảm nhận cuộc sống, môi trường giáo dục và tương lai Trường Sa rõ nhất. Các em chính là mầm xanh mọc lên từ muối mặn Biển Đông, là tương lai của Trường Sa”.

Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị đã đi vào thực tiễn từ những câu chuyện thật giản dị, từ chính hành động thật thiết thực. Nhân dân các xã đảo trên huyện đảo Trường Sa đã và đang cùng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam chung tay vì một Trường Sa vững chãi, Trường Sa giàu mạnh, Trường Sa của tương lai, niềm tự hào nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Ghi chép của NGUYỄN HÒA

Nguồn:Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang