Phát triển năng lượng gió trên biển: Từ chính sách đến thực tiễn

10:34 29-03-2022

VBĐVN.vn - Trong bối cảnh tài nguyên thủy điện nước ta không còn nhiều, năng lượng than cũng gặp phải nhiều khó khăn về nguồn nhiên liệu, ảnh hưởng đến môi trường… điện hạt nhân chưa thể triển khai trong tương lai gần, thì năng lượng gió ở Việt Nam đang mở ra xu hướng mới cho nguồn năng lượng của đất nước.

Ảnh minh họa

Chủ trương và định hướng

Trong những năm gần đây, các chủ trương, định hướng của Đảng và chính sách lớn của Chính phủ đã từng bước tạo nhiều thuận lợi để có thể phát triển nguồn năng lượng này. Các chính sách mới đã sẽ kích thích các nhà đầu tư xây dựng thêm nhiều các dự án điện gió.

Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lần đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo được nhắc đến là 1 trong 5 mũi nhọn phát triển bền vững kinh tế biển. Các loại hình năng lượng tái tạo trên biển gồm có: năng lượng sóng, gió, thủy triều, dòng chảy và năng lượng mặt trời. Ở Việt Nam, năng lượng tái tạo trên biển có tính khả thi nhất đó là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “… Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục ...”. Hiện nay một số các đảo gần bờ đã có hệ thống điện lưới quốc gia như Phú Quốc, Cù Lao Chàm, Cô Tô… Với các đảo xa, thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết để đảm bảo có điện thì năng lượng tái tạo là giải pháp chính quan trọng để cung cấp năng lượng ổn định, giá thành phải chăng. Việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trong Nghị quyết 36 sẽ là cú hích cho khai thác tài nguyên này trên biển.

Gần đây, ngày 11-02-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với nội dung: “Đối với điện gió và điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”. Đây được coi là bước đột phá trong phát triển năng lượng, là chìa khóa cho tư nhân đầu tư vào dự án năng lượng, điện.

Đồng thời, Quyết định 2068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có mục tiêu: Từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý. Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và phấn đấu vào khoảng 45% vào năm 2050.

Trước đó, ngày 10-9-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió ở Việt Nam. Theo đó, giá mua đối với các dự án điện gió trên biển là 2.223 đồng/kWh tương đương 9,8 UScent/kWh. Giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Khi Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ Châu Âu sẽ dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Hiệp định cũng đã có nội dung quy định liên quan đến năng lượng tái tạo và tăng cường tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải thấp và năng lượng tái tạo. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới, thúc đấy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ, tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và các khu vực lân cận.

Thực hiện Điều 45 Luật biển Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10-02-2021 quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, (thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP). Nghị định số 11/2021/NĐ-CP được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về giao khu vực biển, khai thác, sử dụng tài nguyên biển phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghị định đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường và các địa phương có biển giao khu vực biển cho các dự án điện gió.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành như: Công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN&MT; công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và Hướng dẫn kỹ thuật xác định mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Việc xác định đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm là cơ sở để các dự án điện gió tính toán giá bán điện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam với mục tiêu giảm phát thải ròng Cacbon bằng 0 vào năm 2050; đồng thời giảm các dự án điện than, thì việc phát triển các dự án điện gió có vai trò quan trọng là chìa khóa để thực hiện mục tiêu đề ra.

Phương hướng trong thời gian tới

Để đạt được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cam kết tại COP26 và đáp ứng được nhu cầu sử dụng biển của các dự án điện gió, trong thời gian tới, các chính sách về năng lượng gió ngoài khơi cần giải quyết các yêu cầu sau:

Một là, cũng như tài nguyên đất, diện tích biển cũng có giới hạn do đó việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên biển đã được ghi vào Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đối với các dự án điện gió, các cơ quan chuyên môn cần rà soát các quy hoạch, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xem xét điều chỉnh diện tích khu vực biển cụ thể sử dụng cho từng dự án trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, hành lang an toàn và nhu cầu sử dụng khu vực biển bảo đảm sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên biển.

Hai là, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, do vậy, đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc khai thác năng lượng gió ngoài khơi cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình lập các quy hoạch. Theo quy định, một trong các căn cứ để giao khu vực biển là các quy hoạch nêu trên.

Ba là, Bộ Công Thương cần sớm ban hành quy định cụ thể về diện tích sử dụng khu vực biển có thời hạn của các dự án điện gió trên biển.

Điện gió là một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ đối với Việt Nam, trong thời gian tới việc phát triển còn gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, việc xây dựng các chính sách là rất quan trọng. Điện gió là nguồn điện giảm thiểu carbon nhiều nhất, có thể thay thế các nguồn điện than dự kiến cắt giảm tới đây để giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26.

Theo vasi.gov.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang