Phát triển ngành thủy sản bền vững: [Bài 3] Đa giá trị từ nuôi biển tự nhiên
VBĐVN.vn - Nuôi biển tự nhiên không chỉ phục hồi lại nguồn lợi thủy sản quý hiếm mà còn giải quyết vấn đề sinh kế, mang lại thu nhập cao cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Hiện nay, tình hình sụt giảm trữ lượng hải sản và suy thoái nguồn lợi, đa dạng sinh học biển đã gióng lên hồi chuông báo động từ nhiều năm qua. Nhằm phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, từ những năm 1970, những quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Na Uy… đã “bồi đắp” cho sinh vật biển bằng cách nuôi biển tự nhiên.
Nuôi biển tự nhiên được hiểu là thả con giống ra biển để đạt kích thước thương mại rồi mới khai thác. Việc này có 2 ý nghĩa. Thứ nhất, là tái tạo lại nguồn lợi trong tự nhiên hiện đã bị khai thác quá mức. Thứ hai, là khai thác khi các loài hải sản đã đạt kích thước thương mại sẽ kết hợp được giữa bảo tồn thiên nhiên cũng như giải quyết sinh kế, tăng thu nhập cho người dân và các doanh nghiệp.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT) khẳng định, để hiện thực hóa Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển thì một trong những chiến lược của Việt Nam là giảm khai thác và tăng nuôi biển, trong đó có nuôi biển tự nhiên.
Đối với nuôi biển tự nhiên, không có khu vực nào tốt bằng ở các Khu bảo tồn biển. 27 khu bảo tồn biển hình thành trong thời gian tới được phân ra làm các khu vực khác nhau: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phục hồi sinh thái; Phân khu dịch vụ - hành chính và vùng đệm. Hiện nay, các khu bảo tồn biển đã có trong quy hoạch, những khu vực nào được nuôi và nuôi loài nào sẽ được quy định.
“Ngoài ra, trong 27 khu cư trú nhân tạo thuộc 149 khu vực biển khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng là nơi để nuôi biển tự nhiên. Chúng tôi đã điều tra, đánh giá, xác định ranh giới tọa độ, phạm vi và môi trường rất tốt. Tất nhiên, còn phải tùy tình hình của từng địa phương để có những khu vực phù hợp.
Cùng với việc xác định vùng nuôi biển tự nhiên thì cần phải hoàn thiện công nghệ sinh sản nhân tạo để phục hồi các loài nguy cấp, quý hiếm. Dự kiến, từ nay đến năm 2050, chúng tôi sẽ hoàn thành công nghệ sinh sản nhân tạo của khoảng 18 loài. Sau khi hoàn thành sẽ đưa ra nuôi thương phẩm và một phần nuôi tái sinh, thả tái tạo ở vùng biển tự nhiên”, ông Hùng thông tin.
Như vậy, có thể thấy, nuôi biển tự nhiên là giải pháp vừa tái tạo lại những loại sinh vật có giá trị cao nhưng đồng thời vừa mang lại giá trị kinh tế cho những cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, ngoài việc nuôi tự nhiên trong các khu bảo tồn biển, thì các vùng biển mà những doanh nghiệp được giao quản lý cũng có thể triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, để nuôi biển tự nhiên cần phải quan tâm đến vấn đề sinh thái của các loài nuôi. Đòi hỏi có những hiểu biết, đặc biệt với những đối tượng mới. Có như vậy mới đưa ra được giải pháp phù hợp với đặc trưng sinh thái của loài cũng như của sinh cư và đặc điểm sinh sống để quản lý, khai thác một cách hiệu quả nhất.
Trên thực tế hiện nay, nuôi biển tự nhiên ở nước ta bước đầu hình thành qua việc thả giống hải sản trong các sự kiện thủy sản hoặc môi trường với các loài cá cảnh, tôm sú, cá thực phẩm. Hay như di dời, quản lý đàn sinh sản kết hợp với hoạt động phục hồi rạn san hô. Hoặc nuôi vẹm xanh, ngao, nghêu, sò huyết… trên bãi triều và vùng nước nông ven biển.
Phần lớn hoạt động nuôi biển ở quy mô gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công nghệ lạc hậu và không bền vững vì tác động xấu đến môi trường. Cùng với đó là nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu quy hoạch, thiếu thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Nhà nước chưa ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn và thiếu chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, việc phát triển nuôi biển không chỉ bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản mà còn là cứu cánh, giải quyết căn bản, lâu dài cho vấn đề "thẻ vàng" IUU.
“Tuy nhiên, mặc dù đã có chính sách nhưng vẫn khó thực thi. Có thể lấy ví dụ như vấn đề giao biển lâu dài cho tổ chức, cá nhân để phát triển nuôi biển. Theo Luật Thủy sản năm 2017, tổ chức cá nhân được giao biển trong khoảng 30 năm và có thể kéo dài thêm 20 năm. Vậy nhưng hiện nay, chưa có tỉnh nào thực hiện giao được biển cho người dân, doanh nghiệp theo thời hạn đó. Nếu không giao được lâu dài thì các cá nhân, tổ chức không thể đầu tư bài bản để thực hiện”, ông Dũng nói.
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý Chương trình biển và vùng bờ, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN Việt Nam cho biết: “Về xu hướng nuôi biển tự nhiên kết hợp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản có thể thực hiện được trong khu vực phục hồi hệ sinh thái, vùng dịch vụ hành chính và vùng đệm của khu bảo tồn biển có sự tham gia của doanh nghiệp. Ở những khu vực này, các doanh nghiệp sẽ như cánh tay nối dài để hỗ trợ và bảo vệ thêm khu vực cần phải bảo vệ, tránh những hoạt động đánh bắt thủy sản không được phép. Tất nhiên, khi tham gia vào khu vực bảo tồn biển thì doanh nghiệp phải tuân thủ một số quy định về môi trường chứ không phải hoạt động thủy sản nào cũng có thể thực hiện”.
Lê Khánh (nongnghiep.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận