Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương ven biển

11:58 20-08-2024

VBĐVN.vn - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện các chương trình, đề án, dự án trong Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương ven biển.

Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương được phân công tại Phụ lục danh mục chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ thực hiện chiến lược cho giai đoạn 2021 - 2030 kèm theo Nghị quyết số 48/NQ-CP về phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sớm bổ sung, hoàn thiện phê duyệt các chương trình, đề án, dự án còn lại để các địa phương có căn cứ thực hiện; đồng thời nghiên cứu, xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp đối với từng vùng, miền, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương ven biển.

Trả lời cử tri về việc triển khai Nghị quyết số 48/NQ-CP, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong Danh mục nhiệm vụ tại Phụ lục của Nghị quyết số 48/NQ-CP có 18 nhiệm vụ thì 7 nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện Chiến lược và được giao chủ trì 8/18 nhiệm vụ, trong đó có 02 nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: Đề án xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển quốc gia đến năm 2030; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Để triển khai các chương trình, đề án, dự án còn lại, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 7688/BTNMT-BHĐVN gửi các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ; và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ.

Đối với 8 nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, Bộ đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.

Về xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ 5 chủ trương lớn, trong đó có chủ trương về phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển.

Theo đó, vùng biển và ven biển phía Bắc (Quảng Ninh - Ninh Bình) sẽ tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện; phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới.

Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ (Thanh Hoá - Bình Thuận) sẽ phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp sạch; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.

Vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh) sẽ phát triển cảng biển container quốc tế, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ ngành Dầu khí.

Vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ (Tiền Giang - Cà Mau - Kiên Giang) sẽ tập trung xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế; phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo, nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Các Nghị quyết nêu trên đã xác định việc phát triển các vùng phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu… đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, trong đó có các địa phương ven biển.

Phạm Oanh (monre.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang